Đoàn công tác cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian tiếp đoàn và giới thiệu về Cty Kawasaki, tổ chức NEDO (Nhật Bản). Đoàn cũng báo cáo với Thứ trưởng về những ưu điểm và hiện trạng của công nghệ đốt toàn phần xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm nhiên liệu đầu vào cho nhà máy xi măng và phân định vai trò của các bên phía Nhật Bản tham gia dự án. Với dự án này ở Việt Nam, dự kiến tổ chức NEDO sẽ tài trợ 2,5 tỷ Yên.
Dự án này sẽ được thí điểm tại Nhà máy Xi măng Bút Sơn và chia làm 3 giai đoạn, trong đó, NEDO sẽ chịu chi phí phát sinh liên quan đến nghiên cứu, chuyển giao cung cấp thiết bị máy móc, còn phía Việt Nam sẽ chịu chi phí liên quan đến xây dựng lắp đặt nhà xưởng, tiếp cận công nghệ. Sau 3 năm lắp đặt và chạy thử, Nhật Bản sẽ tài trợ không hoàn lại cho Việt Nam tất cả công nghệ và dây chuyền này.
Đoàn công tác cũng chia sẻ với Thứ trưởng về tính khả thi của dự án khi triển khai tại Trung Quốc. Dự kiến, tiếp sau buổi làm việc này, NEDO sẽ tổ chức một cuộc hội thảo vào cuối tháng 6 tại Việt Nam để lấy ý kiến từ các nhà khoa học, nhà quản lý liên quan đến công nghệ này.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị bày tỏ sự tán thành về những ưu điểm của dự án trong xử lý rác thải đối với Việt Nam, tuy nhiên, dự án này cũng đang gặp khó khăn tại Việt Nam do cần có sự đồng thuận cao của các địa phương liên quan đến dự án. Bên cạnh đó, là những lo ngại bởi thách thức đối với môi trường, chi phí sàng lọc rác và so sánh chi phí nguyên liệu…
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Lê Quang Hùng khẳng định, chủ trương của Chính phủ Việt Nam luôn rộng mở để tiếp cận những công nghệ mới nhằm xử lý rác thải tối ưu. Tuy nhiên, đối với dự án này, tính khả thi hiện chưa cao do vấp phải nhiều khó khăn khách quan và chủ quan. Bởi vậy, Thứ trưởng yêu cầu các bên xúc tiến nhanh các thủ tục hành chính cần thiết, xin ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức hội thảo lấy ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà chuyên môn… Đồng thời, cũng cần tìm bổ sung các nhà máy xi măng khả thi nhất để ứng dụng công nghệ này tại Việt Nam; kiến nghị để tìm ra cơ chế vận hành công nghệ liên tục, hiệu quả sau khi dự án kết thúc…
Theo : Báo Xây dựng điện tử.