Dự án được thực hiện trong khoảng thời gian dự kiến từ tháng 12/2009 đến hết tháng 12/2011 nhằm cải cách công cụ quan trọng nhất trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của các dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam (bao gồm cả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA), đó là hợp đồng trong hoạt động xây dựng, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và thực hiện hợp đồng trong hoạt động xây dựng theo cơ chế thị trường phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trước mắt là xây dựng cơ sở pháp lý và các công cụ phục vụ cho việc quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng, đào tạo cán bộ là các giảng viên về lĩnh vực này.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong những năm qua, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, nền kinh tế nước ta đã có những bước tăng trưởng khá nhanh và bền vững. Mức tăng trưởng kinh tế đó có sự đóng góp của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ yếu là đầu tư. Việc hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút vốn đầu tư để phát triển kinh tế và quá trình đô thị hoá mạnh mẽ của Việt Nam trong những năm gần đây đã đặt ngành xây dựng trước nhiều thách thức lớn về quản lý xây dựng trong điều kiện kinh tế thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn, Với đặc điểm và đặc thù của ngành xây dựng, cùng với việc quản lý dự án và quản lý hợp đồng ở Việt Nam còn nhiều bất cập và vì chưa có những quy định có tình pháp lý cao, đồng bộ, lại chưa được đào tạo toàn diện nên các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng thiếu những kiến thức cơ bản về tầm quan trọng của việc quản lý, thực hiện hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Để bảo vệ lợi ích hợp pháp, nâng cao trách nhiệm của các bên khi tham gia tạo lập, mua bán sản phẩm xây dựng, nâng cao trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào hoạt động xây dựng, tạo hành lang pháp lý cho ngành xây dựng phát triển thì Nhà nước cần thiết phải xây dựng khuôn khổ pháp lý đồng bộ buộc các bên tham gia ký kết thoả thuận liên quan đến việc mua, bán, tạo lập sản phẩm xây dựng đều phải nghiêm chỉnh tuân thủ.
Theo TS. Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng: Thời gian qua, khi triển khai các dự án, chúng ta đã gặp phải những bất cập về quản lý hợp đồng xây dựng như: Chưa quy định đầy đủ nội dung của từng loại HĐXD; chưa quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia ký kết HĐXD; chưa quy định rõ mối quan hệ của các bên tham gia HĐXD; chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các bên khi vi hạm HĐXD; chưa quy định cụ thể, rõ ràng về điều chỉnh hợp đồng xây dựng; chưa quy định cụ thể việc xử lý khi có tranh chấp về HĐXD; một số khái niệm liên quan đến HĐXD còn chưa được thống nhất; một số khái niệm chưa phản ánh được tính đơn chiếc, cá biệt của sản phẩm xây dựng khác với sản phẩm của các ngành sản xuất vật chất khác và nhiều quy định về HĐXD còn chưa phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế...
Cũng theo TS. Khánh, có 5 lý do cần thiết để ra đời Dự án “Tăng cường năng lực quản lý hợp đồng xây dựng”: Thứ nhất là để hỗ trợ hoàn thiện công cụ pháp lý cao nhất về hợp đồng xây dựng nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp, nâng cao trách nhiệm của các bên khi tham gia tạo lập, mua bán sản phẩm xây dựng. Thứ hai, nhằm nâng cao năng lực quản lý và thực hiện của tất cả các bên liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Thứ ba là tạo hành lang pháp lý cho ngành xây dựng Việt Nam phát triển minh bạch, lành mạnh. Thứ tư là các nội dung liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng cần thiết phải phù hợp với thị trường xây dựng Việt Nam và thông lệ quốc tế. Và thứ năm là để đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng công trình, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA.
Được biết, đến nay dự án đã triển khai được một số công việc như: phê duyệt văn kiện dự án, thành lập Ban quản lý Dự án hỗ trợ kỹ thuật Tăng cường năng lực Quản lý hợp đồng xây dựng, phê duyệt tổng dự toán vốn đối ứng, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Dự án hỗ trợ kỹ thuật và mở tài khoản đặc biệt tại ngân hàng. Ông Alain Barbu – Giám đốc các chương trình, dự án của Ngân hàng Thế giới cho biết: Ngân hàng Thế giới sẽ hết sức hỗ trợ để Việt Nam tiếp cận nguồn vốn của dự án. Hiện nay Việt Nam đã có tài trợ rồi, vậy làm thế nào để hiện thực hoá nó trong thời gian 3 năm (2009 – 2011). Ngân hàng Thế giới rất quan tâm đến việc cải thiện khung pháp lý và đưa nó vào cuộc sống. Công tác tăng cường năng lực không chỉ dành cho cán bộ Chính phủ mà cho tất cả cán bộ của các bên liên quan để mọi người có cùng một trình độ tránh hiểu nhầm và lúng túng. Mặt khác, chúng ta cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu, có những đánh giá và thống kê… để các bên liên quan có thể thực hiện một cách linh hoạt trong các dự án.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận để làm rõ thêm về các vấn đề như: tăng cường năng lực trong quản lý HĐXD; tăng cường năng lực của các đối tượng tham gia như chủ đầu tư , nhà thầu; việc thực hiện hợp đồng; sự bình đẳng trong quan hệ giữa chủ đầu tư và nhà thầu; vấn đề giải quyết tranh chấp…
Theo Báo Xây dựng điện tử