Theo khảo sát, khoáng sản làm VLXD ở nước ta phong phú và đa dạng, trong đó đá vôi có trữ lượng lớn, có khả năng sử dụng sản xuất xi măng và vôi với quy mô công nghiệp.
Tổng tài nguyên đá vôi đã được khảo sát 633 mỏ, bao gồm đá vôi cho sản xuất xi măng có 351 mỏ, khoảng 44,74 tỷ tấn; đá vôi làm cốt liệu xây dựng (cho bê tông, đường giao thông, cầu, cống…) có 227 mỏ, khoảng 7,69 tỷ m3; đá đôlômit có 55 mỏ, khoảng 2,67 tỷ tấn.
“Quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp vôi ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” xác định đối tượng nghiên cứu là vôi canxi cacbonat và vôi đôlômit (không bao gồm vôi thủy), với các mục tiêu cơ bản là đáp ứng đủ nhu cầu các ngành công nghiệp, nông nghiệp và xử lý môi trường ở trong nước và xuất khẩu.
Quy hoạch cũng định hướng lựa chọn công nghệ, thiết bị tiên tiến, mức độ cơ giới hóa, tự động hoá cao để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; đồng thời tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho người lao động…
Quy hoạch sẽ được triển khai trong phạm vi cả nước và được chia theo 6 vùng kinh tế, trong đó sẽ tập trung vào một số tỉnh có nhiều thế mạnh để sản xuất vôi, như Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Tây Ninh, Kiên Giang...
Theo quy hoạch, giai đoạn đến năm 2015, sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao nhiên liệu, đạt được công suất thiết kế 1,1 triệu tấn/năm; triển khai đầu tư xây dựng 10 cơ sở sản xuất vôi đã có dự án đầu tư, đạt tổng công suất 1,536 triệu tấn/năm.
Giai đoạn 2016 – 2020, tiếp tục đầu tư các cơ sở sản xuất vôi công nghiệp bằng lò đứng cơ giới hóa để thay thế các lò thủ công tại các vùng trọng điểm, đạt công suất 1,340 triệu tấn/năm; Đầu tư mở rộng nâng công suất một số cơ sở sản xuất đã có ở các giai đoạn trước, đạt tổng công suất 4,210 triệu tấn tấn/năm; Xóa bỏ toàn bộ các lò nung vôi thủ công gián đoạn tại tất cả các địa phương; Tiếp tục xóa bỏ các lò nung vôi thủ công liên hoàn tại các tỉnh để giảm số lò còn khoảng 50% so với hiện tại, tại các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Kiên Giang và TP Hải Phòng, đưa sản lượng vôi nung lò thủ công liên hoàn trong cả nước xuống 1 triệu tấn/năm (giảm 50% so với năm 2015).
Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất vôi để tăng năng lực sản xuất, đưa năng lực sản xuất vôi trên cả nước lên 9 triệu tấn vào năm 2025 và 9,5 triệu tấn vào năm 2030; đầu tư các cơ sở sản xuất vôi cơ giới hóa để thay thế toàn bộ các lò thủ công liên hoàn tại TP Hải Phòng và các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Kiên Giang.
Đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ các lò nung vôi kiểu lò thủ công liên hoàn trên cả nước. Tiếp tục xuất khẩu vôi để cân đối được nguồn cung trong nước và tăng nguồn thu ngoại tệ cho ngành...
Theo : Báo Xây dựng điện tử