Nghiệm thu đề tài “Xây dựng giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”

Thứ sáu, 16/09/2016 12:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 15/9/2016, Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiệm thu cấp Bộ các kết quả nghiên cứu của Đề tài “Xây dựng giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (SISP) chủ trì thực hiện. Th.S Vương Anh Dũng – Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. 

Toàn cảnh buổi họp nghiệm thu

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, bà Trần Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), Bộ Xây dựng giao cho Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” với các phần việc chính bao gồm: Thu thập số liệu, phân tích, xác định các yếu tố tác động của BĐKH đối với các đô thị (trong các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, quản lý đô thị) thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đề xuất các giải pháp thích ứng với BĐKH, nước biển dâng cho các đô thị thuộc vùng nghiên cứu; Kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long tính đến các yếu tố BĐKH và nước biển dâng theo kịch bản đã ban hành. Đề tài này được thực hiện từ cuối năm 2013 đến hết năm 2014 và được Bộ Xây dựng chấp thuận và kéo dài đến hết năm 2015 để cập nhật các số liệu và các quy định mới nhất.

Báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu, đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày khái quát những nội dung và kết quả chính của Đề tài.

Theo báo cáo, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thích ứng BĐKH và nước biển dâng đối với các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết. Theo dự báo của quốc tế và các nghiên cứu trong nước, kết hợp tình hình thực tế những năm gần đây đã cho thấy, vùng đồng bằng sông Cửu Long – một khu vực trọng điểm về kinh tế-xã hội của cả nước - là vùng trực tiếp bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH và nước biển dâng, cụ thể là tình trạng ngập lụt, xâm nhập mặn, xói lở và sụt lún diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến việc phân bố dân cư, hạ tầng kỹ thuật và phát triển sản xuất, cũng như đời sống sinh hoạt của người dân.

Thông qua các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra cái nhìn tổng quan về tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với khu vực, đi sâu nghiên cứu về quá trình đô thị hóa và các đặc điểm hình thái không gian của các đô thị, đề xuất các giải pháp ứng phó BĐKH và nước biển dâng đối với các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Trong quá trình nghiên cứu về tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích, đánh giá tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với các đô thị bao gồm: sự thay đổi nhiệt độ, thời tiết, tình trạng ngập lụt, sạt lở, trượt, lún đất, hạn hán, nhiễm mặn và các tác động do thiên tai và thảm họa trong lịch sử, từ đó phân loại đô thị theo mức độ ảnh hưởng của BĐKH; nghiên cứu xu hướng phát triển đô thị và dịch chuyển dân cư do BĐKH, đánh giá áp lực của sự dịch chuyển dân cư ảnh hướng tới cấu trúc không gian và phát triển đô thị, phân tích tác động của phát triển đô thị đến hạ tầng kỹ thuật và xã hội; nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý đô thị thích ứng BĐKH và nước biển dâng.

Trên cơ sở các nghiên cứu, phân tích số liệu, nhóm đề tài đã đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đô thị theo 5 vùng dựa trên mức độ ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó có các giải pháp về quy hoạch, kiến trúc, và quản lý đô thị thích ứng với BĐKH.

Nhận xét về Đề tài, chuyên gia phản biện của Hội đồng - GS. TS Vũ Thị Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam và TS. Trần Thị Lan Anh – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng đánh giá cao nỗ lực và công sức của nhóm đề tài trong việc hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đề cương được duyệt, với khối lượng công việc đồ sộ, phạm vi nghiên cứu rộng, số liệu phong phú, đặc biệt đã đánh giá chuẩn xác hiện trạng chịu ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng đối với các đô thị trong vùng. Tuy nhiên, để hoàn thiện báo cáo thuyết minh Đề tài, các chuyên gia phản biện cũng đóng góp nhiều ý kiến đề nghị chỉnh sửa bố cục báo cáo theo hướng rút gọn, loại bỏ các nội dung trùng lắp hoặc không cần thiết, không có trong đề cương nhiệm vụ; các phần tham khảo các công trình nghiên cứu khác đề nghị đưa vào phần phụ lục; cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới; rà soát và cập nhật các số liệu để bổ sung cho báo cáo; chỉnh sửa và bổ sung phần kết luận và kiến nghị…

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng nhìn chung đánh giá cao sự nghiêm túc của nhóm nghiên cứu trong việc thực hiện Đề tài này và nhất trí nghiệm thu, đồng thời cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể để nhóm tác giả hoàn thiện báo cáo đề tài.

Phát biểu kết luận, thay mặt Chủ tịch và các thành viên Hội đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng đồng tình với ý kiến của các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng, đánh giá mức độ hoàn thiện của Đề tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, bên cạnh việc đánh giá tổng quan về tình hình tác động của BĐKH và nước biển dâng đối với các đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhóm nghiên cứu đã đề xuất được các giải pháp quy hoạch không gian các đô thị và điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bà Trần Thu Hằng đề nghị nhóm tác giả tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, rà soát, chỉnh sửa và cấu trúc lại báo cáo thuyết minh đề tài một cách ngắn gọn, khoa học hơn.

Đề tài đã được Hội đồng bỏ phiếu cho điểm và nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá./.


Minh Tuấn
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)