Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định đó là quan điểm xuyên suốt trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.
Chủ động, quyết liệt kiểm soát tốt dịch COVID-19
Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động đánh giá đúng tình hình, coi phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; đề ra các giải pháp kịp thời, kiên quyết, sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp với phương châm “4 tại chỗ”.
Chính phủ chú trọng thực hiện chiến lược ngăn chặn dịch từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để, điều trị hiệu quả, tự chủ trong sản xuất vật tự, trang thiết bị y tế và phát triển vaccine COVID-19.
Đã huy động, phát huy sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, đặc biệt là sự cống hiến, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, tạo nên sức mạnh tổng hợp ngăn chặn thành công dịch COVID-19.
Nhất quán chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng
Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”, đồng thời tăng cường công tác giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề môi trường.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung; tăng cường quản lý chất thải rắn, ngăn chặn rác thải nhựa.
Chính phủ chuyển sang chủ động trong phòng ngừa, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; triển khai sớm các giải pháp cấp bách kiểm soát hạn hán, xâm nhập mặt, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long nên diện tích lúa bị thiệt hại năm 2020 chỉ bằng 9.6% so với năm 2016.
Tập trung chỉ đạo với phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó thiên tại, cứu hộ, cứu nạn tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên; rà soát, cập nhật các kịch bản phòng, chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất; kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai.
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Trước tác động của dịch COVID-19, với tinh thần nhất quán “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ vượt trội, chưa từng có tiền lệ về tài khóa, tín dụng, bảo hiểm xã hội, giảm giá điện, giá cước viễn thông…
Tăng cường bảo hộ công dân, tổ chức đón hơn 75,000 người Việt Nam về nước an toàn.
Giai đoạn 2016-2020, các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, giảm nghèo được quan tâm thực hiện đầy đủ, triển khai tích cực Đề án và chủ trương đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ luôn kiên định, nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là phối hợp hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ.
Theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng, cập nhật kịch bản tăng trưởng và phương án, giải pháp kịp thời, phù hợp, đặc biệt là kịch bản phục hồi kinh tế năm 2020 để tận dụng tốt thời cơ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công; đề xuất Quốc hội cho phép Chính phủ linh hoạt trong việc giao vốn, điều chuyển vốn đầu tư công.
Riêng năm 2020, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc, thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Khơi thông xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng; thúc đẩy phát triển bền vững thị trường nội địa; chỉ đạo cơ cấu lại thị trường, mặt hàng xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường; chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới thông qua các hiệp định thương mại tự do, qua đó duy trì mức xuất siêu tăng dần qua từng năm.
Khai thác, phát huy thế mạnh từng vùng, ngành
Trước tác động kép thiên tai và dịch bệnh, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các giải pháp ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu; hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trước gần 2 năm.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, tạo động lực phục hồi, phát triển kinh tế; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm thóa gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tập trung hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể; đẩy mạnh cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến để bàn các giải pháp cùng doanh nghiệp nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế, duy trì tinh thần hứng khởi kinh doanh trong toàn xã hội.
Chính phủ cũng đã khẩn trương rà soát, hoàn thiện việc lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đánh giá thực trạng các vùng kinh tế trọng điểm, đề ra giải pháp đổi mới cơ chế, chính sách điều phối liên kết vùng; chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.
Xây dựng pháp luật là khâu đột phá, ưu tiên
Năm năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định công tác xây dựng pháp luật là khâu đột phá; đã đổi mới tư duy xây dựng chính sách, pháp luật theo hướng kiến tạo, tạo hành lang, khuyến khích phát triển, một văn bản sửa nhiều văn bản, cắt giảm tối đa văn bản quy định chi tiết, ban hành văn bản mới bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ.
Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và đã ban hành theo thẩm quyền hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác rà soát mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Quốc hội; lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá toàn diện công tác xây dựng, thực thi pháp luật giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng; phát hiện xử lý nhiều vụ việc vi phạm, thu hồi số lượng lớn tiền và tài sản.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt và đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân; xử lý hiệu quả các tranh chấp đầu tư quốc tế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc
Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, cải thiện môi trường kinh doanh; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, giảm giấy tờ; đổi mới công tác điều hành dựa trên nền tảng số.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của các hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân và doanh nghiệp; đã ban hành 71 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Tập trung hoàn thiện khung pháp lý; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm bớt chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh thần tinh giản biên chế; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và Tổ công tác về kiểm tra công vụ, qua đó kỷ luật công vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao có chuyển biến tích cực.
Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội
Chính phủ chú trọng phát huy, lan tỏa mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh đoàn kết dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước và trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật công nghệ trong khám, chữa bệnh; nâng cao năng lực y tế cơ sở.
Tăng cường quốc phòng, an ninh; chủ động, sáng tạo trong đối ngoại
Chính phủ chủ động nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, nhất là Đại hội đảng bộ các cấp, các Hội nghị cấp cao ASEAN…
Việt Nam đã tham gia tích cực vào các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng, nổi bật là việc tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2017, Hội ghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018, đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, tổ chức thành công cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai và đặc biệt là vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Tích cực thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và triển khai hiệu quả 14 hiệp định thương mại, trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn như CPTPP, EVFTA, RCEP.
Bên cạnh những mặt trên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận kỷ cương, kỷ luật hành chính, đổi mới lề lối làm việc trong một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.
Việc tổ chức thực hiện pháp luật còn chậm; trách nhiệm của một số bộ, ngành trong phối hợp xử lý công việc chưa cao, còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động tìm hướng đi mới…