Bình Thuận tạo đột phá trong cải cách hành chính

Thứ tư, 31/07/2019 11:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP của Chính phủ, những năm gần đây, tỉnh Bình Thuận nỗ lực triển khai công tác này, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong đó, lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu, động lực phấn đấu xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Thuận.

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp “là động lực, là thước đo”

Vào một ngày giữa tháng 7-2019, Công ty cổ phần Ðầu tư và Xuất nhập khẩu DOP (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) được UBND tỉnh Bình Thuận giao quyết định chủ trương đầu tư thực hiện Dự án Khu du lịch thắng cảnh văn hóa cộng đồng và công viên Gành Son tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong. Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Oanh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Từ khi nộp hồ sơ đề nghị thực hiện dự án cho đến khi được trao quyết định chủ trương đầu tư, công ty không gặp trở ngại gì. Thủ tục được rút gọn, chi phí và thời gian đi lại giảm. Doanh nghiệp cảm thấy hài lòng với cung cách, thái độ phục vụ, sự hỗ trợ, giúp đỡ có trách nhiệm của cán bộ công chức các cơ quan chức năng và địa phương của tỉnh Bình Thuận.

Không chỉ riêng trường hợp công ty của bà Oanh mà còn nhiều tổ chức, cá nhân được các cấp, các ngành trong tỉnh giải quyết thủ tục nhanh gọn như vậy trong thời gian gần đây. Công tác cải cách hành chính (CCHC) được Bình Thuận tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Theo báo cáo, trong năm 2018, các sở, ngành trong tỉnh ký cam kết rút ngắn TTHC và đã đăng ký UBND tỉnh phê duyệt, rút ngắn thời gian giải quyết của 242 TTHC, thời gian rút ngắn trung bình 16,6%; đồng thời kiến nghị Trung ương đơn giản hóa ba TTHC (cụ thể hai TTHC đề nghị cắt giảm thành phần hồ sơ và một TTHC đề nghị bãi bỏ). Ðầu năm 2018, Trung tâm Hành chính công (TTHCC) tỉnh Bình Thuận được thành lập trên cơ sở giải thể Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đang thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, TTHCC tỉnh ra đời nhằm khắc phục những hạn chế của các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các sở hiện nay. Ðó là sự phân tán và tính liên thông các TTHC chưa hiệu quả, thiếu đồng bộ, chưa có cơ quan đầu mối thống nhất làm nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân.

Trung tâm giữ vai trò đầu mối thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của 18 sở, ban, ngành cấp tỉnh; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tìm hiểu, tiếp cận môi trường đầu tư của tỉnh và thực hiện TTHC về đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn. Trong năm 2018, Trung tâm tiếp nhận và giải quyết đúng hẹn 32.482 trong số 32.484 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,9%. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2019, qua tiếp nhận 23.039 hồ sơ; đã xử lý và trả kết quả 22.752 hồ sơ, trong đó số hồ sơ xử lý và trả kết quả đúng hạn là 22.744, chỉ có tám hồ sơ trễ hẹn. Các hồ sơ trễ hẹn đều có văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân.

Hàng chữ “Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công” được gắn ngay tại sảnh là phương châm mà mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đây luôn ghi nhớ để thực hiện. Gặp ông Nguyễn Tiến Dũng, đại diện Công ty cổ phần Cảnh Viên thực hiện dự án du lịch tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân đến Trung tâm để làm thủ tục bổ sung hồ sơ sang tên dự án tại quầy Sở Tài nguyên và Môi trường, ông nhận xét, các thủ tục được giải quyết rất nhanh chóng; thái độ của công chức hỗ trợ doanh nghiệp tốt, hướng dẫn tận tình, chu đáo. Sau hơn một năm rưỡi hoạt động, kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của công chức, viên chức tại Trung tâm có 5.404 trong số 5.413 ý kiến rất hài lòng và hài lòng, đạt tỷ lệ 99,8%.

Những cách làm hay

Trong quá trình thực hiện công tác CCHC đã xuất hiện những hình thức, cách làm hay. Trước đây, Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp giấy đăng ký tàu cá, danh sách thuyền viên, giấy phép khai thác thủy sản, cấp giấy phép đóng mới, cải hoán tàu cá… ngay tại địa bàn quản lý theo mô hình một cửa “lưu động” đã được người dân đồng tình ủng hộ. Ðiều đó giúp người dân tiết kiệm thời gian, tiền bạc, quá trình khai thác, đánh bắt thủy sản thuận lợi. Tuy nhiên, sau khi TTHCC tỉnh đi vào hoạt động, các thủ tục thuộc lĩnh vực Chi cục Thủy sản phải thực hiện còn một số khó khăn, gây phiền hà cho ngư dân. Chi cục Thủy sản Bình Thuận phản ánh lên cấp trên đề xuất thay đổi cách thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tạo thuận lợi giúp ngư dân. Trên tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến của ngành chức năng và của người dân, trong tháng 8-2018, UBND tỉnh quyết định triển khai tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại các địa phương và giao cho bưu điện chuyển đến TTHCC tỉnh, hướng đến tiếp nhận tại nhà đối với các TTHC này. Theo đó, ngư dân sẽ được quyền chọn nộp hồ sơ và nhận kết quả tại các địa bàn cơ sở hoặc tại bưu điện địa phương.

Nhằm triển khai đồng bộ, có hiệu quả Quyết định số 45/2016/QÐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích, UBND tỉnh ban hành Danh mục TTHC thực hiện qua dịch vụ Bưu chính công ích với 1.136 thủ tục. Trong năm 2018, đã tiếp nhận và trả kết quả 140.893 hồ sơ qua dịch vụ này, trong đó nhiều nhất là hồ sơ thuộc lĩnh vực thủy sản, giao thông đường bộ và lý lịch tư pháp. UBND tỉnh ban hành Danh mục TTHC tiếp nhận và Trả kết quả trực tiếp tại nhà, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân với 22 TTHC. Từ khi triển khai đến nay, Bưu điện tỉnh tiếp nhận tại nhà với hơn 500 hồ sơ.

Từ tháng 6-2018, TTHCC tỉnh triển khai ứng dụng kết nối Zalo để cung cấp thông tin, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính, thông qua hệ thống phần mềm tích hợp. Phó Giám đốc TTHCC Trần Tương Như cho biết, khi tổ chức, người dân nộp hồ sơ tại Trung tâm sẽ nhận được phiếu biên nhận điện tử trên ứng dụng Zalo, có thể thay thế phiếu biên nhận bằng giấy; tra cứu trạng thái xử lý hồ sơ bằng cách quét mã QR trên điện thoại thông minh và sẽ được cung cấp chi tiết hồ sơ đang nằm ở đâu, do ai xử lý. Tính năng Zalo official sẽ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những thông tin về hoạt động của Trung tâm, công tác CCHC của tỉnh, những thay đổi, cập nhật về chính sách của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực kêu gọi đầu tư. Hiện đã có gần 8.000 lượt người quan tâm theo dõi.

Với phương châm “Ðáp ứng nhu cầu khách hàng với chất lượng cao, dịch vụ ngày càng hoàn hảo”, công tác cải cách TTHC luôn được Công ty Ðiện lực Bình Thuận quan tâm. Việc công ty phát hành hóa đơn, thanh toán tiền điện, áp dụng hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy đã tạo thuận tiện trong việc hạch toán, đối chiếu dữ liệu, kê khai nộp thuế. Giám đốc Công ty Ðiện lực Bình Thuận Trần Ngọc Linh cho biết thêm, ngoài việc thu tiền điện tại các quầy giao dịch, công ty thỏa thuận hợp tác với 12 ngân hàng và bảy tổ chức trung gian để thanh toán tiền điện cho khách hàng qua thẻ ATM với nhiều tiện ích, và tại 384 điểm thu trên toàn tỉnh. Qua đó, tạo sự thuận lợi nhất cho khách hàng trong việc lựa chọn hình thức thanh toán, địa điểm thanh toán bất kỳ trong hệ thống thu tiền điện của công ty, rút ngắn thời gian, giảm phiền hà cho khách hàng.

Hướng tới mô hình “bốn tại chỗ”

Cụ thể hóa các nhiệm vụ công tác CCHC gắn với mục tiêu, nhiệm vụ CCHC giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ và phù hợp tiêu chí đánh giá CCHC của Bộ Nội vụ, tình hình thực tế của địa phương, đầu tháng 7-2019, UBND tỉnh ban hành Quy định về đánh giá, xếp loại công tác CCHC đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Quy định về đánh giá, xếp loại công tác CCHC đối với UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Ðồng chí Nguyễn Ngọc Chỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh cho biết, kết quả đánh giá, xếp loại CCHC hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng hằng năm cũng như xác định trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức có liên quan.

Tại hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ ra một số nguyên nhân của hạn chế, tồn tại. Ðó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC của một số đơn vị chưa thật sự quyết liệt, nhất là trong cải cách TTHC. Ý thức trách nhiệm phục vụ tổ chức, người dân trong giải quyết hồ sơ hành chính của một số công chức, viên chức chưa cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế; kết quả thực hiện TTHC và chỉ số hài lòng của người dân nhất là tại cấp huyện, xã đạt thấp, người dân còn gặp phiền hà do hồ sơ trễ hẹn, phải đi lại nhiều lần… Do vậy, việc cải thiện và nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính… của tỉnh năm 2019 và những năm tiếp theo là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các ngành, các cấp tiếp tục xem công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; triển khai với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, lấy hiệu quả công tác, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là mục tiêu, động lực phấn đấu xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân tốt hơn gắn với thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 6, T.Ư 7 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII).

Ngày 26-4-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký ban hành Quyết định 1063/QÐ-UBND kèm theo Quy định tổ chức đánh giá và khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh. Hướng tới mức độ hài lòng đạt hơn 80% và mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đạt mức hơn 80% trong năm nay. Tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa theo hướng nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC được tổ chức thực hiện toàn bộ quy trình (còn gọi thực hiện bốn tại chỗ: “Tiếp nhận - Thẩm định - Phê duyệt - Trả kết quả”). Bảo đảm tại TTHCC tỉnh thực hiện tại chỗ ít nhất 20% TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ; Bộ phận một cửa cấp huyện thực hiện tại chỗ ít nhất 50% TTHC thuộc loại này; và Bộ phận một cửa cấp xã thực hiện tại chỗ 100% TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã.

Theo số liệu báo cáo, đến tháng 6-2019, Bình Thuận cập nhật các TTHC vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và liên kết Trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị với 2.084 TTHC, đạt tỷ lệ 100%. Hơn 1.440 TTHC được rà soát rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương, đạt tỷ lệ hơn 70%; thời gian rút ngắn trung bình hơn 20%, triển khai thí điểm tiếp nhận TTHC tại nhà với 22 TTHC.

Năm 2018, xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Bình Thuận đứng thứ 22 trong số 63 tỉnh, thành phố; tăng hai bậc so với năm 2017. Tuy nhiên, về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh đứng thứ 42, giảm 14 bậc so với năm 2017.


Theo Nhân dân điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)