Chỉ đạo quyết liệt, giải pháp đồng bộ phòng, chống COVID-19
Cuối năm 2019, những ca viêm phổi lạ tại Vũ Hán (Trung Quốc) được phát hiện và không lâu sau COVID-19 lan rộng ra toàn thế giới, đẩy cả nhân loại vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Đứng trước tình thế cấp bách đó, năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ phòng, chống dịch COVID-19, coi việc phòng, chống dịch như "chống giặc", huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế.
* Cụ thể, ngày 23/01/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Công điện 121/CĐ-TTg về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Công điện nêu rõ, đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút corona biến chủng gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Bộ Y tế tổ chức kiểm soát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, nếu phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tổ chức cách ly, quản lý kịp thời.
Tiếp theo, ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, trong đó, Thủ tướng chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch gây ra.
Ngày 30/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 170/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ngày 31/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Trong đó, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh, kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết hơn nữa và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm 4 tại chỗ, không để lan rộng.
* Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Ngày 2/2/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện số 156/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, trong đó nêu rõ: Hạn chế tập trung đông người; các tỉnh đã công bố dịch dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; quyết định cho học sinh nghỉ học. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan tổ chức thực hiện biện pháp cách ly y tế 14 ngày đối với công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc; trường hợp nghi ngờ phải thực hiện ngay xét nghiệm sàng lọc và điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh trên tinh thần 4 tại chỗ.
Tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/02/2020 về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới; thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát phòng, chống dịch trong các hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
* Ngày 11/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly và chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng.
Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để; tạm đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh dịch vụ từ 28/3 đến hết 15/4; xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự trường hợp không chấp hành biện pháp cách ly.
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
* Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Tên dịch bệnh: COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).
Chỉ thị 19/CT-TTg ban hành ngày 24/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới nêu rõ: Được nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.
* Trước tình hình lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời tại nhiều văn bản như Thông báo 253/TB-VPCP; Thông báo 257/TB-VPCP, trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND Thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ để phòng, chống dịch trên phạm vi toàn Thành phố trong ít nhất 14 ngày bắt đầu từ 0h ngày 28/7/2020. Đối với các khu vực, địa bàn có nguy cơ cao (như tại 3 bệnh viện, một số nơi các bệnh nhân đã đến), cần phải phong tỏa, cách ly và áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020. Đối với các khu vực, địa bàn còn lại, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020.
* Ngày 24/09/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện 1300/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động phục hồi, phát triển nền kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
* Trước diễn biến mới dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 2/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1699/CĐ-TTg trong đó yêu cầu tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định.
* Ngày 27/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1838/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó yêu cầu thần tốc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân 1440 tại Vĩnh Long, kiểm soát chặt người nhập cảnh, không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn đang nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nhưng có thể nói, các chiến lược và biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã được triển khai đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được người dân đồng lòng ủng hộ. Trên cơ sở lấy lợi ích và sự an toàn của người dân làm trung tâm, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi đà tăng trưởng kinh tế.
Nhiệm vụ cấp bách, chỉ đạo kịp thời góp phần hạn chế thiệt hại thiên tai
Ngoài dịch COVID-19, năm 2020 còn ghi nhận nhiều diễn biến thiên tai bất thường, cực đoan, xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước. Năm 2020 đã xảy ra 16 loại hình thiên tai; trong đó có 14 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố. Đỉnh điểm là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến 22/10 đã gây thiệt hại lớn tại khu vực Trung Bộ, nhất là tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển cũng xảy ra trên diện rộng tại đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình thiên tai bất thường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời công tác tìm kiếm, cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 481/CĐ-TTg ngày 25/4/2020 chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá; Công điện số 601/CĐ-TTg ngày 21/5/2020 tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên; các Công điện số 733/CĐ-TTg ngày 17/6/2020, Công điện 995/CĐ-TTg ngày 27/7/2020 và Công điện 999/CĐ-TTg ngày 28/7/2020 hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả động đất; Công điện số 955/CĐ-TTg ngày 21/7/2020 khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại Hà Giang; Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 11/9/2020 về chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long…
Đặc biệt, trong đợt mưa lũ lớn lịch sử tại miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các chỉ đạo kịp thời ứng phó, hạn chế thiệt hại như: Công điện 1372/CĐ-TTg ngày 8/10/2020 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đối phó với mưa lũ lớn tại các tỉnh miền Trung; Công điện 1384/CĐ-TTg ngày 9/10/2020 về việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên bị mất tích, mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt tỉnh Quảng Trị; Công điện 1393/CĐ-TTg ngày 12/10/2020 chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó với bão số 7, áp thấp nhiệt đới; Công điện 1394/CĐ-TTg ngày 13/10/2020 chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Trạm kiểm lâm số 7 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Công điện 1404/CĐ-TTg ngày 16/10/2020 về việc cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực Tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế; Công điện 1411/CĐ-TTg ngày 18/10/2020 tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 tỉnh Thừa Thiên Huế và tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; Công điện 1470/CĐ-TTg và Công điện 1490/CĐ-TTg ngày 26, 27/10/2020 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan triển khai ứng phó khẩn cấp với bão MOLAVE (bão số 9); Công điện 1500/CĐ-TTg và Công điện 1503/CĐ-TTg ngày 28, 29/10/2020 yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam…
Kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, phát triển sản xuất
Trước những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
* Cụ thể, ngày 04/03/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Ngày 30/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 437/QĐ-TTg về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do COVID-19.
Ngày 24/04/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngày 29/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Ngày 10/08/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Chính phủ cũng thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (2 đợt) cho khách hàng sử dụng điện.
* Thủ tướng Chính phủ cũng có các quyết định xuất cấp hàng chục nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh miền Trung để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ (Quyết định 1599/QĐ-TTg ngày 19/10/2020, Quyết định 1676/QĐ-TTg ngày 27/10/2020, Quyết định 1823/QĐ-TTg ngày 17/11/2020, Quyết định 1991/QĐ-TTg ngày 4/12/2020).
Cùng với xuất cấp gạo, Thủ tướng cũng quyết định hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, chính sách an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai (Quyết định 1640/QĐ-TTg ngày 23/10/2020, Quyết định 1815/QĐ-TTg ngày 15/11/2020, Quyết định 1913/QĐ-TTg ngày 24/11//2020, Quyết định 1930/QĐ-TTg ngày 26/11/2020).
Nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều quyết định xuất cấp hạt giống cây trồng, hóa chất khử khuẩn (Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 19/10/2020, Quyết định 2144/QĐ-TTg ngày 18/12/2020, Quyết định 1650/QĐ-TTg ngày 24/10/2020, Quyết định 1634/QĐ-TTg ngày 22/10/2020, Quyết định 1650/QĐ-TTg ngày 24/10/2020…).
Ngày 05/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10/2020 trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum.
Những chỉ đạo sâu sát, kịp thời, quyết liệt trên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được đông đảo nhân dân đồng lòng tin tưởng, ủng hộ. Tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu cho rằng, với sự điều hành chủ động, sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, chúng ta đã đạt được thành tích kép. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức kịp thời trước các tình thế cấp bách như COVID-19, lũ lụt, thiên tai...
Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn./.