Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 (nhiệm vụ Quy hoạch).
Theo đó, phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 6050 km2 gồm 11 đơn vị hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện.
Đánh giá vai trò của tỉnh trong mối quan hệ vùng quốc gia
Nhiệm vụ Quy hoạch yêu cầu nghiên cứu đánh giá vai trò và vị thế của tỉnh Bình Định trong mối quan hệ vùng quốc gia, quốc tế; tác động kinh tế - thương mại - văn hóa trên tuyến hành lang quốc tế Đông Tây. Đánh giá tác động lan tỏa từ thành phố Quy Nhơn và phụ cận; khu kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp tập trung, hệ thống cảng biển Quy Nhơn, Thị Nại, các di sản văn hóa, các đầu mối giao thông quốc gia... đến không gian đô thị toàn tỉnh Bình Định.
Về điều kiện tự nhiên, môi trường, cần đánh giá đặc điểm tự nhiên của vùng núi, gò đồi, đồng bằng ven biển, đầm phá. Đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên tới các khu vực dự kiến xây dựng hệ thống đô thị và các khu chức năng động lực phát triển vùng tỉnh. Phân tích ảnh hưởng của chế độ thủy văn các sông lớn như sông Hà Thanh, sông Côn, sông Lại Giang, sông La Tinh... Đánh giá các tai biến thiên nhiên (nếu có), vấn đề biến đổi khí hậu liên quan đến chiến lược phát triển đô thị.
Ngoài ra, cần đánh giá thực trạng và nguồn lực phát triển vùng. Cụ thể, đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hiện trạng phân bổ hệ thống các đô thị, tính chất, chức năng, quy mô, tỷ lệ đô thị hóa, động lực phát triển, thực trạng quản lý đô thị. Mối liên kết đô thị - nông thôn. Hiện trạng mạng lưới hạ tầng kinh tế, xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng.
Xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn phải phù hợp với chiến lược biển
Về định hướng phát triển không gian vùng tỉnh, nhiệm vụ Quy hoạch nêu rõ, xây dựng hệ thống đô thị và nông thôn phải phù hợp với chiến lược biển Việt Nam, hành lang kinh tế Đông Tây, định hướng phát triển đô thị toàn quốc, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và sự hình thành khu kinh tế Nhơn Hội.
Bên cạnh đó, đề xuất khung phát triển vùng, phân bổ các vùng kinh tế động lực đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh về điều kiện tự nhiên và hệ thống khung hạ tầng kỹ thuật chính; đảm bảo mối liên kết đô thị - nông thôn. Hình thành các khu trọng điểm về công nghiệp, du lịch, vùng sinh thái nông nghiệp, vùng bảo vệ cảnh quan tự nhiên đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu.
Đề xuất tổ chức không gian hệ thống đô thị, phân cấp loại đô thị, lựa chọn hình thái, cấu trúc, tính chất, chức năng và quy mô các đô thị. Xác định vai trò và các nguyên tắc phát triển thành phố Quy Nhơn, đô thị động lực tiểu vùng ven biển, tiểu vùng trung du miền núi phía Tây; các đô thị chuyên ngành gắn với vùng công nghiệp, du lịch sinh thái, các hành lang đô thị hóa mật độ cao.
Xây dựng thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những đô thị trung tâm vùng kinh tế trọng điểm của vùng và quốc gia về các lĩnh vực: Đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu, dịch vụ thương mại và du lịch, phát triển nhà ở và dịch vụ đô thị..., xác định các chức năng hỗ trợ phát triển tại khu vực phụ cận thành phố Quy Nhơn.
Xác định mô hình cấu trúc cư trú nông thôn gắn với các vùng sản xuất theo hướng tập trung áp dụng công nghiệp cao. Nghiên cứu mô hình cư trú nông thôn vùng ngập lũ tại hạ lưu các sông Côn, sông Hà Thanh; khu vực xung quanh đầm Thị Nại... Tạo động lực phát triển một số khu dân cư nông thôn tập trung theo hướng hình thành đô thị loại V; kết nối với các đô thị đã có, hệ thống hạ tầng vùng tỉnh, các khu vực công nghiệp, du dịch, thương mại tập trung.
Về giao thông, xác định khung giao thông, các công trình đầu mối giao thông toàn vùng tỉnh, kết nối giữa các đô thị và các khu vực đầu tư trọng điểm trong tỉnh, kết nối vùng với đầu mối giao thông quốc gia. Đề xuất quy mô và tuyến các trục hành lang giao thông quốc tế, quốc gia, giao thông nội tỉnh để tăng hiệu quả khai thác các quỹ đất mới tại các vùng huyện, kết nối khu kinh tế, khu công nghiệp với các trung tâm đô thị của tỉnh...
Theo chinhphu.vn