Đồ án được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng để cụ thể hóa quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, cũng là cơ hội để phát huy tối đa việc triển khai cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 để phát triển TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Đồ án khẳng định vị thế Thủ Đức là thành phố sáng tạo, tương tác cao, là cực tăng trưởng mới của TPHCM - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Sáng 6/2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư vào TP. Thủ Đức.
Dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Thanh Nghị; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ…
Đồ án Quy hoạch chung TP. Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 202, ngày 21/1. Tại Hội nghị, TP. Thủ Đức cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án phát triển nhà ở trong năm 2025 với tổng vốn đăng ký hơn 33.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Đồ án được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng để cụ thể hóa quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, cũng là cơ hội để phát huy tối đa việc triển khai cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 để phát triển TPHCM. Đồ án cũng khẳng định vị thế Thủ Đức là thành phố sáng tạo, tương tác cao, là cực tăng trưởng mới của TPHCM, góp phần xây dựng TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức với 9 khu vực, 11 trọng điểm phát triển và các định hướng phát triển chính của từng khu vực, đây là cơ sở để TP. Thủ Đức có thể giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên các lĩnh vực trọng tâm theo từng phân vùng.
Để triển khai quy hoạch hiệu quả, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị TP. Thủ Đức tổ chức công bố rộng rãi đồ án đến từng địa phương, từng khu phố, hộ dân bằng nhiều hình thức, để người dân, doanh nghiệp hiểu và đồng thuận, chung tay thực hiện quy hoạch…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Cùng với đó, Thủ Đức cần phối hợp các sở, ngành xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Trong đó, tổ chức khảo sát thực tế 9 phân vùng phát triển, làm việc với địa phương từng vùng để xây dựng lộ trình phát triển từng giai đoạn.
Thủ Đức cũng cần tập trung kêu gọi đầu tư để hoàn thành khu Thủ Thiêm gắn với Trung tâmTtài chính quốc tế, hoàn thiện đầu tư Khu đô thị đại học, mở rộng Khu Công nghệ cao giai đoạn 2 trước năm 2030…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đề nghị TPHCM chỉ đạo TP. Thủ Đức phối hợp các bộ, ngành tập trung khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, rà soát lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị, rà soát các dự án đầu tư xây dựng, đảm bảo đồng bộ thống nhất trong quy hoạch và đầu tư phát triển.
Đồng thời, sớm ban hành chương trình phát triển đô thị, quy chế quản lý kiến trúc để quản lý, tạo dựng các công trình kiến trúc đặc trưng, tiêu biểu đặc sắc, nhằm nâng cao chất lượng đô thị và môi trường sống của người dân.
Theo Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng, theo quy hoạch chung TP. Thủ Đức đến năm 2040 được phê duyệt, TP. Thủ Đức là đô thị loại 1 thuộc TPHCM, là đầu mối giao thông của vùng Đông Nam bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa, đồng thời là trung tâm phía đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo.
Quy mô dân số đến năm 2030 có khoảng 1,8 triệu người, đến năm 2040 có khoảng 2,6 triệu người và sau năm 2040 khoảng 3 triệu người. Không gian TP. Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng tương ứng với 11 trọng điểm phát triển. Trong đó, các trọng điểm phát triển cũng là những trung tâm đổi mới, sáng tạo để hình thành nền kinh tế tri thức; phát triển theo xu hướng đô thị thông minh.
Quy hoạch chung TP. Thủ Đức sẽ tác động đến nhiều mặt của TP. Thủ Đức, trong đó có việc tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác cấp phép xây dựng và các nhu cầu chính đáng khác cho người dân và doanh nghiệp.
Hạ tầng giao thông sẽ mở ra nhiều không gian mới, như phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng, kết nối TP. Thủ Đức với phần còn lại của TPHCM và sân bay quốc tế Long Thành, đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại.
Không gian đô thị được quy hoạch lấy không gian cây xanh mặt nước làm trung tâm, tổ chức hệ thống sông, kênh, rạch gắn kết với hệ thống công viên cây xanh công cộng.
TP. Thủ Đức sẽ tăng diện tích đất cho công trình giáo dục cấp đô thị lên gần 5 lần, tăng diện tích đất cho các cơ sở y tế cấp đô thị lên hơn 10 lần, tăng diện tích đất cho các công trình văn hóa và thể dục thể thao cấp đô thị lên khoảng 3 lần hiện tại.
Lãnh đạo TPHCM và TP Thủ Đức chứng kiến đại diện lãnh đạo UBND 34 phường thuộc TP Thủ Đức ký cam kết thực hiện quy hoạch chung TP Thủ Đức