Phát thải 33% CO2
Theo thống kê của Liên hợp quốc, Ngành Xây dựng trên thế giới tiêu thụ 17% lượng nước ngọt, 25% lượng gỗ khai thác, sử dụng 30-40% năng lượng trong tổng năng lượng sử dụng, sử dụng 40-50% nguyên vật liệu thô, chiếm 33% tổng lượng phát thải CO2 toàn thế giới. Để phát triển bền vững, cụ thể hơn để giảm phát thải CO2, ngành Xây dựng đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó lĩnh vực nhà ở là đối tượng quan trọng nhất để giảm khí thải nhà kính.
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vấn đề này đang đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức, cần giải quyết. Xây dựng đô thị đã và đang nảy sinh hàng loạt các vấn đề như: Hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông, cấp thoát nước và xử lý nước thải, rác thải bị quá tải do mật độ dân cư gia tăng; Môi trường đô thị có những diễn biến theo chiều hướng bất lợi, ảnh hưởng đến đời sống người dân…
TS Michael Waibel, Giảng viên cao cấp, Khoa Địa lý Kinh tế, Trường Đại học Hambug (Đức) cho biết: qua thực tế khảo sát mức tiêu thụ điên năng ở 4 loại nhà ở của Việt Nam, gồm nhà phố, nhà trong ngõ hẻm, biệt thự, chung cư cho thấy các loại nhà ở khác nhau có mức độ tiêu thụ điện năng khác nhau. Hơn 75% năng lượng tiêu thụ trong các toà nhà được dùng cho điều hoà không khí và đun nước nóng, còn lại sử dụng cho chiếu sáng và đun nấu. Và nếu chúng ta xây dựng các công trình xanh sẽ tiết kiệm được trên 30% năng lượng, tiết kiệm được 30 – 50% lượng nước sử dụng, giảm được trên 35% lượng các bon.
Hiệu quả từ công trình xanh
Để hướng tới phát triển bền vững, Chính phủ đã đưa ra những chính sách cụ thể như: “Chương trình Nghị sự 21 ở Việt Nam”, bước đầu đưa ra những định hướng khung để các Bộ, ngành và địa phương triển khai hành động. Ngành Xây dựng đã và đang triển khai các hoạt động nhằm cụ thể hóa và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như: triển khai thực hiện “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”, “Định hướng phát triển cấp nước đô thị Quốc gia đến năm 2020”, “Định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2020”, “Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020”…
Để giảm phát thải nhà kính, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, việc nghiên cứu, sử dụng VLXD thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên; các giải pháp quy hoạch - kiến trúc đô thị, áp dụng các thiết bị kỹ thuật công trình có hiệu suất cao nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính; các giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị … “Xây dựng xanh”, “Công trình xanh” , “Đô thị xanh” là những mục tiêu cụ thể ngành Xây dựng Việt Nam hướng đến trong những năm tới.
Theo các chuyên gia nước ngoài, xây dựng xanh, toà nhà xanh là những mục tiêu ưu tiên của ngành xây dựng nhiều nước trên thế giới, nhằm giảm tác động môi trường, tạo ra công trình lành mạnh, giảm nhu cầu năng lượng, nước và chi phí vận hành, cải thiện tiện nghi và sức khoẻ cho con người.
Như vậy, rõ ràng lợi ích mà các công trình xanh mang lại là rất lớn. Nhưng để công trình xanh ngày càng được xây dựng nhiều thì vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp xây dựng, ứng dụng những giải pháp về vật liệu và công nghệ xây dựng xanh, xây dựng các bộ tiêu chuẩn, sổ tay hướng dẫn thi công công trình xanh– tòa nhà xanh và đặc biệt Chính phủ cần đưa ra những chính sách về xây dựng xanh là những giải pháp cần thiết.
Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, hiện nay có 2,86 tỷ người đang sống trong các đô thị và dự báo đến năm 2030 sẽ là 4,98 tỷ người. Dân số trong các đô thị tiếp tục gia tăng nhanh chóng, trong đó khu vực châu Á tăng 9% vào 1920, 48% vào năm 2000 và 53% vào năm 2030. |
Theo : Báo Xây dựng điện tử