Ngày 13/10/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng nghiệm thu Dự án Sự nghiệp kinh tế “Nghiên cứu các mô hình dự án đô thị lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu, thí điểm đề xuất mô hình phát triển đô thị tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với các thay đổi của hệ sinh thái tự nhiên và biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững”. Dự án do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thực hiện. Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Chủ tịch Hội đồng Trần Quốc Thái kết luận cuộc họp
Báo cáo kết quả thực hiện Dự án trước Hội đồng, thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS.KTS. Lê Thị Thúy Hà nêu lên lý do, sự cần thiết thực hiện Dự án, đồng thời cho biết, mục tiêu của Dự án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; khảo sát, đánh giá hiện trạng phát triển đô thị vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu; đề xuất mô hình không gian đô thị, dự án phát triển không gian đô thị phù hợp với sự thay đổi của hệ sinh thái tự nhiên và biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.
Theo nhóm nghiên cứu, biến đổi khí hậu vừa là mối đe dọa vừa là cơ hội đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu biết khai thác hiệu quả các tiềm năng về kinh tế và tổ chức định cư phù hợp với sự thay đổi của biến đổi khí hậu, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ không phải khống chế thụ động với tự nhiên và các yếu tố bên ngoài mà sẽ luôn đổi mới và tạo nên nhiều cơ hội phát triển. Đây là vùng đất thấp được phù sa của dòng Mekong bồi đắp nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, chịu tác động của nhiều hiện tượng ngập lũ, xâm nhập mặn, tăng nhiệt độ đã tạo ra các vùng đô thị có tính chất đặc trưng.
Căn cứ vào ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới từng vùng miền tùy theo đặc điểm địa lý vùng miền, nhóm phân loại mô hình không gian đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long thành các vùng: Vùng 1: mô hình đô thị sinh thái vùng nước mặn; Vùng 2: Mô hình đô thị sinh thái thích ứng với ngập lụt; Vùng 3: Mô hình đô thị sông nước; Vùng 4: Mô hình đô thị xanh; Vùng 5: Mô hình đô thị nén. Việc lựa chọn mô hình phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu dựa trên các nguyên tắc: tôn trọng tự nhiên và đặc điểm sinh thái, đặc biệt là hệ thống xanh nhằm điều tiết nước ngập và chống xâm nhập mặn; đảm bảo tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững; vừa chống lũ vừa chủ động chung sống cùng lũ, giảm xâm nhập mặn, quản lý nguồn nước hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại cuộc họp, bên cạnh việc đánh giá cao công sức cũng như những kết quả của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, các chuyên gia thành viên Hội đồng cũng đóng góp nhiều ý kiến: cần làm rõ khái niệm dự án đô thị và phạm vi nghiên cứu của Dự án ở quy mô toàn đô thị hay là các khu vực đô thị; bổ sung, làm rõ hơn thực trạng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với mô hình phát triển đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long; bổ sung nội dung đánh giá công tác quản lý phát triển đô thị trong vùng.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Trần Quốc Thái tổng hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng và bổ sung một số ý kiến, để nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn thiện Báo cáo tổng kết và các sản phẩm của Dự án để trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét theo quy định.
Hội đồng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu Dự án, với kết quả đạt loại Khá.