Một đô thị cộng sinh giữa thiên nhiên, văn hoá và lịch sử

Thứ tư, 10/09/2014 15:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dẫn luậnChúng ta đang sống trong thời đại đô thị, với một loạt những biến đổi toàn cầu khiến đời sống con người luôn phải đối mặt với những thách thức của thời đại.

Cũng như trong lịch sử, sau Thế chiến thứ 2 người ta chứng kiến ở Mỹ và Châu Âu kiến trúc của nhà chọc trời, của công nghệ kỹ thuật… để tiếp sau đó là thành phố Vườn. Ở Nhật Bản, KTS Tadao Ando đã nổi tiếng với không gian của những bức tường mà theo ông nó tạo nên cái gọi là không gian Thiền, chống lại những xáo trộn của cuộc sống bên ngoài. Ngày nay phát triển đô thị đang diễn ra với tốc độ chóng mặt ở các nước châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Sự hội nhập toàn cầu và nền kinh tế thị trường đã làm cho cuộc sống con người trở nên văn minh hơn và các nhu cầu vật chất được cải thiện gấp nhiều lần so với những năm trước đây.

Trong khung cảnh đó, người ta chợt nhận thấy một sự trống vắng của đời sống tinh thần, mà vật chất không bù đắp được trong đời sống con người. Người ta cần một sự bổ sung văn hóa và tinh thần vào khoảng trống đó, để lấy lại sự bình yên và thăng bằng trong một thế giới sống động.

Những thành phố giàu chất văn hóa lịch sử và đa dạng sinh thái cảnh quan ngày càng trở thành những khoảng tĩnh trong thế giới động, là những điểm đến và khám phá không thể từ chối của con người để trở thành những nơi đáng sống trong thế giới đương đại ngày nay. Huế của Việt Nam là một thành phố như vậy

Huế được sở hữu một quỹ văn hóa lịch sử của các triều đại phong kiến Việt Nam phong phú và một cảnh quan sơn thủy đa dạng đậm chất phương Đông, mà không một đô thị nào trên thế giới có thể so sánh. Và cho dù không ít các hội thảo, báo cáo đã đề cập và phân tích, nhưng vẫn không thừa để có thể khẳng định rằng: “Huế như một thí dụ tuyệt vời của một đô thi cộng sinh giữa thiên nhiên, văn hóa và lịch sử” với các yếu tố giá trị hiển thị như: giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc quy hoạch.

Giá trị lịch sử

Đô thị là một không gian vật chất, nó luôn biến đổi và mở rộng. Tuy nhiên trong sự phát triển đó có một số yếu tố đô thị trở thành vĩnh cửu . Đó là di sản đô thị và cảnh quan thiên nhiên cốt lõi của đô thị. Huế có thể tự hào về cả quỹ di sản và thiên nhiên này. Ở Huế di sản đô thị được tập trung ở khu vực trung tâm nhưng không gian di sản lại bao trùm lớn hơn bản thân nó. Đó là bởi vì sự cấu kết giữa các yếu tố di sản là hữu cơ và có gốc rễ.

Tại khu vực Kinh thành, có thể nhận thấy giá trị đầu tiên của di sản chính là vị trí. Trong nghệ thuật xây dựng đô thị phong kiến ở Việt Nam, việc xác định vị trí, địa điểm là hết sức quan trọng. Vị trí đó cần phải có tầm quan sát và kết nối giao thông, phải cao ráo và không bị ngập lụt, phải có cảnh quan thiên nhiên đẹp và đặc biệt phải hợp về phong thủy. Ở Huế, các vị trí đầu não của bộ máy hành chính - chính trị luôn thay đổi. Thủ phủ của các triều đại phong kiến được chuyển dịch từ Thành Châu Hóa, sang Phước Yên, rồi về Kim Long, để sau đó dừng lại ở Phú Xuân, là kinh thành ngày nay.

Mặc dù đã chuyển dịch lại 2 lần nhưng cuối cùng Phú Xuân vẫn được các đời Vua nhà Nguyễn lựa chọn để xây dựng kinh hành. Kinh thành Huế là giá trị cốt lõi của một đô thị lịch sử vẫn còn khá nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Giá trị văn hoá

Có nhiều chuyên gia bàn luận về giá trị phong thuỷ tuyệt đối của vị trí kinh thành, nhưng xét về quy hoạch đô thị hiện đại thì theo lựa chọn của Vua, công trình có sự uyển chuyển giữa việc kết hợp sử dụng yếu tố: Trục trời đất (linh thiêng) và trục thiên nhiên (sông – núi) mà theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì hai trục này lệch nhau 37,5 độ. Thông thường theo trục trời đất, nhà vua phải quay mặt hướng Nam để trị dân bình thiên hạ thành công. Tuy nhiên công trình đã chấp nhận lệch sang Đông 37,5 độ để tạo với con sông Hương hình thế vòng cung, và lấy núi Ngự đứng như yếu tố “Châu Tước” trong phong thuỷ hình thế. Núi Ngự Bình hết sức quan trọng. Cho dù chỉ cao 100m và cách Ngọ môn khoảng 3km nhưng vị trí và hình thái của nó rất ý nghĩa về mặt phong thuỷ. Nhà Nguyễn đã hài hoà giữa cả 2 trục khi xây dựng đàn Nam Giao thẳng hướng Nam để nhấn mạnh sự không bỏ qua trục Trời Đất trong tổ hợp đại bố cục kinh thành Huế.

Giá trị văn hoá và lịch sử của Huế còn được hiện hữu trong không gian đô thị khá nguyên vẹn, nhờ sự quan tâm của chính quyền và ý thức của người dân. Rất tiếc là trong các triều đại phong kiến thay thế nhau, nhiều di sản kiến trúc của triều đại cũ đã bị đập phá bởi triều đại cuối. Ở Huế, khá nhiều lăng mộ của Chúa Nguyễn đã bị Tây Sơn đập phá.

Những người tới Huế đều có thể nhận thấy sự đa dạng và cộng sinh của các kiểu kiến trúc khác nhau. Đó là kiến trúc cung đình, kiến trúc tín ngưỡng, kiến trúc dân gian, nằm ở bên này sông và kiến trúc thực dân, thị dân ở bên kia sông.

Ở phía Tây Nam thành phố là cả một thành phố Âm, dành cho hệ thống lăng tẩm của vua chúa và quan lại không chỉ là một bộ phận di sản quan trọng mà còn thể hiện một quan niệm về đời sống thứ hai của vua chúa Nguyễn trong cảnh quan thiên nhiên. Có những ông vua sử dụng thủ pháp hữu cơ, sự mềm mại khiêm nhường để bố cục cho thế giới của mình (vua Tự Đức), có ông vua lại chú trọng trục Thần đạo để tạo ra không gian phân lớp như nghệ thuật xây dựng đô thị vĩnh cửu hết sức độc đáo của đời vua nhà Nguyễn.

Giá trị Kiến trúc – Quy hoạch

Giá trị độc đáo trong quy hoạch đô thị thành phố Huế nằm ở bộ phận cốt lõi đô thị , trong đó có sự cộng sinh và tính mức độ, nhường nhịn. Các đô thị hiện đại luôn tự hào bởi các tuyến đường thẳng và rộng, có dải phân cách dẫn tới quảng trường mênh mông mà người ta gọi là Trục đô thị. Các đô thị cũng luôn tồn tại các toà nhà tháp cao tầng bên cạnh các toà nhà thấp đan xen, mà công trình nào cũng muốn trở thành điểm nhấn đô thị.

Quy hoạch Huế hiện đại cần phải học cách ứng xử của Quy hoạch Huế cổ xưa. Ở Huế cổ xưa, triết học Phương Đông bao trùm với các niêm luật rõ ràng, cao thấp trong không gian chẳng khác gì thang bậc ứng xử trong đời sống. Ứng xử của người Huế, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Các công trình kiến trúc nhường nhịn thiên nhiên, hoà hợp với thiên nhiên, hoà hợp với thiên nhiên chứ không chinh phục thiên nhiên. Họ đã chủ trương xây các công trình, dinh thự khá xa bờ sông Hương, và trồng nhiều xây xanh để không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Bản thân triều đại phong kiến nhà Nguyễn cũng không báo thù. Họ biết tiếp thu những quan điểm mới và tiến bộ của quy hoạch và kiến trúc châu Âu. Kinh thành Huế được quy hoạch ngăn nắp, chịu ảnh hưởng ở mức độ nhất định kiểu quy hoạch kẻ ô của phương Tây. Điều đó cho thấy sự mực thước trong kiến trúc dân gian, chính thống, thực dân.

Ở Huế người ta còn có thể nhận thấy nhiều mảng kiến trúc và cảnh quan khác nhau, nhưng khi ghép lại, chúng có thể trở thành một bức tranh hoàn chỉnh và thống nhất. Phía Tây kinh thành dọc sông Hương là khu ở Kim Long với kiểu kiến trúc nhà vườn, vẫn còn nhiều ngôi nhà Rường xứ Huế giá trị. Nó đối lập với khu ở phía Tây là khu Bảo Vinh, khu ở kết hợp buôn bán với nhiều kiểu kiến trúc thị dân đan xen, trong đó vẫn còn một vài ngôi nhà có kiểu mái cổ chưa bị đập phá. Các kiến trúc có giá trị lịch sử đều gắn liền với sông Hương. Điều này chứng tỏ, sông Hương có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đô thị Huế cả về mặt sinh thái và lịch sử. Các chúa Nguyễn, các vua Nguyễn và ngay cả thực dân Pháp đều nhận thức được điều này và rất tôn trọng cái trục cảnh quan thiên nhiên này. Về giá trị của sông Hương, theo TS Phan Thanh Hải, gắn liền với sông là cả một hệ sinh thái động thực vật phong phú. Khu vực đầu nguồn sông Hương có rất nhiều cây gỗ quý, cây thuốc và bạt ngàn lau lách. Cả một vùng đầm phà với biết bao hệ thuỷ sinh tồn tại cùng mặt nước. Cái thiên nhiên hoang dã này lại ghi dấu ấn đồng thời của sự hình thành các thủ phủ của các thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn - đều gắn liền với sông Hương. Nơi đây ngày nay còn khá nhiều các công trình có giá trị lịch sử, đặc biệt là Chùa Thiên mụ như một địa điểm nhấn tuyệt vời ven sông Hương.

Kết luận

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể nhận dạng Huế không chỉ là một thành phố - kinh đô lịch sử, mà còn là một thành phố mà yếu tố lịch sử hoà quyện với thiên nhiên, bổ sung cho nhau, trong thiên nhiên có lịch sử và trong lịch sử có thiên nhiên. Kiến trúc và quy hoạch Huế còn thể hiện sự giao thoa và hài hòa giữa các nền văn hoá. Điều đó khiến Huế trở thành một thành phố sinh thái lích sử, cộng sinh văn hoá. Chắc chắn Huế sẽ còn phát triển và mở rộng hơn nữa. Nhưng khu vực lõi của đô thị cần và sẽ phải là bộ phận cốt lõi để nhận thức và bảo tồn trong quá trình phát triển.


(Nguồn Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Số 7 + 8/2014)

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)