Ngày 12/10/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng nghiệm thu dự án sự nghiệp kinh tế “Nghiên cứu sổ tay hướng dẫn thiết kế nhà ở khu vực đồi núi dốc tại khu vực miền núi phía Bắc bảo đảm an toàn trước nguy cơ sạt lở”. Dự án do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kiến trúc quốc gia thực hiện. Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
ThS.KTS. Lê Minh Nguyệt trình bày kết quả dự án trước Hội đồng
Báo cáo kết quả thực hiện, thay mặt nhóm dự án, ThS.KTS. Lê Minh Nguyệt cho biết, biến đổi khí hậu là một trong những tác nhân gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động rất lớn đến sự phát triển hệ thống đô thị - nông thôn vùng núi phía Bắc. Tại khu vực này, lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở đất thường xuất hiện trên các lưu vực nhỏ, phân tán, trong các vùng sâu vùng xa. Các biện pháp công trình tránh lũ trong điều kiện rừng núi thường tốn kém và ít hiệu quả. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp như dự báo đánh giá rủi ro; quy hoạch lại các cụm dân cư kinh tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân… thì việc nghiên cứu hướng dẫn thiết kế xây dựng nhà ở cho người dân bảo đảm an toàn trước nguy cơ sạt lở đất là đặc biệt cần thiết. Giải pháp cho các công trình chịu tác động của lũ quét cần chú trọng khâu thiết kế công trình nhà ở và giao thông phù hợp với tính chất lũ quét có vận tốc dòng chảy lớn. Do đó, việc triển khai, thực hiện dự án rất cấp thiết.
Mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm: triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình 2 và Chương trình 4 tại Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ (lồng ghép yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu trong các văn bản quy phạm pháp luật hình thành mới về phát triển đô thị; hướng dẫn kỹ thuật xây dựng các công trình đô thị tại các khu vực được cảnh báo rủi ro); dự thảo văn bản quy định về đảm bảo an toàn trước nguy cơ sạt lở khu vực đồi núi dốc tại khu vực miền núi phía Bắc; đề xuất giải pháp tăng cường quản lý công trình đô thị và việc phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu; triển khai thực hiện Luật Phòng chống thiên tai; đảm bảo an toàn nhà ở khu vực đồi núi dốc tại khu vực miền núi phía bắc trước nguy cơ sạt lở.
Mục tiêu cụ thể của Dự án nhằm: rà soát, đánh giá công trình nhà ở và các vấn đề liên quan thuộc khu vực đô thị miền núi phía Bắc trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu; rà soát, phân tích, đánh giá các cơ sở khoa học về thiết kế nhà ở khu vực đồi núi dốc tại khu vực miền núi phía Bắc bảo đảm an toàn trước nguy cơ sạt lở; phân tích, đánh giá một số kinh nghiệm trong nước và quốc tế về thiết kế nhà ở khu vực đồi núi dốc tại khu vực miền núi phía Bắc bảo đảm an toàn trước nguy cơ sạt lở; dự thảo Sổ tay hướng dẫn về thiết kế nhà ở khu vực đồi núi dốc tại khu vực miền núi phía Bắc bảo đảm an toàn trước nguy cơ sạt lở.
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn, nhóm dự án đánh giá, hiện nay việc chống sạt lở chủ yếu mới được thực hiện cho những công trình có quy mô lớn được thiết kế, thẩm định phê duyệt bài bản (công trình công cộng, công trình giao thông...). Tuy nhiên, đối với các công trình nhỏ, công trình nhà ở do dân tự xây dựng hầu hết chưa tính toán kỹ đến nguy cơ sạt lở đất. Đặc biệt, tại khu vực miền núi phía Bắc, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật còn hạn chế do đó việc phòng, chống nguy cơ sạt lở gặp nhiều khó khăn. Từ đó, nhóm nghiên cứu, hệ thống hóa những giải pháp phòng chống sạt lở đất, đặc biệt là giải pháp lựa chọn đất xây dựng đảm bảo trước nguy cơ sạt lở đất cho khu vực miền núi phía Bắc, đưa ra những khuyến cáo cụ thể cho tư vấn thiết kế, cán bộ quản lý, người dân về dấu hiệu nhận biết, cảnh báo sớm nguy cơ sạt lở đất; giải pháp về quy hoạch, lựa chọn đất xây dựng; thiết kế móng công trình trên vùng đất dốc...
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nguy cơ sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc, nhóm dự án kiến nghị Bộ Xây dựng giao các cơ quan liên quan chuyên môn nghiên cứu, bổ sung các quy định về lồng ghép nội dung ứng phó với sạt lở, biến đổi khí hậu vào các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; quy định, hướng dẫn sử dụng các bản đồ phân vùng sạt lở khi lập quy hoạch đô thị; bổ sung quy chuẩn quy hoạch đối với khu vực miền núi và khu vực đồi núi dốc; trong đó quy định cụ thể các khu vực được phép bố trí công trình (phân theo loại công trình và độ dốc địa hình); bổ sung hướng dẫn lập quy định quản lý, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các đô thị miền núi đảm bảo yêu cầu về kiến trúc cảnh quan và ứng phó với nguy cơ sạt lở; nghiên cứu thiết kế mẫu kiến trúc cho các công trình công cộng và nhà ở nông thôn đảm bảo yêu cầu về thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai...Nhóm cũng đề xuất xây dựng kịch bản về lũ ống, lũ quét cho các địa phương miền núi; nghiên cứu mô hình tái định cư vùng chịu ảnh hưởng công trình thủy điện thuộc miền núi phía Bắc.
Tại cuộc họp, các chuyên gia thành viên Hội đồng thống nhất cao với sự cần thiết thực hiện dự án, ghi nhận nỗ lực, công sức của nhóm tác giả trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ của một dự án có phạm vi nghiên cứu rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như xây dựng, kiến trúc, nông nghiệp, văn hoá xã hội.
Chủ tịch Hội đồng Trần Quốc Thái kết luận cuộc họp
Hội đồng đánh giá, trong khuôn khổ thời hạn được giao, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ những yêu cầu, sản phẩm theo hợp đồng. Hồ sơ nghiệm thu Dự án tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành. Báo cáo Tổng kết có lượng thông tin phong phú, đa dạng, bám sát đề cương đã được phê duyệt, có tính thực tiễn và độ tin cậy cao. Thông qua Sổ tay, nhóm dự án đã đề xuất được nhiều giải pháp công trình và phi công trình để hướng dẫn thiết kế nhà ở khu vực đồi núi tại khu vực miền núi phía Bắc bảo đảm an toàn trước nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, Hội đồng góp ý các tác giả cần xác định rõ khu vực nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quyết, sạt lở cao, kiên quyết di dời người dân; bổ sung kinh nghiệm của người dân các địa phương trong việc lựa chọn đất ở và xây dựng nhà ở tránh lũ, sạt lở đất; bổ sung nội dung đánh giá hiện trạng công tác quy hoạch những khu vực thường xảy ra lũ quét làm cơ sở đưa ra đề xuất giải pháp.
Hội đồng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu dự án, với kết quả đạt loại Khá.