Phát triển và quản lý nhà ở của Thành phố Hà Nội khi Luật Nhà ở có hiệu lực

Thứ năm, 03/08/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
8/1/2006 8:41:00 PM Luật Nhà ở đã có hiệu lực thi hành. Một trong những nội dung được cụ thể trong luật là vấn đề phát triển nhà ở, quy định tại chương III. Phóng viên Báo KT&ÐT đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất.

Nhà ở là vấn đề nhạy cảm và rất bức xúc đối với nhu cầu của người dân Thủ đô. Ông có thể đánh giá một vài nết về công tác phát triển nhà ở của Hà Nội từ năm 2000 trở lại đây?

- Trước năm 2000, Hà Nội phấn đấu mỗi năm chỉ được từ 30-40 vạn m2 nhà ở. Trong 5 năm 2000-2005, TP đã phát triển xây dựng được 6 triệu m2 nhà ở, trung bình mỗi năm từ 1- 1,2 triệu m2 nhà ở, trong đó nhân dân tự xây dựng khoảng 500 nghìn m2, nâng diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người từ 6m2 năm 2000 lên 7,5m2 năm 2005. Ngoài ra, TP đã hỗ trợ được 2.133/2.610 cán bộ lão thành Cách mạng, cải thiện nhà ở; xây dựng 200 căn hộ để giải quyết nhà ở cho các đối tượng chính sách thương bình, liệt sỹ. Hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ có đất tại các huyện ngoại thành để cải tạo nhà ở cho người nghèo, xoá bỏ cơ bản nhà dột nát của các hộ nghèo. Xây dựng thí điểm 90 căn hộ nhà chung cư 6 tầng tại KÐT Nghĩa Ðô-Dịch Vọng quận Cầu Giấy trả góp để bán cho các hộ nghèo có diện tích đang ở bình quân đưới 2,5m2/người tại nội thành. Triển khai xây dựng khu chung cư sinh viên thuê với diện tích sàn 42.789m2 với giá 100.000đồng/sinh viên/tháng. Ðó là những nỗ lực của Ðảng bộ và chính quyền TP trong việc phát triển nhà ở đối với các đối tượng trên địa bàn Thủ đô.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về chính sách phát triển nhà ở xã hội trong năm 2006 của TP?

- Ðể thực hiện Luật Nhà ở nhất là chương trình phát triển nhà ở xã hội nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở đã triển khai xây dựng phương án thí điểm trình UBND TP và đã được thông qua tại kỳ họp HÐND TP vào tháng 7 vừa qua. Năm 2006, Hà Nội sẽ xây dựng đầu tư 100 tỷ đồng do ngân sách TP cấp, thời gian thu hồi vốn là 40 năm để làm nhà cho thuê. Ngay trong chính sách nhà ở xã hội đối với nhà tái định cư, khi người dân được hỗ trợ di dời mua nhà tái định cư để GPMB được trả dần trong vòng 50 năm, lãi suất 0,25%/tháng. Gần đây nhất, sở cũng đã đề nghị được TP cho phép áp dụng thí điểm phương thức cho các hộ dân được lựa chọn một trong hai hình thức: Mua nhà tái định cư hoặc được hỗ trợ bằng tiền, nếu cam kết tự lo nơi ở mới khi phải di dời để GPMB thực hiện dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Ô Ðông Mác - đê Nguyễn Khoái.

Gần đây, nhiều cử tri khi tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã nêu ý kiến: Hầu hết nhà ở xã hội tại chung cư thuộc các KÐTM, dân đã ở kín từ lâu nhưng không có nơi vui chơi giải trí, hội họp, họp chợ; công tác quản lý còn nhiều bất cập, nêu xảy ra các hành vi cơi nới, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, ông cho biết ý kiến vấn đề này như thế nào?

- Việc quản lý đầu tư xây dựng luôn được TP chỉ đạo, từ khâu thẩm định, phê duyệt quy hoạch, quy hoạch dự án, tuân thủ các quy định pháp luật. Về quy hoạch các KÐTM phải đảm bảo tính đồng bồ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Song việc đầu tư xây dựng tại một số KÐTM, tính đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở, về tiến độ đầu tư, về quản lý sau đầu tư còn bộc lộ những khuyết điểm, thiếu sót do năng lực hạn chế của một số chủ đầu tư chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư đồng bộ theo tiến độ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Một số dự án, phần hạ tầng kỹ thuật và nhà ở lại do chủ đầu tư khác nhau thực hiện nên việc bố trí vốn, phối hợp triển khai dự án còn có những bất cập. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý sử dụng nhà, chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm quản lý được giao... nên đã gây ra tình trạng trên.

Ðể khắc phục những tồn tại trên, thì theo ông cần phải làm gì?

- Ngành sẽ rà soát, đề xuất UBND TP sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về quản lý nhà ở cho phù hợp với tình hình thực tế và những quy định pháp luật mới của Nhà nước. Ðồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư, các doanh nghiệp hoạt động xây dựng, các đơn vị quản lý sử dụng nhà chủ động rà soát kiểm tra, kiện toàn bộ máy bảo đảm điều kiện năng lực, thực hiện nghiêm các quy định của TP, không để tiếp tục xảy ra tình trạng nêu trên.

Việc cấp GCN quyền sở hữu nhà ở sổ hồng sẽ được thực hiện như thế nào?

- Luật Nhà ở đã quy định, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp quận, huyện phải thực hiện việc cấp sổ hồng cho chủ sở hữu. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ký chứng nhận, Phòng Tài nguyên Môi trường hay Phòng quản lý nhà cấp quận, huyện phải gửi thông báo cho chủ sở hữu biết nghĩa vụ tài chính phải nộp theo quy định của pháp luật. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về các nghĩa vụ tài chính, chủ sở hữu phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính đó. Sỡ cũng sẽ có dự thảo trình UBND TP phê duyệt, ban hành quy định mà luật đã có hiệu lực để đưa luật vào đời sống đô thị của nhân dân Thủ đô.

Xin cảm ơn ông!

www.ktdt.com.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)