Hội thảo "Thực trạng và định hướng kiến trúc đô thị và nông thôn miền Bắc"

Thứ sáu, 25/11/2016 15:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 24/11/2016, tại Hà Nội, Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) đã tổ chức Hội thảo "Thực trạng và định hướng kiến trúc đô thị và nông thôn miền Bắc" với sự tham dự của các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng và các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc. 

Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia Đặng Tiên Phong phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Tiên Phong - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho biết, miền Bắc là nơi xuất hiện đô thị sớm nhất ở Việt Nam, với sự tổng hòa những dấu ấn của các giai đoạn lịch sử từ thời phong kiến, thời Pháp thuộc, thời kỳ xây dựng CNXH, thời kỳ Đổi mới. Trong đó, thời kỳ phong kiến đã để lại dấu ấn đặc biệt trong các đô thị miền Bắc với những chuỗi di sản, di tích nằm xen kẽ trong các đô thị lớn nhỏ và dấu tích của những thành cổ, nhà cổ cũng như các công trình tôn giáo, tín ngưỡng. Trong khi đó, ở giai đoạn Đổi mới, các đô thị ở miền Bắc (và của cả nước) được quy hoạch bài bản và có định hướng của Chính phủ. Các đô thị được phân loại theo chiến lược phát triển đô thị quốc gia với các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trong cả hình thức kiến trúc, tính hiện đại, công nghệ xây dựng, quy hoạch kiến trúc đô thị miền Bắc vẫn tồn tại không ít bất cập: một số di sản đô thị, các khu phố cổ, phố Tây đang dần bị mai một, xuống cấp; quá trình đô thị hóa nhanh chóng có phần thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng phát triển tự phát các làng xóm ven đô; tại khu vực nhà ở của nhân dân tự xây dựng và một phần nhà ở khu vực nông thôn tại một số tuyến đường mới mở, khu vực dân cư các xã, vùng ven đô, khu giãn dân được quy hoạch thiếu sự hài hòa, thống nhất; nhà ở khu vực nông thôn đang chịu tác động mạnh mẽ của tiến trình phát triển và đô thị hóa dẫn đến cấu trúc làng bị thay đổi.

Theo ông Đặng Tiên Phong, chúng ta cần đổi mới phương pháp quy hoạch đô thị, đưa ra các giải pháp bảo tồn quỹ di sản đô thị cũng như những giải pháp chỉnh trang các tuyến phố hiện hữu nhằm giảm bớt sự manh mún của một giai đoạn phát triển thiếu sự kiểm soát; xây dựng định hướng kiến trúc cảnh quan các đô thị nhằm tạo bản sắc và đặc trưng riêng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội và văn hóa của từng địa phương. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch nông thôn mới cần được tiếp tục nghiên cứu nhằm đưa ra những quy trình bài bản, phù hợp với thực tiễn; bảo tồn văn hóa truyền thống cộng đồng trong các làng xã như: chợ làng, đình làng, cổng làng, giếng làng; nghiên cứu đẩy mạnh xu hướng kiến trúc xanh áp dụng đối với các công trình kiến trúc nông thôn, đặc biệt là nhà ở nông thôn; nghiên cứu mô hình cư trú nông thôn chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại, tập trung.

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nêu lên những vấn đề về bảo tồn di sản, di tích trong quá trình phát triển đô thị và nông thôn miền Bắc Việt Nam. Trong đó, một thực tế hiện nay là cấu trúc di sản đô thị miền Bắc đang bị tác động xấu do nạn phá tỉa, xây cấy các công trình xây dựng. Tình trạng này diễn ra đặc biệt nhiều ở các khu phố cổ, phố Tây ở Hà Nội. Trình bày tham luận Xu hướng thiết kế trường học ở đô thị và nông thôn miền Bắc giai đoạn hiện nay, TS.KTS Trần Thanh Bình nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thiết kế trường học xanh, bền vững và coi đây là xu hướng chủ đạo trong thiết kế trường học trong tương lai.

Bên cạnh việc tái hiện thực trạng kiến trúc của các đô thị hiện nay và những vấn đề trong bảo tồn di sản đô thị, các chuyên gia, đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã bàn luận sôi nổi về những định hướng kiến trúc đô thị và nông thôn miền Bắc nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu nhất trong việc duy trì, giữ gìn và phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống của dân tộc trong giai đoạn đất nước phát triển hội nhập hiện nay.


Trần Đình Hà
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)