Xu hướng quản lý không gian đô thị vệ tinh qua các dự án phát triển đô thị tại Việt Nam

Thứ sáu, 01/03/2019 13:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
1. Quan điểm phát triển đô thị thế giớiPhát triển đô thị hiện đại nhiều năm qua hướng tới và hoàn thiện nhiều khía cạnh phát triển ngày càng bền vững hơn. Tại một số quốc gia phát triển (khối Bắc Âu) đã đúc rút bốn lĩnh vực trọng tâm về (1) xã hội bền vững, (2) sinh thái bền vững, (3) kinh tế bền vững, (4) tổ chức đô thị bền vững. Về xã hội, các dự án đô thị luôn tìm kiếm giải pháp cung cấp cho người dân được cảm thấy mình thuộc về nơi chốn ấy, luôn an toàn, gắn kết hòa hợp với môi trường thiên nhiên xung quanh, hướng tới sức khỏe con người. Về sinh thái, phát triển bền vững quan tâm bảo đảm nguồn tài nguyên được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bảo tồn; đồng thời; hạn chế yếu tố ngoại lai gây ảnh hưởng tiêu cực. Kinh tế bền vững đặt mục tiêu phát triển kinh tế nội địa phân tách nhằm phát huy nội lực để làm cơ sở mở rộng kết nối giao thương quốc tế thu hút ngoại lực. Tổ chức đô thị bền vững đưa ra các chính sách khuyến khích mọi thành phần xã hội tham gia vào quá trình xây dựng thành phố. Qua đó người dân có thêm cơ hội chia sẻ những trải nghiệm phong phú để từ đó kiến tạo lối tư duy mới, cộng đồng dễ dàng tiếp cận chính quyền nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại. 

Xuất phát từ nhu cầu, khái niệm đô thị đa tâm – nền tảng ban đầu hướng tới việc mở rộng thành phố đã đặt ra, quan tâm hơn về lợi thế cạnh tranh giữa các điểm đô thị và xét đến yếu tố cân bằng vùng. Một thành phố đa cực bao gồm mạng lưới các đô thị có chức năng bổ sung, hấp dẫn mọi người di chuyển đến để rồi dần tạo nên các trung tâm thành thị mới – nơi diễn ra nhiều mối quan hệ tương tác thương mại và nhiều động lực phát triển mạnh mẽ. Kloosterma và Lambregts (2001) chỉ ra rằng đô thị đa tâm, nơi tập trung công việc, mức độ tiêu dùng cao và yếu tố hạt nhân gia đình đóng vai trò quan trọng, dường như duy trì nền tảng vững vàng hơn trước quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Điều này khác với thành phố đơn tâm – nơi các điểm dân cư đô thị tập trung mật độ cao, các trung tâm chức năng, hấp dẫn và thu hút lao động, chất lượng giáo dục tốt, mạng lưới hạ tầng xã hội – kỹ thuật tốt và tiện ích hiện đại khác đang đối mặt với nhiều vấn nạn đô thị.

2. Xu hướng đô thị vệ tinh ở Việt Nam

Tiếp đến, khái niệm đô thị vệ tinh (được Graham Romeyn Taylor đề cập vào năm 1915 tại Mỹ) xuất hiện với mong muốn di dời các cơ sở sản xuất tập trung ra khỏi trung tâm thành phố nhằm giảm thiểu áp lực và giải quyết các vấn đề đô thị. Từ nửa đầu thế kỷ 20, mô hình đô thị vệ tinh và những thành công của nó đã dần lan tỏa sang khu vực châu Á. Nhật Bản đi tiên phong sau đó là Hàn Quốc theo đuổi mô hình này bằng việc tập trung xây dựng 12 đô thị vệ tinh xung quanh thủ đô Seoul. Ở Việt Nam, thành phố Hà Nội đã xác định 5 đô thị vệ tinh của mình vào năm 2008 gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với các chức năng hỗn hợp, đặc thù riêng nhằm hỗ trợ và chia sẻ nguồn lực với đô thị trung tâm. Trong đó, đô thị vệ tinh Hòa Lạc (cửa ngõ phía Tây) được định vị trung tâm về khoa học công nghệ và đào tạo, thu hút đầu tư phát triển Đại học Quốc gia HN và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Sau 10 năm hợp nhất Thủ đô đến nay, một số ý kiến cho rằng việc thực hiện đầu tư xây dựng tại các đô thị vệ tinh này còn thấp do thiếu nguồn lực, thiếu hạ tầng giao thông, chưa thu hút được việc di dời được trường học, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố.

a. Quản lý không gian đô thị sinh thái (Eco-city) Hòa Lạc

Cấu trúc đô thị Hòa Lạc phân định khá rõ bốn chức năng: Đại học quốc gia Hà Nội và khu công nghệ cao Hòa Lạc phía Bắc; đô thị sinh thái và cụm công nghiệp địa phương phía Nam đại lộ Thăng Long. Cụ thể hơn, phía Tây Nam địa phận Hòa Lạc, một khu đô thị sinh thái (khoảng 2000ha) được xác định thời gian qua và nghiên cứu quy hoạch bởi tư vấn AECOM (Mỹ) hứa hẹn đem lại nhiêu cơ hội phát triển về thương mại, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao và các loại hình nghệ thuật. Ý tưởng xuyên suốt ở đây xây dựng một “Eco-city” nhằm đánh thức tiềm năng một thành phố tương lai. Quy hoạch tổng thể do các chuyên gia quốc tế đưa ra khung phát triển sinh thái nhằm hướng tới một đô thị mới hấp dẫn đặc trưng cùng trung tâm sáng tạo phục vụ cuộc sống, đáp ứng nhu cầu công việc và nghỉ ngơi. Hòa Lạc Eco-city sẽ trở thành nơi chốn mà ở đó các thế hệ, doanh nghiệp sẽ luôn hướng về như ngôi nhà của chính mình. ở đây, công cụ thiết kế đô thị vận dụng tối đa linh hoạt, sáng tạo, nhằm phát huy giá trị, tôn trọng và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái hiếm có của khu vực này. Bên cạnh đó, đưa vào cấu trúc Phường hội kết hợp với các cụm giáo dục để hình thành một trung tâm sáng tạo và công nghệ mới thêm hoàn chỉnh cho thủ đô.

Nghiên cứu thiết kế đô thị cũng được vận dụng vào từng khu vực, chức năng cụ thể tương thích địa hình đồng bằng xen kẽ đồi bát úp nhằm kiến tạo nên các lợp không gian: sáng tạo tri thức, thương mại, tập trung, đô thị mặt nước, làng văn hóa thể dục thể thao, làng sinh thái, thung lũng cảnh quan, Hà Nội thu nhỏ và làng nông nghiệp mới. Cụ thể hóa tầm nhìn về một thành phố sinh thái chỉ ra các thành tố gắn kết với thiên nhiên, tri thức, sự kết nối và công nghệ mới, xóm giềng năng động, lối sống hiện đại đa dạng, kiến trúc đặc trưng dễ dàng nhận biết.

Từng không gian thành phần lõi trung tâm đô thị được chăm chút thiết kế đến từng chi tiết nhằm đảm bảo “hồn cốt” đô thị sinh thái, phản ánh tư duy tiến bộ, đồng thời có thể cân bằng các chức năng trong cuộc sống (giữa công việc, hoạt động văn hóa với nghỉ dưỡng). Ngoài ra, các khu chức năng chính được tổ chức theo mô hình đô thị nén gắn với không gian mở - chuyển tiếp và trục đi bộ xuyên suốt. Kế đến, các chức năng khác (sinh hoạt, làm việc, học tập, vui chơi – giải trí) được bố trí phù hợp với đặc điểm địa hình, những tính toán cho các phân đợt xây dựng và được định hướng bởi hệ công viên, hình thái ô đất phong phú cùng kiến trúc công trình đặc trưng.

Không gian sáng tạo tri thức (K.I.D) sử dụng độ nén cao để trở thành trung tâm tổng hợp các nền tảng tri thức. Nơi đây bao gồm: các văn phòng IT, vườn ươm tài năng và không gian mở tự nhiên đảm bảo chất lượng của một nơi chốn. K.I.D được tổ chức theo khuôn viên có thể dễ dàng đi bộ, bố trí văn phòng sáng tạo với nhà ở hòa quyện vào đồi thấp bao quanh.

Khác biệt hơn cả, một Hà Nội thu nhỏ toát lên các đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán của người Hà thành nhằm duy trì, bảo tồn nét độc đáo, thu hút du lịch với các không gian nghệ thuật. Cấu trúc làng xóm, đô thị cổ được khéo léo nhắc lại để tạo nên hình ảnh với lối sống buôn bán, kinh doanh thương mại truyền thống khuyến khích người đi bộ. Các khách sạn chủ đề và khu chung cư cao cấp kết hợp không gian cây xanh mặt nước nơi đây đã tạo nên một tổng thể hài hòa tự nhiên.

b. Đô thị vệ tinh – Đông TP.HCM: một hình ảnh đô thị mới mạnh mẽ

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt (quyết định số 252/QĐ-TTg, ngày 13/2/2014) xác định khu vực phía Nam có 4 cực, 15 đô thị vệ tinh và Nhơn trạch (Đồng Nai) trở thành một trong các đô thị vệ tinh của TP.HCM ở khu vực phía Đông.

Tại Nhơn Trạch, khu đô thị mới phía Đông thành phố, quy mô gần 1000ha, tọa lạc tại Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và có vị trí trung điểm bán kính 25km đến trung tâm TP.HCM và sân bay quốc tế Long Thành. Về mặt không gian, đây cũng chính là vị trí thuận lợi để hình thành và phát triển đô thị với nhiều lợi thế. Tuy nhiên, kết nối giao thông Nhơn Trạch với TP.HCM chưa hoàn chỉnh đã vô hình chung trở thành rào cản phát triển của vùng đất này những năm qua. Do tình hình phát triển phân tán (ô 1A, 1B, 1D, 1F), quy mô nhỏ (dự án Lilama) dọc theo tuyến giao thông tiểu khu đơn lẻ trong phạm vi khu vực đô thị đã vô tình làm chậm quá trình hình thành đô thị có quy mô lớn này. Những vị trí, quỹ đất tốt dọc tuyến giao thông huyết mạch đi sân bay quốc tế Long Thành được dành cho các khu vực văn phòng, thương mại khá lớn so với nhu cầu thực tế chưa thu hút đủ nguồn vốn để phát triển.

Gần đây, khu đất tương đối bằng phẳng này đã chuyển mình sang khi bén duyên với nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Những đặc điểm mới trong đô thị vệ tinh này được chủ đầu tư rất quan tâm ngay từ giai đoạn điều chỉnh quy hoạch, đó là: thứ nhất, định vụ lại vai trò và vị trí đô thị vệ tinh trong vùng – gắn với vùng công nghiệp sản xuất để hình thành đô thị công nghiệp của vùng, tỉnh và hỗ trợ phát triển TP.HCM ở khu vực phía Đông; thứ nhì, chủ trương mạnh mẽ với thông điệp về sự kết nối và tạo nét đặc trưng riêng.

Kế đến, gia tăng giá trị đất đai, xây dựng hệ sinh thái bản địa và hành lang xanh khép kín tạo nên không gian chức năng phong phú đem đến cho cư dân những trải nghiệm và môi trường đáng sống. Quy hoạch xây dựng mới làm rõ cấu trúc và lớp không gian chức năng (văn phòng thương mại, dịch vụ, văn hóa, hệ thống dịch vụ công cộng) để phục vụ vào hoạt động vui chơi giải trí, nghỉ ngơi trong và ngoài trời của cộng đồng. Và các nhóm ở tiêu chuẩn được bố trí đầy đủ tiện ích, dịch vụ đô thị công cộng (trường học, công viên, y tế…) phù hợp với quỹ đất và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và trong nước. Với ý tưởng xuyên suốt, tầm nhìn, mục tiêu, quyết tâm và cam kết của phát triển đô thị, đô thị vệ tinh phía Đông TP.HCM sẽ sớm hiện diện thúc đẩy kinh tế toàn vùng Nam Bộ trong thời gian tới.

Trên cơ sở cấu trúc đô thị được quy hoạch, công cụ thiết kế đô thị xem xét các yếu tố Edge, Node, Landmark, District, Path, Open space và Corridor và hcus trọng vào ba không gian chính: Lõi trung tâm đô thị; Vành đai xanh sinh thái và trục chức năng kết nối các khu đô thị

3. Thay cho lời kết

Phát triển đô thị bền vững, các mô hình đô thị (đơn tâm, đa tâm) và đô thị vệ tinh làm nền tảng cho công cuộc mở rộng thành phố của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Xunh quanh 2 thành phố lớn quan trọng của cả nước (Hà Nội và TP.HCM) đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh nhằm phối hợp, bổ sung chức năng, giảm tải áp lực và giải quyết các vấn nạn tại đô thị trung tâm (cực lớn). Gần đây, với chủ trương thu hút đầu tư đúng đắn của Nhà nước, các nhà đầu tư có tâm – tầm và tiềm năng rất quan tâm và chú trọng phát triển các đô thị thành phần tại các đô thị vệ tinh. Đô thị sinh thái (Eco-city) Hòa Lạc tại Hà Nội và đô thị mới phía Đông Tp.HCM tại Nhơn Trạch, Đồng Nai chỉ ra đặc điểm chung của nhà phát triển dự án về việc tôn trọng, tuân thủ ý tưởng quy hoạch đô thị, dành nhiều quan tâm từ không gian tổng thể đến từng khu chức năng cụ thể. Từ đó, đưa ra giải pháp quản lý dự án, phương án thiết kế đô thị chuẩn mực quốc tế nhằm đảm bảo hình ảnh đô thị và hiệu quả đầu tư trong môi trường luật định địa phương. Trong thời gian tới với sự phát triển các dự án đô thị thành phần, các đô thị vệ tinh của TP.HN và TP.HCM sẽ sớm hoàn chỉnh và thúc đẩy quá trình phát triển đô thị Việt Nam ngày càng bền vững hơn
 

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 95+96/2018 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)