Theo Báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình, căn cứ vào tình hình thực tế thì dự báo Quảng Bình có thể xảy ra 21 loại hình thiên tai theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai (chẳng hạn như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, lũ quét, hạn hán, nắng nóng, mưa lớn, gió mạnh trên biển, rét hại, sạt lở đất...). Ngoài ra, tại các vùng cát còn có loại hình thiên tai cát bay, cát cát nhảy. Chỉ tính riêng trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 6 loại thiên tai xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Cụ thể, năm 2015 Quảng Bình chịu ảnh hưởng của 15 đợt gió mùa Đông Bắc, không khí lạnh tăng cường và gây rét đậm, rét hại trên diện rộng. Bước vào đợt rét cuối tháng 1-2016, một số nơi trong tỉnh nhiệt độ đã xuống dưới 5 độ C. Năm 2015, nắng nóng cũng xuất hiện khá sớm và kết thúc muộn hơn trung bình nhiều năm (đợt nắng nóng dài nhất lên tới 37 ngày). Nhiều nơi, nắng nóng gay gắt xảy ra với tần suất khá cao, với nhiệt độ cao nhất ngày đạt 40 - 41 độ C. Từ đầu mùa khô năm 2016 đến nay, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thiếu hụt đã gây hạn hán, ảnh hưởng đến việc sản xuất và sinh hoạt của nhân dân một số nơi trên địa bàn tỉnh. Tại Quảng Bình cũng đã xảy ra các trận lốc xoáy và gió mạnh gây thiệt hại về người và tài sản, ước tính tổng thiệt hại do các loại thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2016 là 42 tỷ đồng.
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp của thiên tai trên địa bàn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, với phương châm "Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả", thời gian qua, Quảng Bình đã có nhiều nỗ lực để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây nên. Hiện nay, Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp ở tỉnh Quảng Bình đã được thành lập và đi vào hoạt động theo Luật Phòng chống thiên tai; đã xây dựng xong Quy chế trực Ban Phòng chống thiên tai; tổ chức được nhiều buổi phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT; đã ban hành khá nhiều chỉ thị để chỉ đạo công tác PCTT và TKCN, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn, xâm nhập mặn năm 2016; đang xúc tiến đẩy nhanh việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai để thực hiện thu, quản lý, sữ dụng hiệu quả nguồn quỹ cho công tác PCTT... Bên cạnh đó, 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã có kế hoạch kiểm tra công tác PCTT và chú trọng kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, phương án nói trên. Đẩy mạnh thực hiện phương châm " 4 tại chỗ" trong PCTT. Thường xuyên kiểm tra, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai như hồ đập, đê điều, khu neo đậu tàu thuyền. Triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn đảm bảo ổn định sản xuất và đời sống dân sinh. Tăng cường công tác diễn tập PCTT và TKCN. Chú trọng phối hợp với lực lượng chức năng trong việc quản lý tàu, thuyền khi có bão, ATNĐ...
Tại buổi làm việc, sau khi nghe đại diện lãnh đạo tỉnh và một số sở, ngành, đơn vị liên quan phát biểu, thảo luận với Đoàn kiểm tra Trung ương về công tác PCTT và TKCN, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã biểu dương những kết quả đạt được của tỉnh Quảng Bình trong công tác PCTT và TKCN thời gian qua.
Trưởng đoàn kiểm tra Trung ương về công tác PCTT và TKCN Lê Quang Hùng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ để công tác PCTT và TKCN đạt hiệu quả tích cực hơn: Tiếp tục kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh; tăng cường nhận diện, phòng ngừa, phòng chống, ứng cứu, tìm kiếm... tuỳ theo hình thái từng loại hình thiên tai diễn ra; căn cứ vào thực tiễn để xây dựng các "cảnh báo" về thiên tai cho các ngành, địa phương nhằm chủ động phòng ngừa từ xa; chủ động rà soát lại các công trình thuỷ lợi hiện có ở địa bàn để lập kế hoạch PCTT; tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nhà ở phòng tránh thiên tai hiệu quả..
Trung tâm Thông tin