Tại Hội nghị, Tổng giám đốc Vicem Nguyễn Ngọc Anh đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013, đồng thời phân tích, chỉ ra những việc đã thực hiện được, những hạn chế cần khắc phục cũng như nhiệm vụ, kế hoạch và giải pháp triển khai 6 tháng cuối năm 2013. Bức tranh sản xuất và tiêu thụ xi măng năm 2013 đã sáng sủa, lạc quan hơn năm 2012 bởi tiêu dùng xi măng cả nước 6 tháng đầu năm 2013 đạt 22,4 triệu tấn, tăng nhẹ 0,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ của Vicem 6 tháng đầu năm 2013 đạt kết quả khả quan: Sản lượng sản xuất clineker tăng 14,6%, sản lượng sản xuất xi măng tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2012, cụ thể sản xuất clinker đạt 8.201.000 tấn, đạt 114,6% so với cùng kỳ năm 2012, sản xuất xi măng đạt 8.329.000 tấn đạt 111,8% so với cùng kỳ năm 2012; tiêu thụ 11.694.000 tấn sản phẩm, đạt 51,9% kế hoạch năm 2013, đạt 117,3% so với cùng kỳ năm 2012. Doanh thu của toàn Vicem là 14.894 tỷ đồng, đạt 104,8% so với năm 2012. Một số đơn vị đạt doanh thu cao là Hoàng Thạch, Hải Vân, Hà Tiên, Bỉm Sơn… Nếu đánh giá tỷ số lợi nhuận/doanh thu thì Hoàng Thạch cao nhất, tiếp đến là Bỉm Sơn.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem Lương Quang Khải nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm Vicem cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Công tác đầu tư xây dựng của Vicem 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 146,9 tỷ đồng. Hoàn thành kiểm toán dự án Hoàng Thạch 3, đang hoàn thiện quyết toán các dự án dây chuyền 2 xi măng Bút Sơn, dây chuyền mới xi măng Bỉm Sơn, Bình Phước, Hà Tiên 2.2, các trạm nghiền. Riêng Dự án xây dựng trụ sở mới của Vicem đã đấu thầu được 14/26 gói, đang xét thầu gói thầu hạng mục kính và đá trang trí mặt ngoài, thi công xử lý cọc và tường vây, chống thấm, đang đổ bê tông hầm tầng 4. Khu đô thị xi măng Hải Phòng đã xử lý di dời xong bãi rác Thương Lý, lập xong dự án đang rà soát trình Hội đồng quản trị phê duyệt… Công tác tài chính, tổ chức lao động, đổi mới doanh nghiệp và đào tạo, công tác an sinh xã hội đang được Vicem đẩy mạnh và quyết liệt triển khai.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng biểu dương sự nỗ lực cố gắng của ban lãnh đạo Vicem, các công ty thành viên và tập thể người lao động trong toàn Vicem. Bộ trưởng nhấn mạnh: Tôi đánh giá cao sự cố gắng của Tổng công ty trong rà soát, đổi mới quản lý, tập trung thực hiện các mục tiêu ngắn và dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh và tăng sức cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng, nhìn lại chặng đường gần 100 năm từ 1 nhà máy với công nghệ lạc hậu đến nay ngành Xi măng Việt Nam, trong đó có Vicem đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng phát triển kinh tế của đất nước, góp phần khẳng định vị thế các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Mặc dù bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ VLXD do tổng đầu tư toàn xã hội giảm (trong đó đầu tư công giảm, đầu tư các nguồn vốn ngoài nhà nước giảm…), tiêu dùng giảm nhưng ngành xi măng vẫn phát triển với tổng sản lượng xi măng 6 tháng đầu năm 2013 tăng 16%, cả nước sản xuất gần 28 triệu tấn xi măng, riêng Vicem sấp sỉ 10 triệu tấn. Sản phẩm xi măng chi phí chủ yếu là chi phí nội địa (điện, than, nguyên liệu đầu vào, nhân lực… đều trong nước) nên giá trị gia tăng của ngành xi măng là rất lớn. Chúng ta xuất khẩu xi măng, góp phần giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô, cân bằng cán cân thanh toán của nền kinh tế.
Nửa chặng đường năm 2013 đã đi qua với những kết quả khả quan đã tiếp thêm sức mạnh để Vicem và các đơn vị thành viên tiếp tục phấn đấu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2013 với mục tiêu sản xuất 8,713 triệu tấn clinker, sản xuất và tiêu thụ 10,231 triệu tấn xi măng, phấn đấu đạt 16.091 tỷ đồng doanh thu và 606 tỷ đồng lợi nhuận. Đồng thời đẩy mạnh công tác thị trường, tài chính…
Để tập trung hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ đề ra 6 tháng cuối năm 2013, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Vicem cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, sắp xếp lại hệ thống doanh nghiệp, quản trị nhân lực, mục tiêu… từ đó quyết định công nghệ, đầu tư, tăng cường quản lý đi đôi với giảm chi phí đầu vào, chống lãng phí, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, củng cố, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường trọng điểm… đồng thời tổ chức tốt các phong trào thi đua, lấy hoạt động công đoàn và đoàn thanh niên làm nòng cốt, quan tâm đến lợi ích người lao động, đẩy mạnh hoạt động từ thiện, nhân đạo…để Vicem tiếp tục đóng góp khẳng định vị thế ngành Xây dựng và góp phần quan trọng trong phát triển đất nước.
Theo : Báo Xây dựng điện tử