Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng ở Hà Tĩnh

Thứ tư, 17/06/2015 15:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, Hà Tĩnh là điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án, công trình trọng điểm.

Một góc đại công trường dự án Formosa.

Kỷ lục GPMB ở siêu dự án Formosa

Dự án gang thép lớn nhất Đông - Nam Á do Tập đoàn Formosa (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư với số vốn lên đến 10 tỷ USD (giai đoạn 1), được khởi công xây dựng năm 2008 tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng.

Để triển khai dự án này, Hà Tĩnh phải di dời hơn 2.200 hộ, 10 nghìn nhân khẩu cùng 36 nhà thờ, hơn 16 nghìn ngôi mộ... tại năm xã ở huyện Kỳ Anh để bàn giao hơn ba nghìn ha đất và mặt nước cho nhà đầu tư. Chưa bao giờ Hà Tĩnh GPMB diện tích lớn và di dời, tái định cư một số lượng dân đông như vậy. Tỉnh Hà Tĩnh còn cam kết sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư ngay trong năm 2010. Cũng thời gian này, huyện Kỳ Anh phải đối mặt nhiều khó khăn trong GPMB công trình trọng điểm - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Công việc này đã khó lại càng khó hơn vì ngay từ đầu chưa nhận được sự đồng thuận của cả cán bộ và người dân. Khi tiến hành những phần việc đầu tiên như: tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền hay cắm mốc dự án, khoan thăm dò địa chất đến kiểm đếm tài sản, áp giá đền bù... đều không nhận được sự hợp tác của người dân; thậm chí, một số đối tượng quá khích còn cản trở, tấn công người thi hành công vụ; phá hỏng máy khoan, nhổ cọc mốc... Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (nay là Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư): Hà Tĩnh xác định, công tác tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân được đặt lên hàng đầu. Tỉnh đã huy động cả hệ thống đoàn thể chính trị, các sở, ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc. Huyện Kỳ Anh đã thành lập năm đoàn công tác do Thường trực Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy làm trưởng đoàn xuống các xã cùng ăn, ở với bà con để tuyên truyền vận động. Suốt hàng tháng trời, đoàn công tác của tỉnh, huyện phải chia nhỏ đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền vận động, theo kiểu một kèm một: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ vận động thanh niên, phụ nữ; Hội Cựu chiến binh (CCB), Hội Nông dân vận động CCB, nông dân... Thậm chí, vào những thời điểm căng thẳng, tỉnh vận động cả đội ngũ giáo viên, công chức, viên chức là con em Kỳ Anh về địa phương vận động gia đình, bà con, dòng họ tham gia GPMB cho dự án.

Nguyên Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh Lương Ngọc Bính nhớ lại những công việc đầu tiên trong "chuỗi" GPMB siêu dự án này là phải di dời 229 hộ dân ở thôn Tân Phúc Thành thuộc xã Kỳ Lợi lên khu tái định cư (TĐC) để đặt đường ống hút cát cho dự án. Khi đó, nhiều gia đình không hợp tác (khóa cửa đi vắng, chủ nhà không ở nhà...), các tổ công tác phải trường kỳ "mật phục" để gặp bằng được chủ nhà. Kiên trì vận động, bình quân mỗi gia đình, Đoàn công tác phải đến gặp gỡ, vận động khoảng 25 đến 30 lần, có nhiều hộ 40 đến 50 lần. Bà Nguyễn Thị Điểu "nể các cô, các chú đã... 87 lần đến vận động, cho nên buộc phải đồng ý dù không muốn rời đất hương hỏa ra đi". Cũng theo ông Lương Ngọc Bính, kiên trì vận động cả tháng trời, đến khi cơ bản số hộ trong thôn đồng ý, trừ một số gia đình có đối tượng cầm đầu cản trở, huyện đã phải quyết định bảo vệ, kiểm đếm số gia đình cản trở này đầu tiên. Vừa tiến hành bảo vệ kiểm đếm vừa vận động các đối tượng cầm đầu. Sau đó, các đối tượng này đều nhận thức được vấn đề, quay trở lại vận động nhiều gia đình khác hợp tác. Từ thành công ở thôn Tân Phúc Thành, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức rút kinh nghiệm rồi tiếp tục triển khai tại xã Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Phương... theo phương châm: dễ, ít làm trước; gia đình cán bộ, đảng viên, có con em giáo viên, công chức, viên chức gương mẫu thực hiện trước...



Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công lò cao số 1 và số 2 (Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng).

Đoàn công tác đặc biệt được thành lập gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự (nay là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh) làm trưởng đoàn "cắm" chốt ở Kỳ Anh để trực tiếp xử lý "ngay và luôn" các công việc liên quan. Đoàn liên ngành đã kịp thời phát hiện nhiều sai sót một cách cụ thể trong công tác GPMB để điều chỉnh cho phù hợp thực tế có lợi cho người dân, tạo sự lan tỏa cao... Thí dụ như khi áp giá, đền bù ngư lưới cụ bằng 30 đến 40% giá trị (theo quy định); nhưng khi được người dân phản ánh, lên khu TĐC, làm gì có biển mà sử dụng ngư lưới, Đoàn công tác đã ra quyết định hỗ trợ đền bù các loại lưới cụ ở mức cao nhất theo quy định và được người dân đồng tình cao. Riêng đồng chí trưởng đoàn công tác Võ Kim Cự luôn dành nhiều thời gian và công sức, gặp gỡ đối thoại trực tiếp với người dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc cũng như xử lý dứt điểm các điểm nóng phát sinh... Tại các địa phương, hằng ngày, các tổ công tác tiến hành giao ban xử lý vướng mắc cho từng hộ dân. Nếu người dân có đề xuất hợp lý, có lợi mà trên cơ sở vận dụng được thì hội đồng đền bù xử lý ngay, tạo niềm tin cho người dân. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh nhận được sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ, Quốc hội trong việc hỗ trợ kinh phí thỏa đáng để xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật năm khu TĐC khang trang, hoành tráng hơn hẳn nơi ở cũ, được quy hoạch, đầu tư thành các khu phố, nhà vườn kiểu mẫu; các khu nghĩa trang cũng được quy hoạch và đầu tư bài bản.

Tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức các "ngày hội" để đưa người dân lên khu TĐC. Vào những ngày này, đồng chí Võ Kim Cự luôn có mặt để trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trao quà, tiền hỗ trợ cho từng gia đình. Tỉnh đã huy động lực lượng lớn gồm các lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên... trong tỉnh đến chi viện cùng nhiều phương tiện để hỗ trợ, giúp bà con tháo dỡ nhà, vận chuyển đồ đạc, vật liệu, đào móng nhà... liên tục nhiều tháng liền. Những việc làm thiết thực nêu trên của cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo niềm tin cho người dân. Từ chỗ không đồng tình, người dân quay sang chấp thuận và ủng hộ. Không kể ngày hè nắng cháy hay mùa đông giá buốt, họ không chỉ đồng loạt tháo dỡ nhà di dời lên khu TĐC theo yêu cầu mà còn cất bốc mồ mả lên theo. Trong số đó có hàng trăm ngôi mộ mới chôn cất được vài ba tháng. Chúng tôi thật sự cảm động khi chứng kiến các hộ gia đình, dòng họ vì yêu cầu GPMB, đã chấp nhận, bọc thêm một lớp áo quan mới bên ngoài áo quan cũ để đưa lên nghĩa trang mới... Chỉ trong vòng hai năm, Hà Tĩnh đã cơ bản bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư Formosa theo đúng cam kết.

Bài học từ thực tiễn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, lãnh đạo Hà Tĩnh qua các thời kỳ luôn xác định, GPMB là ưu tiên số một để thu hút các dự án đầu tư lớn. GPMB là giải pháp đầu tiên để thu hút đầu tư nhanh hơn và để thúc đẩy các dự án vượt tiến độ. Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết về công tác GPMB sạch. Chính vì thế, từ năm 2008 đến nay, Hà Tĩnh là điểm đến của các nhà đầu tư. Hiện có khoảng 500 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang triển khai dự án tại Hà Tĩnh với số vốn lên đến 20 tỷ USD. Hà Tĩnh là một đại công trường sôi động với nhiều công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai quyết liệt. Chỉ tính riêng KKT Vũng Áng (Kỳ Anh) đã có 166 công trình, dự án lớn nhỏ được triển khai; chưa kể một loạt công trình dự án trọng điểm ở các địa phương khác như: Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 8A, quốc lộ 1A, Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng... Với phương châm chỉ đạo: Khó như GPMB dự án Formosa mà còn làm được thì không có mặt bằng dự án nào mà không hoàn thành và với cách làm quyết liệt như GPMB Formosa, đến nay Hà Tĩnh đều cơ bản bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư theo đúng cam kết. Chẳng hạn, đối với các công trình dự án tại KKT Vũng Áng, đến nay Hà Tĩnh đã tổ chức di dời, tái định cư cho 3.891 trong số 4.327 hộ (khoảng 20 nghìn nhân khẩu), di dời hơn 17 nghìn mồ mả, bàn giao 5.223 ha đất cho nhà đầu tư...

Qua triển khai thành công công tác GPMB ở Hà Tĩnh thời gian qua, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là từ chủ trương đúng, huy động cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc. Công tác vận động cần kiên trì, chia nhỏ đến từng gia đình, từng con người cụ thể và gắn trách nhiệm với từng tổ chức, cá nhân lãnh đạo. Chính sách bồi thường, hỗ trợ cần làm đúng quy định pháp luật. Dân chủ, công khai, minh bạch các khoản đền bù, hỗ trợ, xuống tận từng hộ dân. Trả đúng, đủ, kịp thời các khoản đền bù, hỗ trợ, tạo sự đồng thuận của người dân. Nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách. Nguồn gốc đất đai cần được điều tra làm rõ, xác định đúng và hết sức dân chủ và đúng pháp luật. Ngoài nỗ lực cố gắng của địa phương, các tỉnh nghèo rất cần sự hỗ trợ của Trung ương trong việc xây dựng kết cấu, hạ tầng kỹ thuật các khu TĐC; tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sinh sống ở các khu TĐC mới. Thật sự quan tâm đào tạo nghề, việc làm, nâng cao thu nhập để bà con sớm ổn định cuộc sống và phát triển; Kiên trì thuyết phục, nhưng đối với các cá nhân, tổ chức làm trái quy định, chây ỳ thì kết hợp thuyết phục với răn đe, kể cả thực hiện các biện pháp hành chính (cá biệt); Đội ngũ cán bộ làm công tác đền bù được lựa chọn là người có năng lực, am hiểu quy định pháp luật, công tâm, vận dụng phù hợp các chủ trương, chính sách Nhà nước để đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân. Lãnh đạo chủ chốt của tỉnh được phân công chỉ đạo, điều hành GPMB luôn nhiệt tình bám và chỉ đạo công việc một cách quyết liệt. Ở các vùng có đông bà con theo đạo, cần phối hợp chặt chẽ với các chức sắc tôn giáo để cùng giải quyết các vấn đề liên quan một cách thấu đáo. Đồng thời, đưa ra khỏi danh sách những cán bộ thiếu nhiệt tình và xử lý kỷ luật nghiêm đối với tập thể, cá nhân lợi dụng sơ hở trong GPMB để trục lợi...


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)