Trong phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị mở cửa du lịch an toàn càng sớm càng tốt, chậm nhất là dịp 30/4 - 1/5 và cố gắng từ 30/3, sau khi cơ bản tiêm mũi thứ 3 cho các đối tượng chỉ định và có quy định kiểm soát xuất nhập cảnh hợp lý.
Đây được xem là tin vui trong những ngày đầu năm không chỉ cho riêng ngành du lịch mà còn mở ra cơ hội phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng - phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 kéo dài vừa qua.
Ảnh minh họa: TTXVN
Việc mở cửa du lịch sẽ "giải cứu" bất động sản du lịch nghỉ dưỡng - Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra nhận xét. Tin vui từ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã đánh dấu sự kích hoạt trở lại của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Điều này đã đem lại sự hứng khởi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đặt niềm tin vào sự phục hồi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng. Và năm 2022 chính là thời điểm quan trọng quyết định sự phục hồi của phân khúc này mặc dù trong điều kiện thuận lợi vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.
Nắm bắt cơ hội phục hồi, ngay sau dịp Tết Nguyên đán, liên tiếp nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được công bố chủ trương đầu tư hoặc giới thiệu, mở bán chính thức trên thị trường. Điều này cũng cho thấy, niềm tin của các chủ đầu tư vào sự tăng trưởng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng rất lớn.
Trong bối cảnh thị trường liên tiếp đón nguồn hàng nghỉ dưỡng mới, tỉnh Hòa Bình vẫn giữ vị thế top đầu về nguồn cung nghỉ dưỡng ven đô trong những tháng đầu năm 2022. Điển hình, từ cuối tháng 1/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng 50 ha đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, Hòa Bình.
Dự án có tên thương mại dự kiến là THM - Villa - Resort on the Mountain được thiết kế theo phong cách Thụy Sĩ với quy hoạch bao gồm quần thể 2 khách sạn 5 sao và hơn 2.000 villa cùng nhiều tiện ích du lịch để cho thuê ngắn hạn và 50 năm trên núi do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư.
Cùng đó, bất động sản nghỉ dưỡng Hòa Bình đón thêm dự án mới Takara Hòa Bình Resort tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc có quy mô khoảng 60 ha với 661 căn biệt thự, diện tích dao động từ 300-600 m2 và 2 toà căn hộ cao 3-7 tầng. Dự án này do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Hiền Lương làm chủ đầu tư.
Tại Thanh Hóa, Tập đoàn Flamingo cũng công bố sẽ xây dựng tòa tháp Ibiza Party Resort tại Hải Tiến. Đây là tòa tháp phát triển mạnh các hoạt động kinh tế đêm với các buổi tiệc thâu đêm tại các quán bar, phố ẩm thực, nhà hàng trên không và gần 600 phòng khách sạn; dự kiến đi vào hoạt động trong quý IV/2023.
Mới đây, tại huyện Tam Nông (Phú Thọ), Tập đoàn T&T Group đã chính thức khởi động dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500 ha, tổng mức đầu tư khoảng 35.000 tỷ đồng. Đây là dự án khu đô thị sinh thái và sân golf có quy mô lớn nhất tỉnh Phú Thọ tính đến thời điểm hiện nay.
Việc các dự án bất động sản nghỉ dưỡng liên tục “bung hàng” bất chấp dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm liên tục tăng cao tại nhiều địa phương cho thấy sự quyết tâm khởi động để tăng tốc của phân khúc này trong bối cảnh bình thường mới; đặc biệt là hậu thuẫn của mở cửa du lịch cũng như mở cửa các đường bay quốc tế.
Chủ tịch Maxland Việt Nam Trần Đức Diễn nhận xét, du lịch phát triển sẽ tác động tích cực tới bất động sản nghỉ dưỡng. Sau thời gian đương đầu nhiều khó khăn, năm 2022, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ từng bước phục hồi mạnh. Chiến lược phát triển du lịch quốc gia là nền tảng quan trọng để phân khúc này tăng trưởng trong tương lai.
Trước khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, du lịch đóng góp khoảng 9,4% GDP. Mục tiêu chiến lược sẽ đẩy con số này đạt trên 15-17%. Hiện quỹ đất dành cho bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn rất lớn bởi nhu cầu lưu trú vẫn còn thiếu khoảng 200.000 phòng đáp ứng thị trường trong vòng 3-5 năm tới. Như vậy, condotel và biệt thự nghỉ dưỡng sẽ còn dư dịa lớn - ông Diễn phân tích. Đáng chú ý là một số thị trường tiềm năng như các tỉnh miền Tây, miền Trung với Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình sẽ được hưởng lợi từ tuyến đường ven biển Bắc - Nam.
Đánh giá về sự trở lại mạnh mẽ của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Thọ Tuyển - Chủ tịch Công ty cổ phần Bất động sản BHS cho rằng, yếu tố “kích hoạt” chính là việc các chủ đầu tư đã có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh, loại hình sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng đang thay đổi trên thị trường.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Anh Hà - Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển du lịch Vân Đồn (CEO Group) cho rằng, cần sớm hoàn thiện và áp dụng hộ chiếu vaccine không chỉ là ở Phú Quốc mà còn ở nhiều khu vực khác nữa để hỗ trợ đắc lực cho bất động sản nghỉ dưỡng cũng như các doanh nghiệp lữ hành và đơn vị quản lý du lịch… để sớm có thể hoạt động bình thường trở lại.
Bởi theo ông Vũ Anh Hà, trong giai đoạn dịch bệnh, thị trường bất động sản du lịch như chiếc lò xo bị nén lại, khi tình hình dịch được kiểm soát, du lịch nghỉ dưỡng sẽ bật lại rất mạnh mẽ. Do đó, để chuẩn bị cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vượt lên bứt phá trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó nên tính đến cả việc đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm.
Đây cũng chính là loại hình kỳ vọng sẽ đem lại nhiều giá trị, đóng góp vào GDP. Bởi khung giờ từ 20h tối đến 6h sáng hôm sau là khoảng thời gian hấp dẫn thu hút nhiều lượng ngoại tệ. Đây chính là mục tiêu lớn nhất của phát triển bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới - ông Hà đề xuất.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngành bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam cần phải có quy hoạch tổng thể quốc gia, dựa trên tầm nhìn của từng địa phương để phân bổ mô hình phát triển các loại hình du lịch cụ thể sao cho phù hợp với từng khu vực xây dựng.
“Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng có thể phát triển trong thời gian tới hay không còn phụ thuộc vào tầm nhìn của các chủ đầu tư trong việc đưa ra các chiến lược, kế hoạch thu hút khách hàng phải mang tính đặc sắc và có sự khác biệt, độc đáo. Các mô hình du lịch phải được thay đổi mới mẻ và kết hợp phát triển đa mục tiêu” - ông Hà nhấn mạnh.
Bện cạnh đó, năng lực triển khai các dự án của các chủ đầu tư cũng không kém phần quan trọng. Các nhà đầu tư phải có kinh nghiệm, triển khai dự án một cách chuyên nghiệp và bài bản để những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng phát triển theo đúng xu hướng đã định ra, đem lại hiệu quả thực sự khi đưa vào sử dụng.
Hiện nay, các dự án nghỉ dưỡng thường là đất thương mại, dịch vụ chỉ có thời hạn sử dụng là 50 năm. Tuy nhiên, thời gian từ lúc triển khai, quy hoạch và giao đất nhiều khi mất đến hàng chục năm, tương đương với khoảng 20% thời gian của dự án. Đến lúc có thể bán sản phẩm thì chỉ còn khoảng 30 năm thì khó thu hút được khách hàng, các chủ đầu tư vào kinh doanh. Do đó, cũng cần phải đẩy nhanh vấn đề thủ tục, pháp lý để tháo gỡ cho các dự án đầu tư bất động sản du lịch.