Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Ðắk Lắk) hôm nay.
Sau hơn 12 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW ngày 27/11/2009 và Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên giai đoạn 2010-2020, phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay Buôn Ma Thuột đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, trở thành đô thị hiện đại, năng động và bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, do chưa được ưu tiên nguồn lực đầu tư; không có cơ chế, chính sách đặc thù nên Buôn Ma Thuột chưa tạo được sự đột phá và phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí trung tâm.
Những kết quả bước đầu
Những ngày đầu tháng 3 này, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ðắk Lắk và thành phố Buôn Ma Thuột hân hoan tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 47 năm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Ðắk Lắk (10/3/1975-10/3/2022) cũng như triển khai các kế hoạch, phong trào thi đua thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Bí thư Thành ủy Buôn Ma Thuột Từ Thái Giang cho biết: Sau 47 năm giải phóng, đặc biệt kể từ khi thực hiện Kết luận số 60-KL/TW và Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, đến nay Buôn Ma Thuột đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trong giai đoạn 2010-2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt hơn 96.000 tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9,16%. Quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt hơn 22.100 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2010.
Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp-xây dựng. Thu ngân sách nhà nước đạt gần 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 96 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,43%; 8/8 xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới…
Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn Buôn Ma Thuột có 57 dự án phát triển đô thị được phê duyệt với tổng diện tích hơn 608 ha, đến nay có 34 dự án vốn ngân sách và bốn dự án vốn của doanh nghiệp đã và đang triển khai với diện tích 427 ha.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều dự án trọng điểm như đường vành đai phía tây Buôn Ma Thuột, đường Ðông Tây, Khu liên hợp thể thao vùng Tây Nguyên, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, hồ Ea Tam… được Trung ương và tỉnh tập trung đầu tư xây dựng, trong đó một số dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, du lịch, giáo dục, y tế… đều có bước phát triển vượt bậc, không chỉ tạo cho Buôn Ma Thuột ngày càng khang trang, hiện đại, bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên mà còn lan tỏa, tác động đến sự phát triển của các tỉnh trong khu vực...
Dưới cái nắng nóng gay gắt của những ngày tháng 3 Tây Nguyên nhưng ông Y Siu Buôn Yăh, 70 tuổi, Chủ tịch Hội đồng già làng, Trưởng buôn M’Túc, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột vẫn đến theo dõi các đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trọng điểm đường Ðông Tây và hồ Ea Tam.
Trò chuyện với chúng tôi, già làng Y Siu phấn khởi nói: "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, nhưng chưa bao giờ thấy sự phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột như hiện nay". Sau ngày giải phóng, Buôn Ma Thuột chỉ là một thị xã nhỏ bé, hoang vu, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chủ yếu là đường đất, dân cư thưa thớt, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn… thì hiện nay Buôn Ma Thuột đã trở thành đô thị văn minh, hiện đại ngay giữa lòng Tây Nguyên.
Từ trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột đến các xã, thôn, buôn vùng ven, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh, nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, không gian thành phố được mở rộng, đời sống của nhân dân được nâng cao về mọi mặt. Ðiều đáng tự hào là đến nay, Buôn Ma Thuột vẫn gìn giữ, bảo tồn được nhiều buôn làng, nhà dài, lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa xen kẽ giữa những khu dân cư sầm uất, hiện đại, tạo cho Buôn Ma Thuột một bản sắc riêng không nhầm lẫn với các đô thị khác.
Ðồng bào Ê Ðê ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) tham gia phục vụ hoạt động du lịch.
Cần cơ chế, chính sách đặc thù
Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.
Chưa thật sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên, là cực tăng trưởng tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng; là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu buôn bán hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia. Kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh chậm được nâng cấp; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra...
Ðể Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới, ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý trung tâm vùng, tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch; phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng xanh, sinh thái, thông minh và bản sắc riêng vùng Tây Nguyên; phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Hơn nữa, việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 67, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 9/7/2020 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 67 của Bộ Chính trị cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với việc xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Ðồng chí Nguyễn Ðình Trung, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðắk Lắk cho biết: Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/4/2021 và HÐND tỉnh Ðắk Lắk đã thông qua đề án xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... với nhiều giải pháp lớn như quy hoạch mở rộng địa bàn thành phố; phân cấp nguồn lực và thẩm quyền cho thành phố; huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố, nhất là hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với vùng duyên hải, đặc biệt là cảng biển của Nha Trang, Khánh Hòa; đề nghị Trung ương bố trí thêm nguồn lực cho phát triển giao thông, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa; tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho Buôn Ma Thuột đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai...
Ðặc biệt, UBND tỉnh Ðắk Lắk đang xây dựng Ðề án một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột để trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội như: Nâng hạn mức dư nợ vay của ngân sách địa phương lên mức 40%; bổ sung tiêu chí làm cơ sở phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương cho thành phố Buôn Ma Thuột được xác định là đô thị trung tâm vùng.
Tỉnh Ðắk Lắk được phân bổ thêm 45% mức chi của các nội dung chi tính theo định mức dân số tính cho giai đoạn ổn định ngân sách 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030 để Ðắk Lắk phân bổ thêm cho thành phố Buôn Ma Thuột; phân cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung khu chức năng, cục bộ quy hoạch đô thị; áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án thu hút đầu tư vào địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột; thành lập Quỹ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột...
"Việc trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù như đã nêu trên có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần và từng bước xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Ðắk Lắk trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cực tăng trưởng tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng Tây Nguyên; là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu, buôn bán hợp tác trong khu vực tam giác Campuchia-Lào-Việt Nam", Bí thư Tỉnh ủy Ðắk Lắk Nguyễn Ðình Trung khẳng định.