Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Thứ ba, 28/08/2018 16:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 6857/VPCP-QHĐP ngày 19/7/2018, Bộ Xây dựng đã có Văn bản 2169/BXD-QLN gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên. 

Cụ thể cử tri tỉnh Thái Nguyên có kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV về việc: “Đề nghị tăng cường giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng có ý kiến trả lời như sau: Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội đã ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước. Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở, trong đó có đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp (gọi tắt là công nhân).

Theo đó, chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở xã hội dành cho công nhân được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; được địa phương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án; trường hợp các tổ chức, doanh nghiệp tự lo chỗ ở cho người lao động, nếu đầu tư xây dựng nhà ở, tự mua nhà ở hoặc thuê nhà ở để bố trí cho công nhân lao động của đơn vị mình ở mà không thu tiền thuê nhà hoặc có thu tiền thuê nhà với giá thuê không vượt quá giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành thì chi phí mua hoặc thuê nhà ở được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp... Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có quy định đối với khu công nghiệp đã hình thành mà chưa có hoặc chưa đáp ứng đủ nhà ở và hạ tầng xã hội cho công nhân (nhà trẻ, trường học,...) thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh, bổ sung quỹ đất trong quy hoạch địa phương để phát triển nhà ở xã hội với đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đối với khu công nghiệp đang trong giai đoạn hình thành phải bố trí đủ quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở cho công nhân có đầy đủ hạ tầng...

Trong giai đoạn 2009-2016, với sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân đã đạt được những kết quả rất tích cực, nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội (đặc biệt là từ giữa năm 2013, khi Chính phủ bắt đầu triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội), góp phần giải quyết chỗ ở ổn định cho hàng triệu hộ gia đình chính sách xã hội. Theo báo cáo, trong giai đoạn này, trên cả nước đã hoàn thành 93 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 37.500 căn hộ. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên (một trong những địa phương có số lượng lớn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp) được đánh giá là địa phương tích cực trong việc triển khai phát triển nhà ở xã hội cho công nhân (hiện đã giải quyết được chỗ ở cho hơn 30.000 công nhân trên địa bàn tỉnh).

Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở xã hội dành cho công nhân) đang bị chững lại, nhiều dự án chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường hầu như không có. Theo báo cáo, trong giai đoạn này trên cả nước mới có 07 dự án nhà ở xã hội cho công nhân được hoàn thành, quy mô xây dựng khoảng 3.500 căn hộ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ách tắc trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội nói trên (nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội còn thiếu và triển khai quá chậm; chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội; chủ đầu tư chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp; cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, ...), trong đó, nguyên nhân chính là do sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã giải ngân hết vào cuối tháng 12/2016 thì đến nay nguồn vốn ngân sách bố trí để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra. Bộ Xây dựng cũng đã nhận được nhiều ý kiến của cử tri đề nghị khẩn trương bổ sung nguồn vốn ngân sách để triển khai hỗ trợ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2018, ngân sách nhà nước mới bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng gần 1.300 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2018-2020, chỉ bằng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội; còn các tổ chức tín dụng khác vẫn chưa được bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất để cho vay.

Để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân trong giai đoạn 2016-2020 theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, trong đó đề nghị bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2020 và cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội trong năm 2018.

Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ chính quyền địa phương, nhất là các địa phương có nhiều khu công nghiệp là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Chỉ thị đã yêu cầu các Bộ ngành và chính quyền địa phương phải tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho việc phát triển nhà ở cho công nhân, huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động... được thuê, thuê mua và mua, cải thiện chỗ ở.

Ngoài ra, để đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng thiết yếu cho công nhân tại các khu công nghiệp (nhà trẻ, trường học, công trình y tế, văn hóa, giáo dục,…), ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và giao cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chủ trì triển khai Đề án này. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang triển khai thực hiện Đề án này tại một số khu công nghiệp, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu tất cả khu công nghiệp, khu chế xuất đều có thiết chế của công đoàn bao gồm cả nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao.

Bộ Xây dựng cho rằng, khi có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và tổ chức thực hiện quyết liệt của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương trong việc triển khai thực hiện Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì việc phát triển nhà ở cho công nhân trong thời gian tới sẽ được đẩy mạnh, bảo đảm giải quyết chỗ ở với đầy đủ hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao đời sống của công nhân, trong đó có địa bàn tỉnh Thái Nguyên.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2169/BXD-QLN 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)