Nam Định: Qua 2 năm thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng

Thứ năm, 08/11/2018 13:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2018, ngành Xây dựng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xoá lò gạch thủ công truyền thống, nâng cao năng lực sản xuất vật liệu xây dựng theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1327/QĐ-UBND ngày 27/6/2016 (Quy hoạch 1327) nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành vật liệu xây dựng đạt 13,5%/năm, giá trị sản xuất đạt 4.726 tỷ đồng, giải quyết được thêm việc làm cho 1.500 lao động.

Sản xuất gạch lát vỉa hè terazzo tại Công ty TNHH Hoà Phát ở CCN An Xá (TP Nam Định).

Theo Quy hoạch 1327, dự báo nhu cầu vật liệu xây đến năm 2020 của tỉnh ta là 1.400 - 1.500 triệu viên; trong đó, gạch nung là 880 triệu viên, chiếm 62%, gạch không nung là 542 triệu viên, chiếm 38%. Từ năm 2016 đến nay, sau gần 2 năm thực hiện Quy hoạch, về cơ bản toàn tỉnh không có dự án đầu tư xây dựng mới lò gạch tuynel, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đều duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao công suất dây chuyền. Toàn tỉnh hiện có 28 cơ sở sản xuất gạch tuynel với 31 dây chuyền đạt công suất thiết kế 582 triệu viên/năm; 14 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với sản phẩm chủ yếu là gạch xi măng cốt liệu với tổng công suất thiết kế là 145 triệu viên/năm; 1 cơ sở sản xuất gạch ốp lát với sản lượng đạt 1 triệu m2/năm và 12 cơ sở sản xuất vật liệu lợp; 8 cơ sở sản xuất bê tông thương phẩm, bê tông cấu kiện và một số cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác như ống nhựa cấp - thoát nước, cửa nhựa lõi thép…
 
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Nam Định, nhìn chung ngành sản xuất vật liệu xây dựng, qua 2 năm thực hiện Quy hoạch cơ bản đáp ứng được nhu cầu một số chủng loại vật liệu xây dựng mà tỉnh có lợi thế sản xuất như vật liệu xây, bê tông thương phẩm, ống nhựa cấp thoát nước…, còn lại các loại vật liệu xây dựng khác mới đáp ứng được một phần nhu cầu. Tốc độ tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng còn chậm, chưa có sự đột phá đáng kể về công nghệ, sản phẩm, chủng loại vật liệu mới. Số lượng doanh nghiệp đầu tư xây dựng dây chuyền mới sản xuất gạch không nung còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ.

Việc phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tại Nam Định còn gặp nhiều khó khăn, chưa chuyển biến mạnh mẽ do nguồn tài nguyên khoáng sản nghèo, chủ yếu là đất sét và đất bãi bồi ven sông nên gạch nung vẫn là vật liệu xây chủ yếu của tỉnh, thậm chí có phần “lấn át” vật liệu mới gạch không nung. Các loại vật liệu xây dựng không nung mặc dù đã được các cấp chính quyền của tỉnh quan tâm chỉ đạo, khuyến khích sản xuất nhưng do mức tiêu thụ còn thấp nên chưa phát triển như mong muốn. Ngoài ra, nguồn vốn công cho đầu tư xây dựng tại tỉnh ta còn hạn hẹp so với các tỉnh lân cận. Nhiều cơ chế chính sách khuyến khích còn chung chung, việc tiếp xúc với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung gặp nhiều khó khăn. Do vật liệu không nung là loại sản phẩm thay thế gạch đất sét nung sử dụng vào các hạng mục xây dựng móng, phần bao che và tường ngăn trong các công trình xây dựng; trong khi đó gạch đất sét nung giá lại thấp nên vật liệu xây không nung bị cạnh tranh rất gay gắt.

Bên cạnh đó, do tiêu thụ kém nên hệ thống sản xuất đã đầu tư không thể chạy đúng công suất thiết kế dẫn đến khấu hao lớn, giá thành sản phẩm cao nên gạch không nung càng khó tiêu thụ. Đa số các cơ sở sản xuất gạch không nung chỉ chạy dây chuyền đạt 40 - 50% so với công suất thiết kế. Về chất lượng sản phẩm, các nhà đầu tư nguồn vốn còn hạn chế, lại thiếu kinh nghiệm nên chỉ nhập các dây chuyền trình độ công nghệ trung bình, thiếu đồng bộ. Thêm nữa công tác bảo quản sản phẩm và vận chuyển chưa đúng quy trình đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình.

Mặt khác, công tác xoá bỏ lò gạch thủ công truyền thống theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh cũng chưa thực sự quyết liệt, còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Hiện tại, số lò gạch thủ công truyền thống đã xoá bỏ trên địa bàn tỉnh là 499/578 lò, đạt 86,33%. Vẫn còn sản phẩm gạch nung thủ công cạnh tranh với vật liệu xây không nung. Hiện tại, Sở Xây dựng đang đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đôn đốc các huyện cưỡng chế tháo dỡ các lò gạch thủ công truyền thống theo đúng Quyết định số 13 của UBND tỉnh. Nhằm tạo điều kiện phát triển vật liệu xây đảm bảo theo đúng mục tiêu Quy hoạch đã đề ra, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong thời gian tới, Sở Xây dựng đã tham mưu điều chỉnh bổ sung quy hoạch các điểm sản xuất gạch không nung tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); điều chỉnh cục bộ quy hoạch, chuyển điểm quy hoạch phát triển gạch không nung từ xã Trực Chính về xã Trực Thanh (Trực Ninh); điều chỉnh bổ sung Quy hoạch điểm sản xuất gạch không nung của Công ty CP An Đồng tại Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ).

Ngoài ra, để thực hiện công tác quản lý đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hoá vật liệu xây dựng trên thị trường, 10 tháng đầu năm 2018, Sở Xây dựng đã tiếp nhận 6 hồ sơ công bố hợp quy các sản phẩm hàng hoá gồm xi măng hỗn hợp PCB30, PCB40 của Công ty CP Xi măng Thành Thắng Group; sơn tường nhũ tương của Công ty TNHH Liên danh sơn Pretty; gạch bê tông của Công ty TNHH Du lịch Hoà Vượng; gạch gốm ép bán khô của Công ty CP Gạch Granit Nam Định, gạch bê tông của Công ty CP Vật liệu không nung 567; gạch đặc đất sét nung của Công ty TNHH Sản xuất Vật liệu xây dựng Đức Thiện. Các ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra các loại vật liệu xây dựng lưu thông và đưa vào sử dụng trong các công trình trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và hợp quy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thời gian tới, nhằm đảm bảo phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng đúng quy hoạch, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, Sở Xây dựng cần phối hợp với các sở, ngành tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường; kiểm tra các cơ sở sản xuất vật liệu thủ công kém chất lượng. Tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết xử lý các lò gạch thủ công truyền thống.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố chủ động rà soát, lập hồ sơ, bản đồ hiện trạng để quản lý các cơ sở sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng tại địa phương; chú trọng thống kê, tổng hợp chính xác về lĩnh vực vật liệu xây dựng tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất hiện có phù hợp Quy hoạch phát triển ổn định, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Rà soát, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, chống thất thu thuế tài nguyên, phí môi trường của các cơ sở sản xuất; rà soát, kiểm tra các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông không để vi phạm an toàn đường thủy, hành lang đê kè, công trình thủy lợi…


Theo báo Nam Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)