Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang và cử tri tỉnh Nghệ An gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

Thứ ba, 10/03/2015 16:11
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 06/3, Bộ Xây dựng đã có công văn 417/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang và cử tri tỉnh Nghệ Angửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII với nội dung “Đề nghị quan tâm chỉ đạo sâu sát việc đầu tư các thiết chế văn hóa các địa điểm vui chơi, giải trí cho người lao động, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo tại các khu công nghiệp; xây dựng nhà ở xã hội ở những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, đông lao động để giúp người lao động được mua, thuê nhà ở lâu dài để khắc phục tình hình điều kiện khó khăn trong sinh hoạt ở nhà trọ tư nhân như hiện nay”.

Nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở và các cơ sở phúc lợi xã hội cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách như: Nghị định của Chính phủ số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Đề án thí điểm đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp tập trung.

1. Về việc đầu tư các thiết chế văn hóa các địa điểm vui chơi, giải trí cho người lao động, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo tại các khu công nghiệp: Bộ Xây dựng đã xây dựng Đề án thí điểm đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp tập trung. Trong Đề án này, Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể về quy hoạch, đất đai, nguồn vốn đầu tư, cơ chế ưu đãi đầu tư, trong đó bao gồm cả cơ chế bố trí quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa, thư viện, trung tâm thể thao, trạm y tế…để phục vụ nhu cầu thiết yếu của công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thiết kế mẫu các loại hình trung tâm văn hóa, thể thao cấp tỉnh, huyện, xã, thôn....Việc xây dựng kế hoạch, tổng hợp dự toán, bố trí vốn vốn ngân sách để triển khai phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối vốn để các địa phương triển khai.

2. Về phát triển nhà ở xã hội ở những địa bàn có nhiều doanh nghiệp, đông lao động để giúp người lao động được mua, thuê nhà ở lâu dài để khắc phục tình hình điều kiện khó khăn trong sinh hoạt ở nhà trọ tư nhân là nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011. Với quan điểm chỉ đạo: “Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”, việc phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Nhà nước ban hành chính sách thúc đẩy thị trường nhà ở phát triển, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Chiến lược nhà ở quốc gia đã phân định rõ 8 nhóm đối tượng có khó khăn về nhà ở cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp. Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định số 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở xã hội là được hưởng nhiều ưu đãi như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật...

Bên cạnh đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013, Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 cho phép triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ để hỗ trợ cho các đối tượng có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở (trong đó có công nhân, người lao động) được vay để mua, thuê nhà ở thương mại; mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; với mức lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay thương mại tại cùng thời kỳ (hiện là 5%/năm), thời hạn cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân tối đa là 15 năm.

Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cũng đã được thể chế hóa và quy định cụ thể thành 01 Chương trong Luật Nhà ở mới (được Quốc hội khóa 13 thông qua ngày 25/11/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015). Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó có Nghị định hướng dẫn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Với các chính sách mới, việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 417/BXD-QLN.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)