Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hệ thống cấp nước. Tác động của biến đổi khí hậu gây ra tình trạng khô hạn, lũ quét, trượt lở đất vùng cao, ngập lụt vùng trũng và xâm nhập mặn khu vực ven biển; nguồn nước ngầm bị suy giảm do thiếu nguồn nước bổ sung; tác động gây phá hủy các nhà máy nước, mạng đường ống cấp nước và các công trình hạ tầng có liên quan khác.
Tình trạng xâm nhập mặn đã và đang xảy ra tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, đặc biệt vào mùa khô, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền hàng chục km. Tình trạng khô hạn thiếu nước xảy ra ở vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ. Đầu năm 2016, hàng triệu người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên đã bị thiếu nước sinh hoạt. Trong thời gian tới, nguy cơ xâm nhập mặn và khô hạn xẽ sảy ra trầm trọng hơn. Tài nguyên nước lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long và nhiều sông khác phụ thuộc dòng chảy của từ các nước lân cận, việc khai thác nước ngầm quá mức cho phép làm ô nhiễm nguồn nước và sụt lún mặt đất.. do đó, vấn đề quản lý và bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước và dự trữ nguồn nước là hết sức cấp bách và cần được quan tâm thích đáng.
PGS.TS. Mai Thị Liên Hương cũng cho biết, Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 09/8/2016. Mục tiêu của Chương trình nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước đến khách hàng sử dụng, bảo đảm cung cấp nước liên tục, chất lượng nước đạt quy định góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe con người.
Các đại biểu dự Hội thảo
Trước diễn biến biến đổi khí hậu, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, Cục Hạ tầng kỹ thuật tổ chức Hội thảo "Triển khai thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu", nhằm nghiên cứu lồng ghép các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Tại Hội thảo này, các chuyên gia và các đơn vị cấp nước cũng như đại diện các Bộ, Ngành sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong việc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch CNAT hệ thống cấp nước tập trung.
Ông Tôn Tuấn Nghĩa - đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, kế hoạch cấp nước an toàn nhằm quản lý rủi ro trong quàn bộ quá trình sản xuất, cung ứng nước sạch đến người sử dụng, trong đó có các rủi ro do biến đổi khí hậu. WHO đã có nhiều hoạt động hỗ trợ và đồng hành với Việt Nam trong lĩnh vực cấp nước an toàn từ năm 2007, thông qua các hoạt động hỗ trợ đào tạo, tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Trước nhu cầu cần lồng ghép ứng phó với biến đổi khí hậu trong cấp nước an toàn, WHO đã biên soạn Sổ tay hướng dẫn và đã triển khai áp dụng tại Công ty cấp nước Khánh Hòa.
Theo ông Tôn Tuấn Nghĩa, Hội thảo này rất bổ ích và thú vị, với sự chia sẻ kinh nghiệm của các công ty cấp nước của các tỉnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu miền duyên hải, đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe tham luận của Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng về triển khai thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu; tham luận của TS. Tưởng Thị Hội về Hướng dẫn lồng ghép giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu vào Kế hoạch cấp nước an toàn; các bài tham luận và ý kiến phát biểu chia sẻ kinh nghiệp của các công ty cấp nước: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Tp. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh và ý kiến của đại diện các Bộ, ngành, Hội Cấp thoát nước Việt Nam./.
Minh Tuấn