Thành phần Đoàn công tác bao gồm các đơn vị Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng và Vụ Đê điều - Tổng Cục phòng, chống thiên tai; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Làm việc với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN và PTDS) tỉnh Quảng Ninh, Đoàn công tác đã nghe đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh báo cáo về công tác PCTT và TKCN. Theo báo cáo, do đặc điểm địa hình là tỉnh ven biển, nhiều đồi núi nên Quảng Ninh chịu nhiều ảnh hưởng bởi hầu hết các loại hình thiên tai, trong đó nhiều nhất là bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn. Vì vậy, công tác phòng chống thiên tai luôn được Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc.
Tỉnh luôn bám sát các quy định pháp luật; kiện toàn phân công nhiệm vụ Ban chỉ huy PCTT-TKCN và văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; xây dựng chặt chẽ các kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch PCTT năm 2022. Đặc biệt, công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bố trí chỗ ở phục vụ di dời tái định cư…
Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 177 đội xung kích PCTT tại 177 đơn vị cấp xã và được diễn tập hàng năm về PCTT và TKCN. Công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành phát biểu tại cuộc họp.
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, hàng năm Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc UBND các địa phương chủ động rà soát, kịp thời phát hiện và khắc phục các vị trí có nguy cơ sạt lở trên địa bàn; nạo vét khơi thông dòng chảy các hệ thống thoát nước hiện trạng và nâng cấp nếu cần. Đối với các công trình xây dựng, đặc biệt là công trình dân dụng, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình dạng tháp, công trình đang thi công xây dựng… vẫn được Sở Xây dựng kiểm tra trong quá trình thi công để có phương án phòng chống, ứng phó thiên tai.
Tuy nhiên, với tình hình thiên tai ngày càng biến đổi và không theo quy luật mà lực lượng làm công tác PCTT và TKCN của tỉnh còn mỏng mang tính chất kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống đê điều tuy đã được nâng cấp nhưng đa phần chỉ chịu được gió bão cấp 9 kết hợp triều trung bình, nếu gặp bão trên cấp 10 là nguy cơ mất an toàn rất lớn. Quảng Ninh là địa phương có nhiều đô thị, dân cư tập trung đông. Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình vùng núi ven biển không có nhiều mặt bằng nên trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình dân sinh được xây dựng trên sườn và chân đồi - là nơi rất bất lợi về sạt trượt đất.
Vùng biển Quảng Ninh với 6000km2 là ngư trường lớn, là nơi có hoạt động du lịch phát triển mạnh. Do vậy, bất kỳ tình huống thiên tai xảy ra trên biển đều có thể gây thiệt hại lớn. Nhưng, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn của địa phương còn hạn chế, nhất là các phương tiện cứu hộ thuỷ hoạt động được khi sóng gió trên cấp 7.
Các Sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh trao đổi cùng Đoàn công tác.
Trên cơ sở báo cáo của tỉnh, các đơn vị thành viên trong Đoàn đã cùng trao đổi các vấn đề liên quan. Đoàn đặc biệt lưu ý tỉnh cần chú trọng công tác chủ động thường xuyên các lực lượng. Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã cần được chú trọng, củng cố để xử lý tình huống xảy ra; Công tác cảnh báo sạt lở đất, tránh trú bão trên biển…
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần tăng cường công tác hỗ trợ người dân tuyên truyền phát cây chặt cành, đảm bảo an toàn hành lang lối điện. Hướng dẫn người dân dùng điện tiết kiệm. Tăng cường công tác chỉ đạo cùng Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam khai thác chế biến đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện. Có tàu thuyền chuyên cứu hộ cứu nạn, đảm bảo vật chất 4 tại chỗ…
Đối với các vấn đề được Đoàn công tác lưu ý, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng, đại diện Sở Xây dựng Quảng Ninh cho biết: Liên quan đến vấn đề hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, thoát nước… thì tỉnh Quảng Ninh rất trú trọng. Các đô thị của Quảng Ninh đều lập hạ tầng kỹ thuật chung theo các đồ án Quy hoạch chung. Trong mỗi đồ án có quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm hồ sơ, trên cơ sở đó các địa phương tổ chức triển khai, thực hiện đầu tư theo lộ trình, kết hợp đầu tư công và đầu tư ngoài chính sách.
Quảng Ninh có tính toán cốt cao độ cho từng đô thị. Hiện hệ thống xử lý nước thải và thoát nước của Hạ Long thu gom và xử lý nước thải được 40%. Vấn đề cây xanh của đô thị Quảng Ninh gần như chỉ là cây trồng mới nên khi mưa bão có hiện tượng bật rễ, do vậy, cần tiếp tục chỉ đạo địa phương để rà soát về vấn đề này. Trong công tác quy hoạch trước biến đổi khí hậu, các đô thị Quảng Ninh đã triển khai phân vùng từng bước rất rõ.
Đô thị Quảng Ninh còn nhiều áp lực trong mùa mưa bão.
Ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS Tỉnh cho biết: Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định vai trò quan trọng của công tác PCTT và TKCN, luôn rà soát các nội dung trước mùa mưa bão. Đây là công tác thường xuyên, có ý nghĩa lớn để bảo vệ thành quả kinh tế xã hội và tài sản, tính mạng người dân. Theo thống kê, trong các hình thái thiên tai thì Quảng Ninh đều có đầy đủ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặt ra rất nhiều vấn đề quản lý: Từ khai thác than, khoáng sản, hàng không, du lịch, xây dựng, giao thông…
Quảng Ninh có 7 đô thị với nhiều công trình trọng điểm đang xây dựng. Do đó, tỉnh dành nhiều nguồn lực để đảm bảo an toàn mùa mưa bão như: nâng cấp hệ thống đê điều; hệ thống cảng neo đậu tàu thuyền; hệ thống hạ tầng cho địa phương. Đầu tư phòng thủ dân sự, nâng cao nhận thức cho người dân.
Giảm thiểu và phòng ngừa thiên tai có vai trò quan trọng vì đặc trưng của Quảng Ninh là lượng mưa lớn và gió lớn. Tỉnh đã có đề án di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt công tác cấp phép xây dựng đối với các dự án gần đồi, kè chắn có tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền các giải pháp rất đồng bộ, hiệp đồng giữa các lực lượng để có cơ chế phối hợp trong công tác PCTT. UBND tỉnh kiến nghị, Cô Tô cần xây dựng được trạm cứu hộ cấp vùng, bao gồm toàn bộ lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp. Cần ban hành luật Phòng thủ dân sự - đây là pháp lý quan trọng trong điều hành phòng chống bão lũ.
Đoàn kiểm tra thực địa công trình Hồ chứa nước Yên Lập.
Sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa công trình Hồ chứa nước Yên Lập tại phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên; Đê Hà Nam (Thị xã Quảng Yên) và một số vị trí có nguy cơ sạt lở đất trong tỉnh.
Hồ Yên Lập là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh với dung tích 127,5 triệu m3; đập chính dài 270m, chiều cao đập 37m. Hồ được xây dựng từ năm 1977 và đưa vào sử dụng từ năm 1982. Hồ có nhiệm vụ rất quan trọng trong việc cấp nước tưới cho 8.320ha đất canh tác nông nghiệp, cung cấp nước ngọt cho 1.500ha nuôi trồng thủy sản; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp với công suất 33,5 triệu m3/năm cho thị xã Quảng Yên, thị xã Uông Bí, thành phố Hạ Long. Công trình do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên lập quản lý.
Đê Hà Nam (thị xã Quảng Yên) dài gần 34km.
Đê Hà Nam (thị xã Quảng Yên) hiện là tuyến đê cấp III duy nhất của tỉnh dài gần 34km, có vai trò trọng yếu, bảo vệ toàn bộ 8 xã đảo Hà Nam với gần 60.000 người dân sinh sống, hơn 5.000ha đất nông nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ tuyến trong năm 2020.