Đón và làm việc với đoàn công tác Bộ Xây dựng gồm có: Bí thư Tỉnh uỷ Huỳnh Minh Chắc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Liêu Khoa và Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Ca, cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh.
Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2004 - 2012 và chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2013; việc quản lý Nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo đó, Hậu Giang có tổng thu ngân sách năm 2012 5.702 tỷ đồng, tăng bình quân 31%/năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ đến năm 2012 đạt 240 triệu USD, gấp 1,7 lần 2004.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004 - 2012 là 12,4% (riêng 2012 đạt 12,13%). Trong đó, khu vực I: Nông, lâm, thuỷ sản tăng 4,54%/năm; khu vực II: Công nghiệp- xây dựng tăng 16,39%/năm; khu vực III: Dịch vụ tăng 18,71%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 23,64 triệu đồng, gấp 3,95 lần so với 2004, đạt 1.342USD.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tương đối tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực I giảm từ 45,59% (năm 2004) xuống 30,1% (năm 2012), tương ứng 15,49%; khu vực II tăng từ 29,69% (năm 2004) lên 32,18% (năm 2012), tăng 2,49%; khu vực III tăng từ 24,72% lên 37,72%, tăng 13%.
Về văn hóa-xã hội, 100% các xã, phường, thị trấn có trường mẫu giáo; Chất lượng dân số được nâng dần, mức giảm sinh vượt kế hoạch đề ra; 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; Giải quyết việc làm đạt 190.492 lao động; tỷ lệ hộ nghèo còn 14,51% tổng hộ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo.
Về công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Trong công tác quy hoạch chung, đến nay Hậu Giang đã có 269 danh mục đồ án quy hoạch được duyệt (212 danh mục quy hoạch lập mới, kể cả quy hoạch nông thôn mới), tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (1/2000) trên diện tích đất quy hoạch chung đạt 10,45%, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết (1/500) đạt 27,43%.
Công tác rà soát các danh mục quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị cần điều chỉnh hoặc huỷ bỏ cũng đã được tỉnh và địa phương quan tâm và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện.
Công tác quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng cao Hậu Giang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của Hậu Giang trong năm 2013.
Công tác quy hoạch đô thị và các khu, cụm công nghiệp đến nay có 14/14 đô thị đều đã có quy hoạch chung đô thị được duyệt, 9/9 khu, cụm công nghiệp tập trung đều đã có quy hoạch chi tiết được duyệt. Công tác quy hoạch nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh đã phê duyệt xong quy hoạch xây dựng NTM.
Về công tác phát triển đô thị và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tại thời điểm chia tách, tỉnh có 6 đô thị, trong đó 1 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V. Qua 10 năm Hậu Giang đã có 14 đô thị được công nhận và xếp loại, trong đó có 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 11 đô thị loại V.
Theo dự kiến đến 2015 sẽ xây dựng thị xã Ngã Bảy đạt đô thị loại III; 4 thị trấn nâng cấp lên đô thị loại IV; đến 2020 sẽ xây dựng TP Vị Thanh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II, nâng tổng số đô thị là 19.
Về hạ tầng kỹ thuật, Hậu Giang đã phê duyệt công tác quy hoạch chất thải rắn đến 2015 định hướng đến 2025. Công tác quản lý và phát triển nhà ở (cụm tuyến dân cư vượt lũ), giai đoạn 1 đã xây dựng hoàn thành 653/653 căn; giai đoạn 2 đã hoàn thành san lấp mặt bằng 10/10 cụm, tuyến với tổng 3.707 nền thuộc chương trình, đạt 22,5%.
Chương trình hỗ trợ hộ nghèo đã hỗ trợ được 7.108 hộ về nhà ở với tổng vốn 213 tỷ đồng; Hỗ trợ người có công là 5.451 hộ; Nhà ở sinh viên đã phê duyệt được 3 dự án kinh phí khoàng 1.263 tỷ đồng; Nhà ở thu nhập thấp đã thực hiện 1 dự án; Hiện trên địa bàn có 102 dự án về khu dân cư - tái định cư và khu dân cư thương mại, được quy hoạch với quy mô trên 1.334ha
Về quản lý đầu tư xây dựng, đã có 172 công trình được lực lượng chức năng của ngành Xây dựng thanh, kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ; Công tác cấp phép xây dựng trên địa bàn đến nay là 4.855 giấy phép xây dựng, với diện tích 904.404m2, diện tích sàn trên 1.314.000m2.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Xây dựng một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của địa phương trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Lãnh đạo các cục, vụ, viện trong đoàn công tác của Bộ Xây dựng cũng đã kịp thời phúc đáp và trình bày các giải pháp nhằm đưa công tác quản lý ngành Xây dựng Hậu Giang lên một tầm cao mới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, tỉnh Hậu Giang là địa phương mới tái lập, nhưng đã huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội để tạo ra diện mạo đô thị như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, Hậu Giang còn có nhiều lợi thế về nông nghiệp, chế biến.
Bộ trưởng cũng biểu dương địa phương đã làm tốt công tác quy hoạch ngành, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế trên toàn vùng ĐBSCL. Công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đang được thực hiện quyết liệt, công tác phát triển đô thị được chú trọng, công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tỉnh quan tâm, hiệu quả đầu tư rất cao; Hậu Giang đã làm tốt công tác phát triển nhà ở (xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cho người có công với Cách mạng và nhà ở sinh viên, nhà ở thu nhập thấp, tái định cư…), đặc biệt là tuyến dân cư vượt lũ, chương trình xử lý chất thải rắn, cấp thoát nước.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Hậu Giang cần điều tra, nghiên cứu và xây dựng đề án nhà ở xã hội, thu nhập thấp và nhà ở dành cho sinh viên. Công tác quy hoạch cần phải có tầm nhìn dài hạn, quy hoạch theo vùng, theo quy hoạch, kế hoạch chứ không nên theo địa giới hành chính.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, hiện nay Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm đến chiến lược nhà ở. Chính phủ cũng chỉ đạo tập trung đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng thể hiện qua Nghị định 15 mới ban hành.
Do vậy, người làm công tác quản lý ngành Xây dựng đảm nhận trọng trách và trách nhiệm lớn nên các địa phương cần tăng cường nâng cao năng lực, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ ngành Xây dựng để đáp ứng trong tình hình mới.
Với các kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng nhất trí với các đề xuất và lưu ý các lãnh đạo cục, vụ, viện thường xuyên phối hợp với địa phương để cùng tháo gỡ.
Cùng ngày, Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với cán bộ, công nhân viên ngành Xây dựng Hậu Giang.
Theo : Báo Xây dựng điện tử