Di dân và vấn đề nhà ở di dân tại thành phố Hà Nội thực trạng và giải pháp

Thứ ba, 11/03/2014 09:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện tượng di dân là một yếu tố khách quanDi dân là một yếu tố khách quan trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội tại các nước đang phát triển, nó chính là động lực thúc đẩy sự phát triển đồng đều, góp phần tăng thu nhập cho khu vực nông thôn, giảm sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng trong cả nước thông qua phân bố nhu cầu nhân lực lao động và việc làm. Tuy nhiên, mặt trái của nó đang làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển đô thị một cách kém bền vững do thiếu nhà ở, hình thành ra các khu nhà trọ bất hợp pháp và các khu nhà ở “ổ chuột” tại các đô thị lớn như thành phố Hà Nội. Đây là một vấn đề xã hội phức tạp, chính quyền và các cấp các ngành cần quan tâm đưa ra giải pháp giải quyết phù hợp, thích hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. 

Di dân có nhiều khái niệm, theo Đại từ điển tiếng Việt “Di dân là di chuyển dan cư ra khỏi một địa giới hành chính nào đó đến nơi định sẵn theo những mục đích nhất định” hay là sự di chuyển dân cư đến nơi khác để sinh sống… Di dân, nếu hiểu theo nghĩa rộng là sự dịch chuyển bất kỳ của con người trong một không gian nhất định, kèm theo sự thay đổi nơi cư trú tạm thời hay vĩnh viễn. Hiểu theo nghĩa hẹp thì di dân là sự di chuyển dân cư từ một đơn vị lãnh thổ này đến một đơn vị lãnh thổ khác nhằm thiết lập nơi cư trú mới trong không gian, thời gian nhất định.

Phân theo mục đích và nhu cầu, hiện có 3 loại di dân từ nông thôn lên đô thị:

1. Dịch cư: là dịch chuyển một bộ phận nhỏ dân cư có trình độ từ nông thôn lên đô thị, họ học tập, làm việc và định cư lâu dài tại đô thị. Lực lượng này chủ yếu là sinh viên, giáo viên, cán bộ hay thợ thủ công có tay nghề cao hoặc người có thu nhập cao muốn tìm đến nơi định cư tốt hơn chỗ ở. Hiện tại

2. Di dân vãng lai: là di dân cư từ nông thôn lên thành thị sống và làm việc một thời gian nhất định (di dân theo chu kỳ thời gian). Lực lượng này gồm công nhân các khu công nghiệp, người giúp việc, người buôn bán hoặc kiếm việc làm theo thời vụ.

3. Di dân con lắc: là sự di dân di chuyển qua lại giữa nông thôn và thành thị theo ngày, tuần hay tháng. Họ là những người buôn bán nhỏ, công nhân thời vụ, lao động tự do.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng di dân từ các vùng nông thôn ra thành thị chủ yếu thông qua 3 yếu tố sau:

- Di dân do thiếu việc làm, thất nghiệp: dưới tác động của đô thị hóa, đất đai sản xuất tại nông thôn bị thu hẹp do dành đất cho xây dựng các khu đô thị, xây dựng KCN. Không còn đất trồng trọt, người nông dân thiếu việc làm và tình trạng thất nghiệp xảy ra tràn lan tại các vùng nông thôn. Mặc dù Nhà nước có chính sách nhân đạo là yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp đào tạo và thu nhận lao động tại chỗ làm công nhân tại các doanh nghiệp đã sử dụng đất đai canh tác trước đây của người dân. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 30% lao động tại chỗ được sử dụng, còn lại doanh nghiệp sử dụng lao động từ nơi khác đến làm việc. Lý do số nhân lực dư thừa tại nông thôn là do trình độ lao động và nhận thức kém, người nông dân cũng không có tư liệu và trình độ để tham gia lực lượng làm dịch vụ công nghiệp và kinh doanh thương mại tại nông thôn. Chính vì vậy, xuất hiện tình trạng di dân lên thành thị để tìm cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình. Đây là nhóm “di dân vãng lai”, nhà ở dạng “ổ chuột” xuất hiện tại thành phố Hà Nội cũng như các đô thị khác chính là do nhóm đối tượng này tạo nên, đây chính là người nghèo đô thị mà chính quyền thành phố cần quan tâm giúp đỡ về nhà ở xã hội.

- Di dân vì điều kiện kinh tế: một bộ phận dân cư nông thôn mặc dù vẫn có việc làm tuy nhiên do thu nhập thấp, đói nghèo nên cũng di dân lên thành thị làm thêm thời vụ để kiếm sống. Lực lượng này chủ yếu là những người không còn sức lao động như người già, trẻ em, người nghèo nông thôn. Đây là nhóm di dân theo dạng “di dân con lắc”, nhóm này cũng góp phần cũng với nhóm “di dân vãng lai” tạo nên tình trạng nhà ở tạm bợ, “nhà ổ chuột” tại các đô thị.

- Di dân vì nhu cầu thay đổi cuộc sống: một bộ phận dân cư nông thôn di dân lên đô thị chủ yếu muốn thay đổi số phận và cuộc sống của mình. Không muốn khép mình dưới những lũy tre làng với những điều kiện khắt khê về hương ước của làng. Những người dân có trình độ và những người cấp tiến mong muốn thoát ra khỏi những ràng buộc để tìm đến đô thị, nơi có lối sống văn minh, hiện đại hơn và muốn được hưởng những cơ ở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt hơn của đô thị như dịch vụ chăm sóc sức khỏe, học tập, phát triển con người… Lực lượng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, thanh niên tiến bộ, nhữnng người có mức sống cao tại nông thôn. Nhóm này thuộc dang di dân “dịch cư”, họ làm việc tại thành phố và định cư lâu dài. Đối với nhóm di dân này, họ không làm ảnh hưởng nhiều đến vấn đề nhà ở của đô thị, họ tự lo được nhà ở và một số sử dụng nhà ở xã hội do Nhà nước cung cấp .

Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2009, tại Việt Nam từ năm 1994- 2009 có tới 6,6 triệu người di dân trong và ngoài tỉnh. Trong khi đó, theo kết quả tổng điều tra dân số năm 1999 có 4,5 triệu người di dân. Vậy sau khoảng 10 năm đã tăng thêm 2,1 triệu người di dân. Các nhóm di dân này đang trong độ tuổi lao động và chủ yếu là phụ nữ di dân vì lý do kinh tế. Với số lượng di dân đông và phức tạp về thành phần xã hội về giới, về trình độ lao động… sẽ làm cho việc giải quyết nhà ở tại các đô thị thêm gánh nặng và phức tạp hơn, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Thực trạng về vấn đề nhà ở di dân

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến nay thành phố Hà Nội đã phê duyệt đầu tư và xây dựng được khoảng 13.000 căn hộ phục vụ cho người thu nhập thấp, trong khi nhu cầu thực của người di dân Hà nội lên tới 100.000 căn hộ. Diện tích căn hộ mới đáp ứng chưa đến 5m2/sàn người, mong muốn đảm bảo 8m2/người. Như vậy, cầu về nhà ở bao giờ cũng vượt qua cung rất nhiều nên vấn đề thiếu nhà ở cho người nghèo đô thị đang là một trong những yếu tố làm cho thành phố Hà Nội phát triển kém bền vững. Mặt khác, do dân số đô thị tăng nhanh, nhóm người thu nhập thấp ngày càng tăng cao đã làm giảm diện tích bình quân nhà ở xã hội xuống thấp. Bên cạnh đó, nhiều khu nhà ở xã hội do đã hư hỏng, xuống cấp, không còn an toàn cho người sử dụng.

Đối với người di dân từ nông thôn lên đô thị tìm kiếm làm việc thì vấn đề nhà ở càng khó khăn hơn. Hiện chưa có những chính sách giải quyết nhà ở cho đối tượng này, họ đang phải làm tá túc vỉa hè, công viên, gầm cầu, khu vực chứa rác thải thành phố hoặc phải thuê nhà ở trọ tại các khu nhà ổ chuột tồi tàn, tạm bợ với giá cao hơn nhiều so với mức thu nhập của họ. Do việc làm và mức thu nhập bấp bênh, không ổn định nên người di dân phải thuê nhà theo ngày và tập trung hàng chục người ở trong một không gian chật hẹp, không có bếp nấu, vừa ăn ở sinh hoạt trong cùng một không gian, khu vệ sinh bố trí chung tại một khu vực bên ngoài các phòng trọ. Các khu ở trọ này về vấn đề an ninh trật tự không được đảm bảo, chất lượng môi trường sống kém, chất thải khí và các chất độc hại khác đang làm cho chất lượng cuộc sống của người di dân ngày một tồi tệ hơn, nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm ngày một phát triển.

Người di dân nếu không có giấy tờ hợp lệ sẽ không được phép tạm trú tại đô thị và không được hưởng các ưu đãi của chính sách dịch vụ xã hội giống như cư dân thành phố. Họ không được được sử dụng hệ thống giáo dục, hệ thống chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác của xã hội. Nếu cần thiết sử dụng thì giá sẽ rất đắt đỏ. Do đó, nếu được quản lý tốt, sẽ thuận lợi hơn cho họ trong việc tham gia việc làm và hưởng các lợi ích dịch vụ công cộng, nhất là được sử dụng chính sách nhà ở dành cho người nghèo đô thị và người di dân giúp họ hòa nhập nhanh với cộng đồng.

Giải pháp về vấn đề nhà ở di dân

Muốn tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề nhà ở cho người di dân, chúng ta cần xóa bỏ mặc cảm và rào cản về di dân, đảm bảo lợi ích về nhà ở và các công trình phúc lợi cho người di dân. Đưa vấn đề nhà ơ di dan vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hộ và chiến lược xóa đói giảm nghèo của thành phố. Muốn phát triển đô thị bền vững, chính quyền thành phố Hà Nội cần quan tâm đến đối tượng di dân, cung cấp nơi ở an toàn và môi trường ở phù hợp với những người thu nhập thấp, người nghèo đô thị, đặc biệt chú ý xây dựng nhà ở cho các đối tượng lao động di dân đang làm việc tại các khu công nghiệp, nhất là lao động di dân nữ và những người đang nuôi con nhỏ.
Nên coi việc xây dựng, quản lý vận hành các khu nhà ở trọ, khu nhà ổ chuột là một phần trong chính sách của chính quyền thành phố, phải quan tâm đến những loại hình nhà này nhằm giúp cho người di dân có nhà ở. Thay vì bằng mọi cách xóa bỏ các khu nhà tạm, nhà trọ, nhà ổ chuột thì chúng ta nên xem xét, lựa chọn vị trí nên xem xét, lựa chọn vị trí, giải pháp kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, tổ chức môi trường ở giúp chongười di dân có thể sinh sống đảm bảo trong đô thị.

Vị trí tổ chức, xây dựng các loại nhà trọ dạng này có thể lựa chọn tại các khu đất do thành phố quản lý đã có chủ trương xây dựng các công trình công cộng, nhà ở hoặc thương mại nhưng chưa thực hiện, có thể xây dựng tạm tại các khu đất đang chờ chuyển đổi mục đích sử dụng…

Loại hình nhà ở xã hội dành cho người di dân thu nhập thấp có thể xây dựng kiên cố kiên cố, chiều cao tầng từ 5- 9 tầng, không gian linh hoạt từ nhà ở kiểu tập thể đến nhà ở hộ gia đình. Đối với nhà ở dành cho người di dân thuộc nhóm nghèo đô thị, không có thu nhập ổn định, nên đầu tư xây dựng loại hình nhà ở tạm cư, đơn giản về hình hình thức, thấp tầng từ 1- 3 tầng để tiết kiệm chi phí cho nền móng, không gian sử dụng khép kín, tổ chức nhiều không gian ở cho phù hợp với nhu cầu của nhóm gia đình và nhóm độc thân ở tập thể. Nhà ở loại này cần thiết kế điển hình hóa, có thể xây dựng tại nhiều địa bàn của thành phố.

Những loại nhà ở dành cho người nghèo đô thị có thể xây dựng bằng vật liệu rẻ tiền, vật liệu tái chế từ chất thải công nghiệp hoặc phụ phẩm nông nghiệp sau khi đã loại bỏ các tạp chất có ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Sử dụng giải pháp công nghệ xây dựng công nghiệp hóa, điển hình hóa các tấm block lắp ghép linh hoạt. Có thể lắp dựng và tháo lắp, di chuyển nhanh chóng, dễ dàng trong vận hành sử dụng. Khi xây dựng lắp ráp ngôi nhà, chỉ cần sử dụng lao động đơn giản, chỉ căn cứ vào bản hướng dẫn là họ có thể lắp ráp hoàn chỉnh ngôi nhà ở cho chính mình. Giải pháp này sẽ làm giảm giá thành vì tiết kiệm được lao động đang dư thừa đối với bản thân của người di dân.

Kết luận, kiến nghị

- Hiện tượng di dân từ nông thôn lên đô thị là một quy luật tất yếu, khách quan của quá trình phát triển đô thị hóa.

- Di dân làm ảnh hưởng đến nhiều vấn đề xã hội tại nông thôn và đô thị, như thiếu lao động tại nông thôn, dư thừa lao động tại đô thị. Ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sống đô thị, phát sinh tình trạng các khu nhà “ổ chuột”, ảnh hưởng đến văn hóa, lối sống của đo thị văn minh như Thủ đô Hà Nội.

- Vấn đề đặt ra là cần có những nghiên cứu tổng quát, suy xét mọi khía cạnh của xã hội học cũng như các cơ sở khoa học về tình trạng di dân từ nông thôn lên đô thị. Từ đó, giúp cho các nhà quản lý, các nhà làm quy hoạch- kiến trúc có các giải pháp về chính sách nhà ở tốt hơn nhằm xây dựng một đô thị phát triển theo hướng bền vững.

- Nhà nước và chính quyền thành phố Hà Nội cần quan tâm hơn nữa đến nhóm người di dân và người nghèo đo thị, họ cần được hỗ trợ thêm nhiều chính sách. Một trong những sự quan tâm đó chính là chăm lo phát triển các loại hình nhà ở xã hội , cần đầu tư vốn tập trung, tránh dàn trải khi xây dựng và phân phối nhà ở xã hội cho đúng đối tượng có nhu cầu thực về nhà ở.

- Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm khuyến khích những người di dân từ nông thôn lên đô thị tránh những xung đột xã hội , giảm tải các vấn đề phức tạp về nhà ở và xã hội cho đô thị. Chính quyền thành phố cần có chính sách hỗ trợ để người nông dân có thể quay trở về nông thôn sinh sống.

- Nhà nước cần tăng cường chíinh sách chăm lo đời sống tại các vùng nông thôn, tiếp tục phát phiển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương VII khóa X nhất là vấn đề xây dựng nhà ở nông thôn mới. Quản lý chặt chẽ đất đai sản xuất, hạn chế tối đa việc xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp trên vùng đất có khả năng trồng trọt, canh tác tốt…

 Nguồn: Tạp chí Kiến trúc số 1/2014
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)