Đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công

Thứ sáu, 09/08/2019 12:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với một số dịch vụ công: Giáo dục công, y tế công, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố năm 2019.

Người dân đến làm TTHC tại bộ phận một cửa

Đối tượng khảo sát là người dân đã trực tiếp trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ: Giáo dục công, y tế công, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường.

Phạm vi khảo sát được tiến hành trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Địa điểm khảo sát dịch vụ giáo dục công: Tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc 12 quận, huyện, thị xã (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Thanh Trì, Hoài Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai, Gia Lâm).

Dịch vụ y tế công khảo sát tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập của thành phố, gồm: Tuyến y tế thành phố (Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội); tuyến y tế cơ sở thuộc 10 huyện (Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh).

Dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường khảo sát người dân trên địa bàn thành phố tại 12 quận, huyện, thị xã (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Thanh Trì, Hoài Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thanh Oai, Gia Lâm).

Thời gian khảo sát bắt đầu từ tháng 8/2019 và hoàn thành việc tổng hợp, báo cáo kết quả trước ngày 30/11/2019.

Để thực hiện tốt các nội dung trên, UBND thành phố yêu cầu, khi khảo sát, đo lường cần bảo đảm tuân thủ đúng kế hoạch, phương pháp, nguồn lực được phân bổ; tiết kiệm và đạt kết quả, mục tiêu đề ra; phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai. Kết quả đảm bảo tính chính xác, khách quan, phản ánh sát thực tế đối với từng dịch vụ công.

Đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của các sở, UBND quận, huyện, thị xã

Bên cạnh việc khảo sát sự hài lòng đối với một số dịch vụ công, Thành phố cũng yêu cầu triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các Sở, cơ quan tương đương Sở, UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố (SIPAS) năm 2019.

Đối tượng khảo sát là người dân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp giao dịch và nhận kết quả giải quyết TTHC từ 1/1/2019 đến thời điểm khảo sát. Không khảo sát các giao dịch chưa nhận kết quả; các giao dịch thực hiện nhận, trả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Phạm vi khảo sát là tại 20 Sở, cơ quan tương đương sở, 30 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố.

Thời gian khảo sát từ tháng 8/2019 và hoàn thành việc tổng hợp, báo cáo kết quả trước ngày 31/12/2019.

Số lượng phiếu điều tra đối với các sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã năm 2019 là 16.300 phiếu.

Phương án khảo sát là kết hợp khảo sát trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa) và khảo sát qua bưu điện. Cụ thể, khảo sát tại bộ phận một cửa: Trên cơ sở mẫu phiếu và cỡ mẫu đã được xác định, điều tra viên sẽ tiến hành điều tra, khảo sát trực tiếp cá nhân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp thực hiện giao dịch, nhận kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của các cơ quan thuộc phạm vi khảo sát.

Đối với các Sở, cơ quan tương đương Sở, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội trực tiếp phát, thu phiếu điều tra, khảo sát.

Đối với UBND quận, huyện, thị xã, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh TP Hà Nội tiến hành điều tra, khảo sát.

Khảo sát qua bưu điện, trên cơ sở tổng thể các giao dịch, từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/6/2019, tại bộ phận một cửa của các cơ quan, đơn vị,

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội lập danh sách đối tượng điều tra theo công thức chọn mẫu thống nhất và tiến hành phát, thu phiếu thông qua bưu điện.

UBND thành phố yêu cầu việc đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố; đảm bảo tuân thủ đúng kế hoạch, phương pháp, nguồn lực được phân bổ; tiết kiệm và đạt kết quả, mục tiêu đề ra; phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai; kết quả đảm bảo tính chính xác, khách quan, phản ánh sát thực tế.

Hà Nội từng đứng “á quân” trong bảng xếp hạng cải cách TTHC năm 2018 với kết quả 83,98%..

Tại hội nghị được tổ chức ngày 24/5 vừa qua, con số được lãnh đạo Hà Nội đưa ra là năm 2018, Hà Nội có 437 thủ tục hành chính được đưa vào rà soát, đánh giá (thuộc các lĩnh vực như tư pháp, xây dựng, kế hoạch và đầu tư, công thương, tài nguyên và môi trường).

Kết quả khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ tại một số cơ quan trong thực hiện các thủ tục hành chính năm 2018 tại Hà Nội cũng cho thấy, mức độ hài lòng của người dân đã đạt mức khá trở lên.

Cụ thể, thủ tục khám chữa bệnh đạt 72,1%; thủ tục cấp phép xây dựng đạt 82,7%; thủ tục đo lường chất lượng đạt hơn 80%. Riêng về mức độ hài lòng đối với 8 dịch vụ hành chính công thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, có 2 dịch vụ đạt 98%, 2 dịch vụ đạt 95%, một dịch vụ đạt 90%, 2 dịch vụ đạt 85%, một dịch vụ đạt 82,5%...

Về bãi bỏ thủ tục hành chính, UBND Thành phố đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện: Kế hoạch rà soát, đánh giá  thủ tục hành chính; Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong rà soát, kiểm soát thủ tục hành chính.

Trước đó, triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, ngày 29/3/2018, UBND Thành phố ban hành Công văn số 1306/UBND-ĐT về yêu cầu các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã chủ động rà soát trình tự, thời gian, đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện, kiến nghị theo thẩm quyền cắt giảm các thủ tục không cần thiết.

Ngày 29/5/2018, UBND Thành phố ban hành Công văn số 3934/VP-KSTTHC về rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2018, trong đó yêu cầu Sở như Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư đánh giá thủ tục hành chính, bảo đảm số lượng thủ tục hành chính có phương án đơn giản hóa đạt tối thiểu 20% trên tổng số thủ tục được giao rà soát theo kế hoạch.

Theo đó, Thành phố đã đơn giản hóa 61 TTHC thuộc các lĩnh vực: Quy hoạch - Kiến trúc, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ; Y tế; Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất; Lao động, thương binh và xã hội;.... Thành phố tiếp tục ban hành các Quyết định công bố Danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế trên một số lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Nội vụ,...

Nhằm tiếp tục duy trì, hỗ trợ và bảo đảm tốt nhất về cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, Thành phố ban hành: Quy chế phối hợp thực hiện liên thông TTHC Cấp phiếu lý lịch tư pháp - Cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định liên thông giải quyết một số TTHC giữa cơ quan nhà nước thuộc Thành phố và Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình điện trung áp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất liên thông một số TTHC và xây dựng cơ chế liên thông nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, nâng cao chất lượng cho công tác cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố. Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ ở một số lĩnh vực.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị hầu hết đều được bố trí độc lập và đặt tại nơi trang trọng của cơ quan, đơn vị, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch.

Một số người dân Hà Nội cho biết việc xin thủ tục hành chính bây giờ nhanh hơn mấy năm trước. Mọi người phường xin đều bình đẳng, lấy số thử  tự rồi chờ đến lượt mình. Cán bộ phường cũng tận tình giúp đỡ, giải đáp nhiều thắc mắc của người dân.

Đến giữa tháng 2/2019, toàn TP. Hà Nội đã có 1.055 dịch vụ công trực tuyến, đạt 55% thủ tục hành chính của thành phố được triển khai cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Năm 2019, thành phố phấn đấu 100% dịch vụ công phải được thực hiện trực tuyến mức mức độ 3, 4.


Theo Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)