Trung tâm thông tin Bộ Xây dựng cho biết, tính đến hết năm 2009, Việt Nam có 97 dây chuyền xi măng đã được đầu tư và khai thác với công suất thiết kế là 57,4 triệu tấn.
Dự kiến năm 2010 sẽ có thêm 13 dây chuyền xi măng mới được đưa vào khai thác với công suất thiết kế là 11,7 triệu tấn, cao hơn nhu cầu trong nước khoảng 2 triệu tấn.
Những năm tiếp theo, các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng đã đăng ký tiếp tục được triển khai sẽ có khả năng sản xuất nhiều hơn cần thiết. Cụ thể là năm 2011 thêm 12 dây chuyền với công suất 9,35 triệu tấn.
Năm 2012 có thêm 7 dây chuyền với công suất 6,72 triệu tấn và năm 2015 có thêm 7 dây chuyền nữa được hoàn thành. Năm 2020 sản lượng xi măng sản xuất trong nước sẽ đạt khoảng 102 triệu tấn, cao hơn nhu cầu 7 triệu tấn.
Như vậy, sau nhiều năm thiếu hụt, đến nay sản lượng xi măng trong nước đã cân đối được cung cầu và trong thời gian tới sẽ dư thừa với khối lượng lớn. Tuy nhiên việc xuất khẩu xi măng gặp nhiều sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, cả về công nghệ lẫn giá thành. Vì thế, Bộ Xây dựng cho rằng để ổn định cung cầu và phát triển bền vững, quy hoạch lại ngành công nghiệp này là một điều cần phải thực hiện.
Từ nay đến năm 2020, không đăng ký đầu tư thêm dự án xi măng
Cũng trước tình hình cung xi măng có khả năng vượt cầu, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, ngày 5/1 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương không đăng ký đầu tư thêm các dự án xi măng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Mục tiêu là để phát huy hết công suất thiết kế các dự án xi măng đang hoạt động và các dự án xi măng đang đầu tư xây dựng, đảm bảo cho ngành công nghiệp xi măng phát triển bền vững ổn định, nâng cao tính hiệu quả.
Quy hoạch phát triển ngành xi măng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đưa ra mục tiêu đáp ứng về số lượng, chất lượng, chủng loại xi măng cho nhu cầu trong nước, dành một phần xuất khẩu và nhanh chóng đưa ngành xi măng Việt Nam thành một ngành công nghiệp mạnh.