Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thứ ba, 31/05/2016 07:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 31/5/2016.

Phân công Chủ tịch các Phân ban Việt Nam trong các Ủy ban liên Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ vừa phân công các Phó Thủ tướng làm Chủ tịch các Phân ban Việt Nam trong các Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học-kỹ thuật, văn hoá và một số hình thức hợp tác khác với nước ngoài (Ủy ban liên Chính phủ).

Cụ thể, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Chủ tịch của 12 Phân ban trong các Ủy ban liên Chính phủ sau: Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào; Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật; Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Myanmar; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Thái Lan; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, kỹ thuật, khoa học Việt Nam-Malaysia; Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Indonesia; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam- Brunei; Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Philippines; Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản; Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Ấn Độ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ; Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Sri Lanka về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Chủ tịch của 2 Phân ban trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật và Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Hà Lan về thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Soạn thảo 27 văn bản quy định chi tiết thi hành 7 luật

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phân công 9 bộ chủ trì soạn thảo 25 nghị định và 2 quyết định để quy định chi tiết thi hành 7 luật: Luật Trẻ em; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Luật Điều ước quốc tế; Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trong đó, để quy định chi tiết Luật Trẻ em sẽ có hiệu lực từ 1/6/2017, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em; Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ soạn thảo Nghị định quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Nghị định quy định về lưu chiểu điện tử đối với báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí. Hai Nghị định này nhằm quy định chi tiết Luật Báo chí sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Để hướng dẫn chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2016, Bộ Tài chính sẽ chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định về thuế. Bộ Tài chính phải trình dự thảo Nghị định này trước ngày 15/6/2016.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì soạn thảo 14 Nghị định quy định chi tiết Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ có hiệu lực từ 1/9/2016 gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định về kinh doanh hàng miễn thuế; Nghị định quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng các bộ chủ trì soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo, việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động nghiên cứu xây dựng, ban hành các thông tư quy định chi tiết thi hành các vấn đề được luật giao, bảo đảm chất lượng, tiến độ, để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Đồng thời, các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, trình ban hành đối với từng văn bản; phân công trách nhiệm, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công trong việc xây dựng, trình văn bản...

Giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2016 (đợt 2)

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 801/QĐ-TTg giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2016 (đợt 2).

Cụ thể, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2016 (đợt 2) tổng số được giao là 13.583,962 tỷ đồng, bao gồm vốn trong nước là 11.850,453 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.733,509 tỷ đồng. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương được giao kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Trung ương là 6.519,685 tỷ đồng; các địa phương được giao 7.064,277 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch ngân sách Trung ương năm 2016 (đợt 2) từng dự án theo ngành, lĩnh vực, chương trình; bao gồm số vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, số vốn thu hồi các khoản vốn ứng trước nguồn ngân sách Trung ương theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Căn cứ kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước, danh mục và mức vốn ngân sách Trung ương năm 2016 (đợt 2) được giao tại Quyết định này và Quyết định giao kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách Nhà nước năm 2016 (đợt 2) của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn từng dự án, bao gồm thu hồi các khoản vốn ứng trước theo quy định trên, gửi báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 20/5/2016. Đồng thời, thực hiện các quy định tại Khoản 6, Điều 3, Quyết định số 2526/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiêu chí công nhận xã, vùng An toàn khu

Tiêu chí, quy trình thủ tục công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Đối tượng được công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu gồm: Đơn vị hành chính cấp xã (theo địa bàn hiện nay) có các sự kiện lịch sử cách mạng liên quan đến tiêu chí xác định xã An toàn khu; vùng (gồm các đơn vị hành chính cấp xã theo địa bàn hiện nay ở trong vùng) có các sự kiện lịch sử cách mạng liên quan đến tiêu chí xác định vùng An toàn khu.

Xã An toàn khu phải có 3 trong 5 tiêu chí

Quyết định nêu rõ, xã An toàn khu phải có 3 trong 5 tiêu chí sau:

1- Được cấp ủy đảng từ Khu ủy, Quân khu ủy trở lên chỉ đạo xây dựng An toàn khu cách mạng (nơi có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ).

2- Nơi ở (nuôi, giấu, giữ bí mật), làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của các đồng chí cán bộ của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên.

3- Nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng, có các quyết sách chiến lược của Đảng mang tính chất bước ngoặt trong các giai đoạn của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hoặc nơi đóng trụ sở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội từ cấp Khu và Quân khu trở lên, trụ sở ngoại giao (sứ quán, tổng lãnh sự quán…) của nước ngoài, cơ quan Bộ Chỉ huy Mặt trận cấp chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

4- Nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) từ cấp đại đội trở lên; nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng,… trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ phục vụ cho Mặt trận cấp chiến dịch hoặc cấp Quân khu trở lên.

5- Nơi có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đồng thời, lực lượng vũ trang của địa phương đã chủ động hoặc phối hợp với lực lượng vũ trang chính quy tổ chức các trận đánh địch để bảo vệ an toàn cho cán bộ, cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước đóng trên địa bàn hoặc là nơi đã diễn ra trận đánh thắng lợi quan trọng góp phần tạo ra cục diện chiến trường lợi thế cho cách mạng và kháng chiến tại địa bàn và khu vực lân cận.

Vùng An toàn khu phải có đủ 2 tiêu chí

Ngoài quy định tiêu chí xã An toàn khu, Quyết định cũng quy định cụ thể vùng An toàn khu. Theo đó, vùng an toàn khu phải có đủ 2 tiêu chí:

1- Vùng có địa bàn thuộc một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện liền kề của một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị hành chính cấp xã trong vùng này có cơ sở và phong trào cách mạng vững mạnh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

2- Có từ 30% trở lên số đơn vị hành chính cấp xã trong vùng được công nhận xã An toàn khu, trong đó có đơn vị hành chính cấp xã được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang hoặc có các di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, các công trình di tích lịch sử cách mạng được các tổ chức, cơ quan từ cấp Khu ủy, Quân khu trở lên đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Xây dựng cầu Đò Cung qua sông Lam

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc bổ sung hạng mục xây dựng cầu Đò Cung, tỉnh Nghệ An vào Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND tỉnh Nghệ An về phương án đầu tư xây dựng cầu Đò Cung qua sông Lam và quyết định việc bổ sung hạng mục xây dựng cầu Đò Cung vào Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh, bảo đảm sự gắn kết và mang lại hiệu quả của hạng mục bổ sung đối với Dự án, không làm tăng tổng mức đầu tư, không ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án.

Tăng cường quản lý đất đai

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Dự án trên được triển khai tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và trên địa bàn 33 tỉnh, thành phố từ năm 2016-2022 với tổng mức đầu tư dự kiến là 180 triệu USD.

Mục tiêu của Dự án mang lại là phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện dự án thông qua việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.

Cụ thể, Dự án sẽ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc; hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành liên quan; hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hoá các văn phòng đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ đến việc hoàn thiện trang thiết bị đầu - cuối của các văn phòng đăng ký đất đai; nâng cao hiệu quả nhận thức của cộng đồng đối với công tác quản lý, xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai.

Điều chỉnh Dự án Giao thông nông thôn 3

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh nội dung chủ trương đầu tư Dự án "Giao thông nông thôn 3 - Phần vốn bổ sung" (Dự án) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Vương quốc Anh (DFID) tài trợ.

Cụ thể, Dự án trên được điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư là 2.369.561,03 USD; trong đó, giảm vốn do WB/DFID là 3.088.038,15 USD; tăng vốn đối ứng 718.477,12 USD.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án, bảo đảm mức vốn đối ứng sau điều chỉnh phù hợp với kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.

Dự án "Giao thông nông thôn 3" được triển khai tại 33 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm nâng cao điều kiện đi lại của nhân dân, nâng cao khả năng tiếp cận của các địa phương vùng sâu, vùng xa với các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội…

Nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực và phát huy vai trò của các trường sư phạm nòng cốt trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Đồng thời hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, hoạch định chính sách của cơ quan quản lý giáo dục các cấp; hỗ trợ các trường sư phạm trong hoạt động hỗ trợ phát triển chuyên môn của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Dự án gồm 2 thành phần. Thành phần 1 - tăng cường năng lực cho các trường sư phạm để đào tạo có chất lượng và bồi dưỡng phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; Thành phần 2 - hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực.

Cơ quan chủ quản của dự án là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự án được triển khai tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học sư phạm được lựa chọn.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 100 triệu USD. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2016-2021.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn chỉnh văn kiện Dự án, chịu trách nhiệm phê duyệt và tổ chức thực hiện Dự án theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Hỗ trợ gạo cho tỉnh Hà Giang

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 290,4 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Hà Giang để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2016.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Giang tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp nêu trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Trường hợp sau khi thực hiện vẫn còn khó khăn, địa phương báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ.

Xuất cấp hóa chất sát trùng cho 2 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) hóa chất sát trùng cho 2 tỉnh: Quảng Trị, Bến Tre để phòng chống dịch.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xuất cấp (không thu tiền) từ nguồn dự trữ quốc gia 5.000 lít hóa chất sát trùng Han-Iodine và 5.000 lít hóa chất sát trùng Vetvaco-Iodine cho tỉnh Quảng Trị để phòng, chống dịch bệnh tai xanh và 35 tấn hóa chất Chlorine 65% min cho tỉnh Bến Tre để phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh: Quảng Trị, Bến Tre tiếp nhận, quản lý và sử dụng số hoá chất nêu trên theo đúng quy định hiện hành.

Theo Cục thú y, tính đến ngày 18/5, tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 6 ổ dịch tai xanh tại 4 huyện và thành phố làm 505 con lợn mắc bệnh. Địa phương đã tiến hành tiêu hủy 142 con.

Cơ quan Thú y vùng III và Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp, cấp 5.000 lít hóa chất khử trùng và tiến hành tiêm phòng được 36.502 con lợn trên địa bàn.

Bảo đảm an toàn thông tin mạng

Đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thông tin mạng của toàn xã hội. Huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp tham gia công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Đây là nội dung tại Quyết định phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bên cạnh các mục tiêu trong Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016-2020 là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về an toàn thông tin, tỉ lệ các sự cố mất an toàn thông tin mạng xảy ra do nhận thức yếu kém, chủ quan, bất cẩn của con người ở dưới mức 50%; nâng cao uy tín giao dịch điện tử của Việt Nam, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại và phát tán thư rác cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế.

Hình thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống kiểm định, đánh giá về an toàn thông tin; phát triển tối thiểu 5 sản phẩm an toàn thông tin thương hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò chủ đạo tại thị trường dịch vụ an toàn thông tin trong nước.

Bảo đảm an toàn thông tin mạng quy mô quốc gia

Một trong những nhiệm vụ đặt ra là bảo đảm an toàn thông tin mạng quy mô quốc gia. Cụ thể, xây dựng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin mạng tối thiểu đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; tăng cường đầu tư bảo đảm an toàn thông tin mạng; định kỳ kiểm tra, đánh giá về an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; xây dựng, cập nhật hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin mạng; xây dựng và hướng dẫn mô hình khung hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng các hệ thống nền tảng để nâng cao năng lực kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin mạng, bao gồm: Hệ thống xử lý tấn công mạng internet Việt Nam; hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn thông tin; hệ thống xác thực điện tử quốc gia; nâng cao năng lực và tổ chức vận hành hiệu quả mạng lưới điều phối ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, định kỳ tổ chức triển khai diễn tập bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, tham gia phối hợp diễn tập quốc tế; nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại, cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử theo hướng xã hội hóa.

Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức

Nhiệm vụ tiếp theo là bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, trong đó, xây dựng, ban hành và thường xuyên cập nhật quy chế, chính sách bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức; triển khai áp dụng hệ thống quản lý an toàn thông tin mạng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức; phân công lãnh đạo phụ trách và thành lập hoặc chỉ định bộ phận đầu mối chịu trách nhiệm về an toàn thông tin mạng.

Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho lãnh đạo và cán bộ; tổ chức đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng an toàn thông tin cho cán bộ có trách nhiệm liên quan; đầu tư nâng cao năng lực kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố an toàn thông tin mạng; định kỳ hàng năm thực hiện kiểm tra, đánh giá, diễn tập về an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý; tham gia, phối hợp trong các chương trình huấn luyện, diễn tập quốc gia; xây dựng và triển khai kế hoạch dự phòng, sao lưu dữ liệu, bảo đảm hoạt động liên tục của cơ quan, tổ chức; sẵn sàng khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống sau khi gặp sự cố mất an toàn thông tin mạng.

Ngoài ra, phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin mạng. Cụ thể, thực hiện đặt hàng nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử nghiệm và sản xuất sản phẩm an toàn thông tin nội địa từ ngân sách khoa học và công nghệ; hỗ trợ xúc tiến đầu tư, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu, thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng thương hiệu Việt Nam; hỗ trợ phát triển một số sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng nội địa; thúc đẩy ứng dụng chữ ký số công cộng trong các hoạt động kinh tế-xã hội; tăng cường thuê ngoài dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp cung cấp.

Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Châu bản triều Nguyễn

Đề án “Bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án nhằm bảo quản an toàn tài liệu Châu bản triều Nguyễn, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ tài liệu lâu dài; phát huy giá trị khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn thông qua việc đổi mới và mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền nhằm giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, hiểu được giá trị nội dung, ý nghĩa của tài liệu Châu bản triều Nguyễn; phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam; góp phần giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ thông qua khối Di sản tư liệu thế giới quý hiếm này.

Giai đoạn I của Đề án từ năm 2016-2020 tổ chức thực hiện công tác bảo quản tài liệu Châu bản triều Nguyễn. Cụ thể, tu bổ các tài liệu bị hư hỏng; xử lý tài liệu Châu bản bị hư hỏng nặng; ghi phim bảo hiểm tài liệu; bổ sung trang thiết bị bảo quản tài liệu.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện công tác phát huy giá trị tài liệu Châu bản triều Nguyễn như biên soạn, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu tài liệu; trưng bày, triển lãm ở trong nước và nước ngoài; làm phiên bản; xây dựng các bộ phim tài liệu; hội thảo chuyên đề; làm các sản phẩm quà tặng quảng bá tài liệu.

Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, khai thác tài liệu Châu bản: Xử lý 64 cuộn microfilm do Mỹ thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ XX để bổ sung cho những tập Châu bản gốc bị thiếu; số hóa tài liệu Châu bản; bổ sung, hoàn thiện Mục lục hồ sơ tài liệu Châu bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh để phục vụ công tác quản lý, tra tìm và khai thác sử dụng.

Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật cho những người làm trực tiếp công tác bảo quản và phát huy giá trị tài liệu; hợp tác, trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Châu bản.

Giai đoạn II của Đề án từ năm 2021-2025 hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nâng cấp phần mềm quản lý và khai thác tài liệu Châu bản; mở rộng trang thông tin điện tử giới thiệu tài liệu Châu bản bằng tiếng Trung, tiếng Pháp; tiếp tục thực hiện trưng bày, triển lãm tài liệu; làm phiên bản; xây dựng các bộ phim tài liệu; hội thảo chuyên đề; làm các sản phẩm quà tặng quảng bá tài liệu Châu bản triều Nguyễn; giới thiệu tài liệu Châu bản triều Nguyễn vào các trường học; hợp tác trao đổi với các nước, các tổ chức quốc tế về quảng bá, phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới; tiếp tục đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp thực hiện Đề án.

Kéo dài thời gian thí điểm tín dụng đối với hộ gia đình, người nhiễm HIV

Thủ tướng Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thí điểm thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương đến hết ngày 31/12/2017.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hết thời gian thí điểm sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để từ năm 2018 triển khai mở rộng trên phạm vi cả nước.

Về nguồn vốn để cho vay, đối với năm 2016, ngân sách Trung ương cấp 15 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thêm 15 tỷ đồng để cho vay. Trong thời gian chưa bố trí được nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, Ngân hàng Chính sách xã hội tự cân đối từ nguồn vốn huy động được giao trong chỉ tiêu kế hoạch nguồn vốn năm 2016 để cho vay theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn từ ngân sách Trung ương để hoàn trả ngân hàng Chính sách xã hội khi Chương trình được bố trí vốn; Ngân sách Trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định.

Đối với năm 2017, Ngân hàng Chính sách Xã hội có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu, xác định quy mô trình cấp có thẩm quyền; Ngân sách Trung ương cấp 50% trên tổng số kế hoạch nguồn vốn cho vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động. Ngân sách Trung ương cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định.

Trước đó, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương được vay vốn ưu đãi.

Đối tượng được vay vốn là cá nhân gồm: Người nhiễm HIV, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.

Đối với hộ gia đình vay vốn, là hộ gia đình có thành viên thuộc một trong các trường hợp: Người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.

Các cá nhân, hộ gia đình chỉ được vay vốn nhằm mục đích mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc gia cầm, công cụ lao động, hàng hóa, phương tiện phục vụ kinh doanh, buôn bán; đầu tư làm các nghề thủ công trong hộ gia đình như: Mua nguyên vật liệu sản xuất, công cụ lao động, máy móc, thiết bị; góp vốn thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh với cá nhân, tổ chức khác./.

Theo Chính phủ.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)