Trường Đại học Kiến trúc TP HCM có bề dày truyền thống, một trong những cái nôi đào tạo Kiến trúc sư, Kỹ sư xây dựng của cả nước. Được thành lập từ những ngày đầu giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.Trải qua hơn 35 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành với nhiều khó khăn, đến nay trường đã có bước phát triển mạnh mẽ. Từ đào tạo Đại học chuyên ngành Kiến trúc và Xây dựng, trường đã đào tạo đa ngành về Kiến trúc, Quy hoạch, Đô thị, Mỹ thuật Công nghiệp, đồng thời nâng cấp đào tạo sau Đại học. Không chỉ đào tạo tại cơ sở TP HCM, những năm gần đây theo chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Xây Dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường còn mở thêm cơ sở tại Cần Thơ và Đà Lạt. Hiện nhà trường có 10 khoa chuyên ngành, đã đào tạo và cung cấp cho xã hội 13 Tiến sĩ, gần 700 Thạc sĩ và trên 27.000 Kiến trúc sư, Kỹ sư, Cử nhân mỹ thuật công nghiệp; tính riêng trong năm học 2011-2012, đã có 2 Tiến sĩ, 112 Thạc sĩ và 1.726 Kiến trúc sư, Kỹ sư, Cử nhân tốt nghiệp, cung cấp 1 đội ngũ nhân lực quan trọng, góp phần đáng kể vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Trường có 431 cán bộ viên chức, trong đó có 333 giảng viên cơ hữu với gần 70% số người có trình độ sau Đại học gồm 2 Phó giáo sư, 26 Tiến sĩ, và 200 Thạc sĩ và hơn 100 người đang được đào tạo sau Đại học ở trong nước và nước ngoài.
Phát biểu tại buổi lễ Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Đại học Kiến trúc TP HCM, phải khẳng định mục tiêu đến năm 2020 tập trung vào 3 đột phá, trong đó, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng Khoa học, Công nghệ.
Bộ trưởng lưu ý: Trường đại học kiến trúc TP.HCM phải tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển trường với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn 5 năm, mười năm; đề án phát triển đội ngũ giáo viên; đề án đầu tư cơ sở vật chất; phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm; sửa đổi, bổ xung, hoàn thiện các điều lệ, quy chế quản lý nội bộ cho phù hợp với tình hình mới. Tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu đổi mới nội dung chương trình, giáo trình đào tạo, từng bước tiệm cận với trình độ của khu vực và thế giới.Trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cần đặc biệt chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục để trình Bộ thành lập các Phân hiệu tại Cần Thơ và Đà Lạt.Tiếp tục tăng cường xây dựng đội ngũ các bộ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tế, tâm huyết với nghề, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu củ một trường Đại học trọng điểm của ngành xây dựng.Nỗ lực đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng các hạng mục công trình tại các cơ sở mới của trường, theo đúng lộ trình, bằng nhiều nguồn vốn, đồng thời tiếp tục chú trọng đầu tư trang thiết bị giảng dạy theo hướng tiếp cận với công nghệ mới. Nhà trường cần đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về nhận thức lý luận và chuyên môn, chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong. Đối với mỗi sinh viên, cần gắn kiến thức cơ bản với kỹ năng ứng dụng để sau khi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu tại trường có thể ứng dụng tốt nhất kiến thức đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn, góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Theo : Báo Xây dựng điện tử