Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Sơn nhấn mạnh: Sau gần 3 năm thực hiện Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và Nghị định số 48/2010/NĐ-CP, bước đầu các nội dung đổi mới của 2 nghị định này đã đi vào cuộc sống giúp cho các đối tượng liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng công trình có công cụ hữu hiệu làm đơn giản, minh bạch quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện 2 Nghị định trên vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi bổ sung để hoàn thiện khung pháp lý về nội dung quản lý chi phí và quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án xây dựng công trình.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đỗ Thái Lưu – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng cho biết, bên cạnh những ưu điểm, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng còn có một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn của cơ chế thị trường Việt Nam và thông lệ Quốc tế. Cụ thể, Nghị định chỉ áp dụng đối với các hợp đồng thuộc dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên; hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh là khó khăn cho quá trình thực hiện khi giá cả và chế độ chính sách thay đổi; việc điều chỉnh giá hợp đồng theo đơn giá cố định và theo thời gian còn chưa phù hợp; trong quá trình thực hiện các loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh thì việc kiểm tra, xác định, tính toán giá vật tư, nguyên, nhiên vật liệu xây dựng theo giá thị trường gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Toàn cảnh hội nghị tại khách sạn Cap Saint Jacques – Thành phố Vũng Tàu.
Hội nghị đã tập trung thảo luận trao đổi những nội dung liên quan đến quản lý chi phí theo Nghị định 112/2009/NĐ-CP bao gồm tổng mức đầu tư, định mức chi phí, đơn giá, suất vốn đầu tư…. Cùng các nội dung của Nghị định 48/2010NĐ-CP liên quan đến điều chỉnh giá hợp đồng, hiệu lực pháp lý của hợp đồng, tạm ứng, thanh quyết toán hợp đồng và xử lý tranh chấp hợp đồng….
Qua các báo cáo và tổng kết thực tiễn, kể từ khi Chính phủ ban hành hai Nghị định nói trên, có thể nói đó là bước đột phá trong quản lý chi phí, giao quyền tự chủ cho các chủ đầu tư, các thủ tục đơn giản hơn, hiệu quả hơn. Hai nghị định này thể hiện được chủ trương đổi mới cơ chế quản lý chi phí và hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng trong thực tiễn, các Nghị định này còn bộc lộ một số bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi. Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về những vấn đề mà các đại biểu dự hội nghị thảo luận./.
Theo : Báo Xây dựng điện tử