SAP - công nghệ số trong cải thiện bảo hộ lao động ngành Xây dựng và trong các ngành kinh tế khác

Thứ hai, 02/04/2018 15:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mới đây, tại Moskva, Diễn đàn nhân kỷ niệm 25 năm ngày SAP bước vào thị trường Nga đã được tổ chức. 

Là công ty phần mềm lớn nhất châu Âu, có trụ sở chính tại Walldorf (CHLB Đức), SAP luôn chiếm vị trí tâm điểm của cuộc cách mạng công nghệ hiện đại. Là nhà cung cấp hàng đầu các phần mềm ứng dụng cho doanh nghiệp, SAP giúp các doanh nghiệp vượt qua nhiều phức tạp trong tổ chức lao động, tạo những khả năng mới để cải cách, phát triển và vượt lên trong các cuộc cạnh tranh khốc liệt. Năm 1992, SAP chính thức bước vào thị trường Nga, văn phòng mở tại Moskva. Lần lượt, các văn phòng của SAP tiếp tục được mở tại các thành phố khác của Nga như Ekaterinburg, St. Petersburg, Novosibirsk, Rostov na Donu, Izhevsk (Nga), và các thành phố thuộc các quốc gia SNG như Alma Ata (Kazakhstan), Minsk (Belorusia), Kiev (Ucraina), Tashken (Uzbekistan). Dự kiến, Innovation Center của SAP (trung tâm đầu tiên tại Nga, và thứ năm trên toàn thế giới) sẽ được khai trương vào tháng 7 năm 2018 tại Moskva. Đây sẽ là không gian tuyệt vời để phát triển và trình diễn các giải pháp công nghệ thông tin mới nhất.

SAP nổi tiếng với những nghiên cứu chế tạo hệ thống tự động quản lý các quy trình trong lĩnh vực kiểm toán, tài chính, quản lý nhân sự, quản lý kho bãi. Theo ông Dmitri Antonenko – Trưởng bộ phận “Thiết kế, Xây dựng và Vận hành khai thác” của SAP SNG: các giải pháp có thể được ứng dụng trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có xây dựng. Để thay thế các công nghệ trước đây (công nghệ tự động tính toán và thiết kế), hiện nay đã có những công nghệ mới với vai trò đưa việc quản lý kinh doanh lên một cấp độ mới - mạng lưới thiết bị kết nối internet (IoT), big data, trí tuệ nhân tạo. Trong lĩnh vực xây dựng, các giải pháp của SAP có thể bao trùm hầu hết mọi công việc – từ kế toán tới việc kiểm tra trực tiếp và quản lý các quy trình thi công, trong đó bao gồm cả bảo đảm an toàn thi công xây dựng.

Tổ chức Lao động Quốc tế đã xếp Xây dựng là một trong những ngành đứng đầu về số lượng các tai nạn lao động – 108 nghìn công nhân xây dựng thiệt mạng khi làm việc mỗi năm. Nguyên nhân điển hình là ngã từ trên cao và bị chấn thương do máy móc xây dựng. Theo số liệu của Ủy ban an toàn lao động Quốc gia (Nga), năm 2015, xây dựng là ngành có số thương vong nhiều nhất tại Nga.

SAP đã tham gia bảo đảm an toàn thi công trên các công trường xây dựng thông qua định dạng số. Tác giả muốn đề cập tới IoT - với khái niệm đã được biết tới rộng rãi và áp dụng trong lĩnh vực tiêu thụ, trong công nghiệp, y tế, nhà ở và công trình công cộng…Xây dựng không là ngoại lệ. Hiện nay, sự kết nối - trước hết thông qua các phần mềm tiện ích và IoT - giúp giải quyết những vấn đề đa dạng nhất, trong đó có các vấn đề an toàn tại các công trình đang xây dựng. Một trong các giải pháp của SAP để bảo đảm an toàn khi làm việc trên các cần trục tháp như sau: mức độ an toàn được bảo đảm nhờ mạng lưới sensor, các thiết bị cảm biến. Trong chế độ thời gian thực tế, hệ thống phân tích sẽ nạp dữ liệu từ các cảm biến trên các chủ thể cố định (không dịch chuyển) và các thiết bị cố định: các thông số của công trường thi công, các số liệu về hoạt động của thiết bị thi công bao gồm cả chế độ “tắt/bật”, chế độ hoạt động, người điều khiển, thành phần đội xây dựng…Sự tích hợp hai lớp như vậy - các thiết bị cảm ứng và các thiết bị phân tích - sẽ giúp thiết lập dòng dữ liệu hướng dẫn hoạt động cho người điều khiển vận hành thiết bị xây dựng, các kỹ sư trong trường hợp có tín hiệu cảnh báo.

Cụ thể, đối với các cần cẩu xây dựng, hệ thống sẽ tự động tính toán va chạm trong chuyển động của các tay cẩu của cần trục tháp, nhằm tránh xảy ra va chạm. Vị trí vật lý của các tay cẩu được xác định bởi thiết bị cảm biến, quỹ đạo an toàn của chuyển động được tính toán tự động. Khi có nguy cơ va chạm, một trong các cần cẩu sẽ tự động dừng lại. Hệ thống này cho phép bố trí cùng lúc nhiều cần trục trên một công trình mà không sợ rủi ro va chạm.

Hoạt động an toàn của thiết bị và các cơ chế sẽ bảo đảm an toàn cho các chuyên gia quản lý hoạt động của các thiết bị đó. Còn việc bảo đảm an toàn cho các công nhân trên công trường thi công nói chung thì như thế nào?

Có thể lấy ví dụ về giải pháp IoT của SAP dành cho sự an toàn của công nhân khi thi công xây dựng các công trình dầu khí. Các yếu tố của giải pháp này bao gồm: các thiết bị cảm ứng khí gas và các thông số khác về môi trường xung quanh trên công trường thi công, các cảm ứng gắn trên quần áo chuyên dụng của công nhân, hệ thống cảnh báo. Bộ cảm ứng trên quần áo chuyên dụng kèm theo thiết bị phân tích khí, giúp xác định vị trí thân thể con người trong không gian và tại chỗ làm việc. Trên công trường thi công, nếu các chỉ số khí và các thông số khác sai lệch so với chuẩn, nếu có công nhân nào đó ngã hoặc đi quá xa khỏi địa điểm thi công, thông tin sẽ được truyền ngay tới lãnh đạo hoặc các công nhân khác thông qua các tín hiệu trên đồng hồ thông minh hoặc tại vị trí làm việc. Các tín hiệu cảnh báo (khói mù, đèn tín hiệu) cũng được truyền tới bộ cảm ứng. Tại đây, thiết bị phân tích sẽ hỗ trợ làm rõ các tình huống điển hình (trong đó, nguy cơ xảy ra biến cố rất lớn). Tất nhiên, việc phân tích các tình huống như vậy là bước cần thiết để ngăn ngừa các biến cố xảy ra. Thực tế cho thấy việc ứng dụng các giải pháp này luôn có hiệu quả tốt, mức độ an toàn trên các công trường thi công tăng lên thực sự.

Đảm bảo sự an toàn của người lao động và cải tiến liên tục các hoạt động trong lĩnh vực bảo hộ lao động là một trong các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với mỗi người sử dụng lao động.

Dựa vào các ưu tiên của hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động, công ty Molga Consulting của Nga (chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn kinh doanh, tư vấn quản lý và tự động hóa các quy trình trong quản lý nguồn nhân lực) hợp tác với SAP để đưa ra một giải pháp nhằm đạt mục tiêu chính - đảm bảo tính bền vững của việc quản lý an toàn vệ sinh lao động - SAP EHS (An toàn, Sức khỏe và Môi trường).

Ông Evgeni Vasilev – Trưởng Ban Quan hệ đối tác của công ty Molga cho biết: giải pháp SAP EHS trong lĩnh vực bảo hộ lao động và an toàn công nghiệp cho phép tổ chức quản lý toàn diện hoạt động bền vững của công ty, qua đó tăng năng lực cạnh tranh và hiệu quả làm việc của nhân viên.

Những dự án lớn trong lĩnh vực IoT, sự hợp tác với các Tập đoàn tên tuổi như Amazon và Intel, giao diện phần mềm với phiên bản điện toán đám mây đã đưa IoT lên thành ưu tiên hàng đầu của người khổng lồ phần mềm SAP. SAP phát triển thành công các ứng dụng IoT không chỉ trong xây dựng, an toàn lao động, mà trong cả trong lĩnh vực giao thông.

Tháng 9/2016, Trenitalia (hãng vận tải đường sắt lớn nhất của Ý) đã tuyên bố khởi động một dự án hợp tác với SAP về ứng dụng IoT, theo đó, mọi toa xe lửa của hãng đều được trang bị hệ thống cảm biến để đo tất cả các chỉ số - từ nhiệt độ của động cơ và điện áp trên đường điện đến tọa độ GPS thực tại. Việc phân tích các dữ liệu thu được cho phép kiểm soát việc vận hành các toa xe, dự báo kịp thời các sự cố, nâng cao độ tin cậy của các đoàn tàu.

Cài đặt cảm biến trên tàu không phải là ý tưởng mới, song dự án hợp tác của SAP và Trenitalia đã thay đổi cách thức thu thập và xử lý thông tin một cách hợp lý. Các chỉ số từ cảm biến được tính toán không phải vào cuối mỗi chuyến tàu, mà trong thời gian thực tế. Thông tin được truyền “trên không” tới cơ sở dữ liệu 6 terabyte của SAP HANA (có thể lưu trữ dữ liệu và xử lý trực tiếp ngay tại bộ nhớ trong – in-memory solution), tức là dữ liệu có thể xử lý ngay lập tức tại thời điểm thực tế. Dữ liệu đã xử lý được chuyển tiếp ngay tới đám mây lưu trữ dung lượng tính bằng petabyte.

Dự án của Trenitalia trị giá 50 triệu euro. Dự kiến, dự án được triển khai sẽ giúp tiết kiệm mỗi năm từ 100 đến 130 triệu euro (bằng 8-10% ngân sách dành cho duy tu bảo dưỡng các toa xe). Ngoài ra, hãng sẽ có thể tiết kiệm chi phí liên quan đến sự chậm trễ và thay đổi giờ tàu (theo tính toán, khoảng 20 triệu euro mỗi năm).

Trong năm 2011, Tập đoàn Harley-Davidson hợp tác với SAP xây dựng cơ sở mới để sản xuất mô tô cá nhân với một dây chuyền sản xuất hiện đại. Mỗi thiết bị đều được kết nối với mạng, hệ thống cảm biến đo toàn bộ các chỉ số - từ nhiệt độ và độ ẩm không khí đến tốc độ quay các quạt thông gió được lắp đặt bên trong.

Giải pháp phần mềm SAP (bao gồm cả nền tảng SAP HANA) chịu trách nhiệm thu thập và xử lý dữ liệu từ các thiết bị cảm biến. Việc phân tích toàn diện tất cả các yếu tố cho phép xác định các điều kiện tối ưu cho hoạt động của dây chuyền sản xuất và giảm thời gian “chết” của thiết bị trong trường hợp hỏng hóc. Kết quả: cơ sở mới này lắp ráp lượng xe vượt 25%, trong khi sử dụng nhân lực ít hơn 30% so với các cơ sở khác. Thời gian lắp ráp của một chiếc xe mô tô giảm từ 21 ngày xuống còn 6 giờ.

Trong năm năm tới, SAP sẽ đầu tư 2 tỷ euro để phát triển IoT. Riêng để nghiên cứu lĩnh vực này, một phân ban đặc biệt đã được thành lập trong nội bộ SAP - Digital Assets và IoT. Một bộ phận của phân ban là Phòng Thí nghiệm cải tiến liên doanh (Co-Innovation Lab – COIL), bao gồm 14 đội công tác thuộc 10 quốc gia, trong đó có Đức, Nhật, Mỹ và Brazil.

Người đứng đầu COIL của SAP tại các nước SNG – ông Igor Pak tại Diễn đàn 25 năm đã nói về sự phát triển và triển vọng của SAP trong lĩnh vực IoT: “Ngay thời điểm này, IoT là một trong những định hướng ưu tiên của SAP, cùng với các sản phẩm truyền thống trong lĩnh vực ERP (phần mềm hoạch định doanh nghiệp) và quản lý sản xuất, cũng như nền tảng HANA. Thành công với dự án của Trenitalia sẽ không phải là duy nhất trong bảng vàng thành tựu của SAP trong lĩnh vực IoT ”./.

 

Nguồn: Báo Xây dựng Nga số 17 (ngày 5/5/2017)
ND: Lệ Minh 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)