Quy hoạch và kiến trúc nhà ở nông thôn Đồng Tháp Mười trước thách thức biến đổi khí hậu

Thứ hai, 31/03/2014 14:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam được đánh giá là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ tổn thương nhất. Trong nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tác động BĐKH đến vùng ĐBSCL thì giải pháp quy hoạch và thiết kế công trình nhà ở nông thôn có vai trò quan trọng và quyết định đến môi trường, đời sống kinh tế- xã hội của vùng.

Do đó, việc xây dựng các mô hình, giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhà ở nông thôn tại các vùng thường xuyên bị thiên tai là nhiệm vụ mang tính cấp bách đối với các cấp chính quyền cũng như các nhà chuyên môn. Vùng Đồng Tháp Mười là một trong 5 tiểu vùng ĐBSCL, bao gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Vùng Đồng Tháp Mười chịu tác động lớn nhất của lũ lụt, lốc xoáy do địa hình trũng và điểm đầu của vùng lũ sông Mê Kông.

Các đồ án quy hoạch nông thôn mới, dự án cụm tuyến dân cư vượt lũ, mẫu thiết kế nhà ở vùng lũ đã được tổ chức song hiệu quả của các dự án đó vẫn chưa cao. Có rất nhiều nguyên nhân, trên cơ sở các tài liệu tham khảo và kết quả khảo sát thực tế, xác định một số nguyên nhân chính yếu như sau:

1.Biến đổi khí hậu diễn ra bất thường, không theo quy luật do đó việc đưa ra kịch bản biến đổi khí hậu có độ chính xác thấp. Hiện nay, ngoài tác động lũ lụt, nước biển dâng khu vực Đồng Tháp Mười còn chịu tác động mới như: bão, tố lốc xoáy. Khí hậu của vùng ngày càng “cực đoan” khó dự báo hơn.

2. Các đồ án quy hoạch chưa đồng bộ và mang tính liên ngành. Có rất nhiều đò án tham chiếu vào khu vực nông thôn Đồng Tháp Mười như: quy hoạch vùng, quy hoạch chung huyện, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch nông thôn mới và nhỏ nhất là quy hoạch các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Do việc lập quy hoạch, biên tập và lưu trữ dữ liệu sau quy hoạh chưa thống nhất dẫn tới việc khớp nối các đồ án là rất khó khăn.

3. Đối với các điểm dân cư nông thôn việc áp dụng các tiêu chí nông thôn mới để lập quy hoạch cho nông thôn chưa gắn liền với phương thức sản xuất địa phương và phong tục tập quán của vùng Đồng Tháp Mười . Các tiêu chí về quy hoạch nông thôn chưa phù hợp với đặc điểm phân bó dân cư theo dải, tuyến và hoạt động kinh tế gắn liền với sông nước vùng Đồng Tháp Mười.

4. Các dự án tuyến, điểm dân cư vượt lũ được triển khai ở nhiều địa phương những hiệu quả của các dự án rất hạn chế. Tuy bước đầu đã tạo một khu ở mới cho các hộ dân tại các vùng bị ảnh hưởng của lũ, sạt ở do lũ. Song vị trí, quy mô các khu vực xây dựng chưa hợp lý, cơ sở hạ tầng kết nối dự án với các công trình hạ tầng chung của xã không được đầu tư dẫn đến nhiều cụm, tuyến dân cư vượt lũ bị cô lập hoàn toàn vào mùa lũ.

5. Việc quản lý xây dựng, chuyển giao các dự án trong đó có dự án cụm, tuyến dân cư vượt lũ còn nhiều bất cập, đặc biệt trong đó phân cấp quản lý dự án, dẫn đến việc hiệu quả các dự án thấp.

Để giải quyết các nguyên nhân trên với quan điểm biến thách thức thành cơ hội phát triển, xin đề xuất một số nội dung cơ bản cần đầu tư nghiên cứu đối với công tác quy hoạch và thiết kế nhà ở nông thôn tại vùng Đồng Tháp Mười trong bối cảnh BĐKH như sau:

1. Xây dựng hệ thống đê bao kết hợp các vùng phân lũ, chậm lũ cho vùng.

Nghiên cứu giải pháp kiến trúc, kết cấu, vật liệu gắn với công nghệ mới có khả năng thoát lũ, tăng khả năng tiêu thoát lũ.

2. Xây dựng các tuyến giao thông kết nối các cụm, tuyến dân cư vượt lũ với trung tâm xã và các tuyến giao thông chính của huyện. Các tuyến giao thông có khả năng di dân nhanh chóng ra khỏi vùng khi có thiên tai.

3. Linh hoạt trong các giải pháp kiến trúc và quy hoạch. Vị trí các chức năng trong giải pháp kiến trúc và quy hoạch có khả năng “dịch chuyển”, “chuyển đổi” phù hợp với sự biến đổi tác động của thiên tai. Xây dựng, phân loại các không gian chức năng thành các chức năng cốt lõi (các không gian cứng) và chức năng hỗ trợ (các không gian mềm). Qua đó, xây dựng các mối quan hệ chức năng “hữu hình” và “vô hình” giữa các chức năng đó.

4. Biến cảnh quan và các hoạt động truyền thống trong vùng ngập lũ thành các tuyến, điểm du lịch độc đáo của nông thôn vùng Đồng Tháp Mười . Từ đó nghiên cứu đề xuất mô hình nhà ở nông thôn kết hợp du lịch, làng du lịch và chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho người dân địa phương.

Việc xây dựng giải pháp quy hoạch và thiết kế nhà ở nông thôn tại vùng thường xuyên bị thiên tai là có ý nghĩa lớn cả về chính trị lẫn đời sống kinh tế- xã hội. Ý thức được tầm quan trọng, Nhà nước cần định hướng cho các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí và nguyên tắc quy hoạch và thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn cho vùng Đồng Tháp Mười.

Nguồn: Tạp chí Quy hoạch đô thị, số 1/2014
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)