An toàn lao động khi thi công phần hoàn thiện công trình

Thứ tư, 19/03/2014 15:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hoàn thiện công trình là khâu cuối cùng của công tác xây lắp, nó có vai trò quan trọng giúp công trình chống được tác hại của thời tiết, tăng tuổi thọ, bảo đảm mức độ tiện nghi của công trình thích hợp với yêu cầu sử dụng và tạo mỹ quan cho công trình. Hoàn thiện công trình bao gồm những công việc như: trát tường, ốp tường, lát, lãng nền, quét vôi, sơn, lắp đặt các thiết bị của công trình như hệ thống điện nước, điều hòa không khí…Các công việc hoàn thiện được thực hiện bằng thủ công và cơ giới hỗ trợ. Các nguy cơ gây tai nạn lao độngvà các biện pháp đề phòng trong công tác hoàn thiện công trình sẽ được đề cập trong bài viết này.

1. An toàn lao động trong công tác trát

Công tác trát bao gồm trát tường trong, tường ngoài, trần, phào và trát tạo các chi tiết kiến trúc cho công trình. Công tác trát chủ yếu được thực hiện bằng thủ công. Ngoài ra, một số công trường sử dụng máy phun vữa để tát. Khi làm việc, tại nhiều vị trí, người công nhân phải làm việc ở trên cao so với mặt đất hoặc mặt sàn nhà tầng nhà theo chiều cao công trình. Với sự trợ giúp của hệ thống dàn giáo.

1.1 Các nguy cơ gây tai nạn lao động trong công tác trát

- Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi làm việc trên cao.

- Các nguy cơ gây tai nạn lao động khi làm việc với máy và thiết bị xây dựng, nếu sử dụng biện pháp trát bằng máy.

- Các mảng vữa trát trần rơi xuống mặt người công nhân do nền trát quá ẩm khiến vữa trát bị chảy.

- Vòi phun vữa có thể bị hở hay thủng khiến vữa phun vào người công nhân.

1.2 Các biện pháp đề phòng tai nạn lao động trong công tác trát

Ngoài các biện pháp đề phòng tai nạn khi thi công trên cao, đề phòng tai nạn khi làm việc với máy và thiết bị xây dựng nói chung, còn có các biện pháp đề phòng tai nạn cụ thể sau:

a. Đề phòng tai nạn lao động (TNLĐ) khi trát trong, trát ngoài công trình

- Chỉ được tiến hành công tác trát trong sau khi đã lắp đặt xong khung cửa, vách ngăn, hộp thông gió và các công việc xây lắp chuyên môn khác.

- Trát bên trong và bên ngoài nhà cũng như các bộ phận chi tiết kết cấu khác của công trình dùng đà giáo hoặc giá đỡtheo “Quy định về an toàn sử dụng lắp dựng và tháo dỡ đà giáo, giá đỡ”. Chỉ được tiến hành trên các loại giàm giáo hoặc giáo ghế với lan can an toàn chắc cả 4 phía.

- Chỉ được phép dùng thang treo ở những nơi riêng biệt, có khối lượng ít.

- Khi đưa vữa lên mặt sàn công tác cao không quá 5m, phải dùng thiết bị cơ giới nhỏ hoặc công cụ cải tiến. Khi đưa vữa lên mặt sàn công tác cao hơn 5m phải dùng máy nâng hoặc phương tiện cẩu chuyển khác. Không với tay đưa các thùng xô đựng vữa lên mặt sàn công tác cao quá 2m.

- Trát các cuộn vòm, gò cửa sổ ở trên cao, phải dùng các kiểu loại đà giáo hoặc giá đỡ theo “Quy định về an toàn sử dụng, lắp dựng và tháo dỡ đà giao, giá đỡ”. Cấm đứng trên bệ cửa sổ để làm các việc đã nêu trên.

- Thùng, xô đựng vữa cũng như các dụng cụ đồ nghề khác phải để ở vị trí chắc chắn để tránh rơi, trượt đổ. Khi ngừng việc phải thu dọn vật liệu đồ nghề vào một chỗ. Sau mỗi ca phải rửa sạch vữa bám dính vào các dụng cụ đồ nghề. Cấm vứt vật liệu, đồ nghề từ trên cao xuống. Khi tiến hành trát ở hai hay nhiều tầng cùng một lúc cần bố trí sàn bảo vệ trung gian giữa những người làm việc tại các tầng. Công nhân phải đứng trát ở các vị trí so le nhau giữa các tầng.

- Điện dùng cho công tác trát trong bể và hầm kín phải có điện áp không lớn hơn 36 vôn.

- Sấy khô vữa trát ở trong nhà máy sấy dùng hơi đốt hoặc dầu phải do công nhân chuyên môn điều khiển. Máy sấy phải cố định chắc chắn.

Công nhân điều khiển máy sấy ở trong phòng không được làm việc liên tục quá 3 giờ.

- Cấm dùng các chất màu độc hại như: minium, chì, bột crôm… để làm vữa trát màu.

- Nơi trộn vữa có pha chlore phải bó trí ở nơi thoáng gió và xa khu vực có người một khỏang ít nhất là 5m. Cấm trát vữa có pha chlore trong các phòng, hầm hào kín khi chưa được thông gió tốt. Côong nhân làm các công việc có tiếp xúc với vữa pha chlore phải được trang bị đầy đủ các phương tiện cá nhân và được bồi dưỡng độc hại theo chế độ hiện hành.

b. Đề phòng tai nạn lao động khi sử dụng máy phun vữa


- Chỉ sử dụng công nhân đã được đào tạo về sử dụng máy phun vữa đào tạo về sử dụng máy phun vữa vì công việc này đòi hỏi thực hiện rất nghiêm túc quy trình kỹ thuật và kỹ thuật an toàn.

- Công nhân vận hành máy cần được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động như mặt nạ, kính hoặc gang tay…

- Những người không có trách nhiệm phải đứng cách xa máy ít nhất 10m.

- Trước khi làm việc, phải kiểm tra tất cả các bộ phận của máy như: vòi phun, đường ống cao su, đồng hồ báo áp lực, van an toàn hoặc hệ thống tín hiệu…

- Trong khi làm việc, luôn theo dõi, không để cho ống dẫn vữa bị gấp khúc hay xoắn thành vòng. Nếu thấy hiện tượng bất thường như vòi hở hoặc nứt thì phải ngừng công việc lại ngay và tiến hành thay ống khác.

- Cấm việc ngừng cung cấp vữa vào các vòi phun bằng cách bẻ gập ống dẫn vữa.

- Sau khi xong công việc, phải thổi rửa lại hệ thống ống (sau khi những người có trách nhiệm đã ra khỏi khu vực nguy hiểm xung quanh máy). Phải ngắt điện cho máy khi thổi rửa hoặc sửa chữa máy.

2. An toàn lao động trong công tác ốp tường và lát nền

Công tác ốp tường và lát nền nói chung đều phải sử dụng các máy sử dụng điện để cắt hoặc mài các viên gạch ceramic để được bề mặt hoàn thiện đúng với kích thước thiết kế.

Do đó, các biện pháp an toàn lao động trong các công tác này chủ yếu là để phòng tai nạn khi làm việc với máy và thiết bị xây dựng.

3. An toàn lao động trong công tác lắp đặt thiết bị công trình

Các công trình xây dựng đều có phần việc về lắp đặt các thiết bị bên trong công trình như các hệ thống điện, nước hoặc điều hòa không khí…

Trong công tác này, người công nhân cần phải sử dụng các máy điện cầm tay khoan vào tường để đặt các ốc hoặc vít. Tại nhiều vị trí họ phải làm việc trên cao, như khi lắp đặt hệ thống điều hòa không khí…

Do đó, các biện pháp an toàn lao động trong công tác này chủ yếu lầ đề phòng tai nạn xảy ra khi làm việc với máy và thiết bị xây dựng, đề phòng tai nạn khi thi công trên cao.

4. An toàn lao động trong công tác sơn và quét vôi công trình

Công tác sơn và quét vôi công trình thường được thực hiện sau cùng, khi các công việc kỹ thuật chuyên môn khác đã được thực hiện.

Đặc điểm của công việc sơn là người công nhân làm việc trong môi trường độc hại và dễ cháy nổ. Đặc điểm là công tác quét vôi là người công nhân phải làm việc trên cao. Có thể sơn, quét vôi bằng biện pháp thủ công hoặc bằng máy (phun sơn) ở các vị trí dưới thấp hoặc trên cao, tùy từng vị trí công trình.

4.1 Các nguy cơ gây TNLĐ trong công tác sơn và quét vôi công trình

- Các nguy cơ gây TNLĐ khi làm việc với máy và thiết bị xây dựng

- Các nguy cơ gây TNLĐ khi làm việc trên cao

- Các nguy cơ gây cháy nổ

- Công nhân bị ngạt thở hoặc nhiễm độc do nhiễm phải hơi sơn trong lúc làm việc hoặc do đi vào trong các phòng kín mới sơn.

4.2 Các biện pháp đề phòng TNLĐ trong công tác sơn và quét vôi công trình

Ngoài các biện pháp đề phòng tai nạn khi thi công trên cao, đề phòng tai nạn khi làm việc với máy và thiết bị xây dựng, đề phòng tai nạn do cháy nổ nói chung, còn có các biện pháp đề phòng tai nạn cụ thể như sau:

- Khi làm việc phải sử dụng đúng và đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân gồm: quần áo vải dầy, nón cứng, hoặc nón vải, kính chống bụi, khẩu trang, giầy vải ngắn cổ. Trường hợp phòng sơn quá kín mà chưa thông gió được thì công nhân phải được trang bị bình thở ô xy.

- Chỉ được phép dùng thang tựa để tiến hành công việc ở độ cao thấp hơn 5m so với mặt nền. độ nghiêng của của thang so với mặt nằm ngang nhà không nhỏ và cũng không lớn hơn 70o, đầu thang phải cố định với các bộ phận kết cấu ổn định của công trình hoặc phải có người giữ chân thang. Dựng thang ở lối cửa ra vào phải có người canh không để người khác bất thình lình xô cửa làm đổ thang. Cấm đứng lên bậc thang trên cùng làm việc. Chỉ được phép dùng thang đã được kiểm tra độ bền và bậc cao nhất cũng như bậc dưới cùng phải được giằng néo bằng dây thép để tăng độ bền. Kết thúc công việc phải hạ ngay thang xuống.

- Ở các vị trí không thể không thể sử dụng thang tựa thì có thể sử dụng thang xếp nhưng phải cố định vững chắc nó.

- Tại vị trí pha chế sơn không cho phép làm bất cứ việc gì có thể gây phát sinh tia lửa, phải loại trừ khả năng nẹt lửa từ hệ thống điện và phải có biển báo “Cấm lửa- cấm hút thuốc”. Khi pha chế sơn ngoài trời phải tiến hành công việc đó ở vị trí nằm cuối hướng gió. Khi pha chế sơn trong không gian kín phải tổ chức thông gió để hút thải hơi độc. Cấm dùng bột màu trắng mịn sản xuất từ chì đẻ pha sơn.

Tại vị trí tôi vôi phải có rào chắn để ngăn không cho người rơi xuống hố vôi.

- Trong mọi trường hợp phải dùng hệ thống thông gió cục bộ như quạt để thông gió khu vực sơn. Phải đảm bảo thay đổi không khí ít nhất 2 lần trong 1 giờ.

- Trước khi làm việc với máy phun sơn, cần kiểm tra ống dẫn cao su và thử với áp suất gấp 1,5 lần so với áp suất làm việc.

- Khi phun sơn bằng vòi phun vào phải hướng vòi phun vào bộ phận cần sơn, cấm hướng vòi phun vào người khác và cần đứng về phía trên hướng gió.

Không cho phép sơn các bộ phận đang có điện áp nếu không có mệnh lệnh đặc biệt của người phụ trách. Vòi phun sơn sử dụng khí nén từ máy nén (hay trạm) phải tuân theo các quy định an toàn dành cho dụng cụ khí nén cầm tay.

- Sơn, vôi rơi vãi đều phải được lau chùi sạch sẽ. Giẻ dính sơn phải cho vào thùng rác bằng sắt có nắp đậy để chờ đem đi thiêu hủy.

- Cấm người lưu lại trong phòng mới sơn quá 4 tiếng.

- Kết thúc công việc phải làm vệ sinh cá nhân cẩn thận trước khi về.

Nguồn: Tạp chí Xây dựng, số 2/2014
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)