Tư duy quy hoạch của Quảng Ninh đúng hướng, bài bản

Chủ nhật, 17/11/2013 08:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là nhận định của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp giữa Đoàn công tác Bộ Xây dựng với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, chiều 15/11. Cùng tham gia Đoàn công tác Bộ Xây dựng còn có Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc Bộ. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, đứng đầu là Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch HĐND Nguyễn Đức Long đã tiếp đoàn.

Một trong ba trụ cột của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thông cho biết: Cùng với việc triển khai lập QH tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lập QH xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài năm 2050. Tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài là Cty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd - Nhật Bản (có trình độ và đẳng cấp quốc tế) làm đơn vị tư vấn lập Quy hoạch. Dự kiến, đồ án sẽ hoàn thành trước 31/12/2013.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng nhận định: Quảng Ninh là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, không chỉ về kinh tế mà cả chính trị, quốc phòng, an ninh; là 1 trong 3 trụ cột – cực tăng trưởng của vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ và rất giàu tiềm năng phát triển.

Bộ trưởng cũng ghi nhận thànhg tựu của Quảng Ninh trong công tác quản lý đầu tư xây dựng: Nhận thức rõ vai trò của QH trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, vừa là công cụ để quản lý, vừa là chiến lược lâu dài, kế hoạch hóa để huy động, khai thác nguồn lực và thu hút đầu tư…, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm đến công tác QH, từ QH kinh tế - xã hội đến QH vùng tỉnh, QH chung xây dựng các đô thị, QH các chuyên ngành… Không chạy theo hình thức, lãnh đạo tỉnh vào cuộc thực sự, tư duy đúng hướng, bài bản, có cách đi vững vàng, trật tự…

Ủng hộ tỉnh Quảng Ninh thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu lập QH vùng tỉnh, Bộ trưởng lưu ý: QH vùng tỉnh đang được nghiên cứu phải gắn kết QH chung các đô thị để có được một QH tổng thể, có sự kết nối, hỗ trợ của hệ thống đô thị…

Quảng Ninh đã và đang huy động nguồn lực đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách, DN (bao gồm cả DN nhà nước), ODA, FDI, người dân… và lựa chọn ra những dự án trọng điểm, có tính chất trụ cột để đầu tư phát triển, trong đó có các dự án hạ tầng quan trọng như các công trình giao thông, sân bay, cảng biển…

Bộ trưởng hoan nghênh việc Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc sử dụng ngân sách địa phương đầu tư đường cao tốc, đoạn tuyến tiếp nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Hạ Long: “Đây là hệ thống huyết mạnh, tạo động lực phát triển, do vậy cần tập trung đầu tư tuyến cao tốc này, tạo điều kiện cho Quảng Ninh phát triển, khai thác được các tiềm năng, thế mạnh, giảm thời gian đến Quảng Ninh…”Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý địa phương tiếp tục tiếp cận, khai thác các nguồn vốn khác cho dự án…

Bộ trưởng cũng ghi nhận những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc tập trung giảm thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng. Kể từ khi Nghị định 15/2013/NĐ-CP (đổi mới căn bản về tư duy quản lý đầu tư xây dựng) ra đời, trong cả nước đã thẩm định các dự án với tổng vốn đầu tư hơn 22 nghìn tỷ đồng và đã giảm được 2.000 tỷ đồng, tương đương 8%. Riêng tỉnh Quảng Ninh, trong 52 dự án công trình, tổng vốn 948 tỷ đồng, đã giảm được 161 tỷ đồng, giảm 14,5%. Điều này cho thấy chính sách đúng, giảm được thất thoát rất lớn…

Quyết liệt giải quyết nhà ở cho công nhân ngành than

Trong công tác phát triển đô thị (PTĐT), Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định: Quảng Ninh đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ đô thị hóa trên 58%, cao hơn trung bình cả nước, cao hơn cả Hà Nội, Hải Phòng. Quảng Ninh cũng đã quản lý tốt công tác phát triển VLXD, bảo đảm khai thác tài nguyên hiệu quả, không khai thác cạn kiệt tài nguyên, đồng thời bảo vệ môi trường. Công tác phát triển nhà ở đã được Quảng Ninh quan tâm, nhất là nhà ở xã hội…

Bộ trưởng nhấn mạnh: Nhà ở cho công nhân ngành than là một loại nhà ở xã hội. Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về nhà ở xã hội, mở rộng hơn các đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của nhà nước. Theo đó, tất cả các công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp nếu khó khăn về nhà ở vẫn sẽ được nhà nước hỗ trợ chứ không chỉ riêng công nhân trong các KCN như hiện nay. “Bộ Xây dựng coi phát triển nhà ở ngành than là nhiệm vụ của mình và luôn hỗ trợ với tỉnh cùng vào cuộc…” – Bộ trưởng cam kết.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Quảng Ninh tiếp tục tập trung, theo đến cùng cho công tác QH. Ủng hộ Quảng Ninh đầu tư xây dựng công trình cung Quy hoạch, Bộ sẽ cùng với Quảng Ninh để làm công trình này hiện đại, hấp dẫn, cuốn hút người xem, không chỉ giới thiệu về lịch sử và quá trình, hình ảnh phát triển của Quảng Ninh mà còn kết hợp đưa công trình vào khai thác du lịch.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị tỉnh Quảng Ninh tăng cường công tác QHXD và đổi mới tư duy, thay vì QH theo địa giới hành chính thì chú trọng QH vùng, liên vùng, để kết nối không gian, khai thác các tiềm năng…;Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư thiếu quy hoạch, không kế hoạch, dàn trải, theo phong trào, không cân đối nguồn lực. Quảng Ninh cần kế hoạch hóa đầu tư, ở tầm ngắn, trung và dài hạn; thực hiện Nghị định 15/2013/NĐ-CP, tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng…

Trong phát triển đô thị, Quảng Ninh cần triển khai theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP, đổi mới trong tư duy, PTĐT theo QH và kế hoạch. Bộ cũng đề nghị thành lập BQL khu vực PTĐT đối với một số đô thị như Hạ Long, Uông Bí…

Về quản lý VLXD, Bộ Xây dựng đề nghị địa phương tiếp tục quản lý hiệu quả, khai thác nguồn tài nguyên tốt, đồng thời bảo đảm môi trường…

Bộ trưởng và các thành viên đoàn công tác cũng đã trực tiếp trả lời một số kiến nghị của tỉnh. Theo đó, sắp tới, Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ sẽ ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn nghị định 11/2013/NĐ-CP. Bộ đang nghiên cứu lập QH chất thải rắn vùng kinh tế Bắc bộ, đề nghị nhận được sự hợp tác của tỉnh Quảng Ninh. Liên quan đến kiến nghị về thanh tra xây dựng, Bộ trưởng cho biết: Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ cụ thể hóa hơn vấn đề này…

Chuyển từ “nâu” sang “xanh” để phát triển bền vững

Tất cả 14 địa phương Quảng Ninh đã hoàn thành QH chung xây dựng đô thị. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo đã triển khai lập QH phân khu, QH chi tiết xây dựng các khu chức năng quan trọng, khu trung tâm tại các TP, thị xã, thị trấn... Tại các KĐTM đã ban hành nhiều điều lệ, quy định quản lý QH xây dựng làm cơ sở để quản lý QH và kiến trúc đô thị. Tỷ lệ phủ kín QH phân khu, QH chi tiết đạt trên 45%...

Bên cạnh đó, về cơ bản Quảng Ninh đã hoàn thành việc lập các QH hạ tầng kỹ thuật như QH quản lý chất thải rắn; QH phát triển VLXD; QH sử dụng cát, sỏi xây dựng; Điều chỉnh QH cấp nước các đô thị và KCN; QH thoát nước và xử lý nước thải các đô thị... Trong công tác QH xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2011, Quảng Ninh đã hoàn thành QH toàn bộ 125 xã thuộc tỉnh.

Cũng theo ông Đỗ Thông, toàn tỉnh có 15 đô thị, trong đó TP Hạ Long là đô thị loại I; 03 TP là đô thị loại III (Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả), 01 thị xã là đô thị loại IV (Quảng Yên); 01 thị trấn là đô thị loại IV (Mạo Khê); 09 thị trấn- huyện lỵ đã được công nhận là đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 58,53%, cao hơn bình quân cả nước gần 2 lần. Mới đây, TP Uông Bí đã hoàn thành hồ sơ công nhận là đô thị loại II, dự kiến sẽ được Chính phủ tiếp tục công nhận là đô thị loại II trong năm 2013.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã xây dựng Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời triển khai thực hiện thông qua kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2013- 2015. Đối với nhà ở công nhân ngành than, tỉnh Quảng Ninh đã hướng dẫn, tạo điều kiện chuyển đổi về đất đai cho khoảng 20 đơn vị thành viên trong Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam triển khai gần 76 khu nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh, với khoảng 261 nghìn m2 sàn, tương ứng với 4.600 căn hộ, đáp ứng được cho khoảng 16.440 công nhân (tương đương 11,3% tổng số CBCNV Tập đoàn). Tỉnh cũng đã có hướng dẫn, kêu gọi và tạo điều kiện cao nhất cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà ở công vụ, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị...

Tại cuộc họp, tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị Bộ Xây dựng một số nội dung. Cụ thể, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng sớm hoàn thành nghiên cứu QH liên vùng Móng Cái - Hải Hà - Vân Đồn; lập QH xây dựng vùng kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải phòng, Quảng Ninh (khu cảng Tiền Phong, thị xã Quảng Yên) - Hải Phòng (Đình vũ, Lạch huyện, huyện Cát Bà) và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP làm cơ sở để tỉnh Quảng Ninh triển khai lập chương trình PTĐT toàn tỉnh trong năm 2014.

Đối với nhà ở học sinh, sinh viên, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sớm bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013, 2014 cho tỉnh Quảng Ninh để triển khai các dự án...

Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ, đưa khu xử lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ra khỏi địa điểm QH tại xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ. Lý do, địa điểm này liền kề với Khu Đồng Má thuộc Dự án công trình chiến đấu khu căn cứ số 1 tỉnh Quảng Ninh và nằm trong khu vực được UBND tỉnh Quảng Ninh xếp hạng Khu di tích lịch sử thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ).

Sau cùng, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo, có giải pháp bảo vệ môi trường của các nhà máy xi măng, điện trên 3 địa phương là Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ và không triển khai các Dự án xi măng giai đoạn II của các nhà máy Xi măng Thăng Long, Xi măng Hạ Long; không tiếp tục triển khai dự án nhiệt điện Thăng Long ở Hoành Bồ.

Theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thông, QH xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu lập đã xác định chuyển từ “nâu” sang “xanh” phát triển bền vững; bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long di sản thiên nhiên thế giới. Do vậy, tỉnh Quảng Ninh đã định hướng đến năm 2030 di chuyển, có biện pháp giải quyết các vấn đề về môi trường đối với các nhà máy sản xuất xi măng, điện ra khỏi trung tâm đô thị, nhất là trung tâm động lực phát triển kinh tế xã hội và là đầu tầu phát triển như TP Hạ Long, Cẩm Phả và huyện Hoành Bồ.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)