Triển khai đồng bộ, tạo bước chuyển mới
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Xác định công tác quy hoạch thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06, chỉ đạo UBND thành phố, các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ, tổng thể trên diện rộng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai Chương trình 06, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND cụ thể hóa các nội dung gắn việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XV. Ban chỉ đạo Chương trình 06 đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương hoàn thành công tác lập các loại quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch chuyên ngành; tập trung chỉ đạo tiến độ các đồ án quy hoạch theo kế hoạch; đồng thời tổ chức kiểm tra tiến độ các dự án công trình trọng điểm, dự án giải quyết dân sinh bức xúc. Các cơ quan chức năng của thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai niêm yết các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính để thực thi nhiệm vụ. Đến nay, Chương trình 06 đã tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Lần đầu tiên có khối lượng lớn các đồ án quy hoạch được thành phố triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị; công tác lập quy hoạch thực sự mang tính dân chủ với sự tham gia sâu của cộng đồng.
Đã có 35 đồ án quy hoạch phân khu được thực hiện, trong đó 16 đồ án đã được UBND thành phố phê duyệt, 19 đồ án quy hoạch phân khu còn lại đã cơ bản hoàn thành sẽ trình duyệt trong năm 2015. Thành phố đã phê duyệt 31/31 nhiệm vụ đồ án quy hoạch chung, trong đó có 18 đồ án đã phê duyệt, các đồ án còn lại đang hoàn thiện dự kiến phê duyệt trong quý III-2015. Cùng với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị cũng được Hà Nội triển khai tích cực. Thành phố đã rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm; chỉ đạo các ngành rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, GPMB, bảo đảm thông thoáng, minh bạch. Cùng với đó là việc đẩy mạnh triển khai các đồ án quy hoạch chuyên ngành, mạng lưới, đề án liên quan. Toàn thành phố đã có 39/45 đồ án chuyên ngành được phê duyệt; 5 năm qua, thành phố đã phê duyệt 30/30 quy hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011-2015. Công tác quy hoạch và xây dựng nông thôn mới đã được triển khai tích cực, đến cuối năm 2012 đã hoàn thành phê duyệt 401/401 quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
Cũng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 06, thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh việc di dời nhiều cơ sở gây ô nhiễm, các trụ sở cơ quan, trường đại học, bệnh viện ra ngoài khu vực trung tâm; tăng cường lĩnh vực đầu tư với các dự án công trình bệnh viện, nghĩa trang, xử lý rác thải, thoát nước... Đặc biệt, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện chương trình phát triển nhà, trong đó có phát triển nhà ở xã hội.
Gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch phát triển
Có thể khẳng định, thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình 06, Hà Nội đã giải quyết một khối lượng công việc lớn về quy hoạch kiến trúc, chất lượng quy hoạch được nâng cao tạo công cụ quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Chương trình 06 của Thành ủy đã đạt được nhiều thành tựu không nhỏ trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị, trong đó đặc biệt là đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao chất lượng môi trường. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, vẫn còn một số tồn tại nhất định như: Chưa kịp thời chỉnh trang bộ mặt kiến trúc trên các tuyến đường mới mở; công tác GPMB còn nhiều bất cập; công tác phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc di dời các trường đại học, cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp ra ngoài khu vực nội đô đã được quan tâm, nhưng triển khai chậm; công tác quản lý trật tự xây dựng, thực hiện xây dựng theo quy hoạch chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, ý thức người dân chấp hành pháp luật trong quy hoạch, xây dựng và trật tự đô thị chưa cao.
Nguyên nhân chính do hệ thống văn bản pháp lý thiếu đồng bộ, văn bản hướng dẫn chậm ban hành. Việc đồng thời tổ chức triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị với khối lượng rất lớn và yêu cầu cao về chất lượng là một thách thức, trong điều kiện lực lượng quản lý quy hoạch, tư vấn thiết kế còn thiếu và yếu. Thêm nữa, tình hình suy thoái kinh tế thế giới, thị trường bất động sản trầm lắng đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông, hạ tầng đô thị, nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà tái định cư. Năng lực quản lý đô thị của một số địa phương còn yếu, thiếu nhân lực, nguồn lực…
Xác định quy hoạch xây dựng gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội - vấn đề tiên quyết để quy hoạch thực sự trở thành công cụ thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực của xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ban Chỉ đạo Chương trình 06 đã đề xuất Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trong thời gian tới. Trong đó, quy hoạch tập trung vào khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị TP Hà Nội và khu vực các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các khu chức năng đặc thù, các điểm dân cư nông thôn. Bên cạnh đó cần tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức không gian ngầm gắn liền với phát triển hệ thống đường sắt đô thị; xây dựng đầy đủ hệ thống công cụ, chính sách quản lý trật tự xây dựng... Ban Chỉ đạo Chương trình 06 cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng và cơ quan tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch Vùng Thủ đô xác định rõ về tính chất, chức năng của các đô thị đối trọng trong vùng nhằm cân đối hỗ trợ và chia sẻ với Hà Nội, hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa về chức năng giữa các đô thị.
Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện chương trình phát triển nhà, trong đó có nhà ở xã hội. Đến nay, thành phố hoàn thành hơn 1,3 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp; đã tổ chức bán nhà ở cho người thu nhập thấp tại 7 dự án với 4.567 căn hộ, 285.083m2 sàn. Hiện nay, thành phố đang thực hiện chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội 14 dự án với 1.020.794m2 sàn. Thành phố đã và đang triển khai 10 dự án xây dựng khu ký túc xá cho sinh viên và đã được Chính phủ ghi danh mục và cho phép đầu tư thực hiện, bao gồm 2 khu ký túc xá tập trung và 8 khu ký túc xá trong khuôn viên các trường, đáp ứng nhu cầu của khoảng 43.448 sinh viên, với khoảng 362.775m2 sàn xây dựng mới. Từ năm 2011 đến nay, thành phố cũng đã hoàn thành khoảng 3.000 căn hộ tái định cư, cơ bản đáp ứng đủ quỹ nhà tái định cư cho các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. |
Theo Báo Hà Nội mới