Mô hình nhà nổi nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và đảm bảo vệ sinh môi trường

Thứ sáu, 15/08/2014 16:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với một số vấn đềcó quy mô toàn cầu và diễn biến phức tạp như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng từ 8- 10 cơn bão mỗi năm, vì thế quy hoạch và xây dựng cũng cần tính đến việc gia tăng tần suất cũng như cường độ của các cơn bão. Vì vậy, nghiên cứu và đề xuất mô hình nhà ở và nhà làm việc có khả năng thích ứng với nước biển dâng và bão là một vấn đề cần được giải đáp kịp thời nhằm bảo vệ con người và tài sản trước tác động của thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo các kịch bản mới nhất do Bộ Tài nguyên và môi trường cho thấy, mực nước biển dâng cho Việt Nam được tính toán theo kịch bản phát thải thấp nhất (B1), kịch bản phát thải trung bình (B2) và kịch bản phát thải cao nhất (A1F1).

Kết quả tính toán theo các kịch bản phát thải thấp, trung bình và cao cho thấy vào giữa thế kỷ XXI mực nước biển có thể dâng thêm 28- 33cm và đến cuối thế kỷ XXI mực nước biển dâng thêm từ 65- 100cm so với thời kỳ 1980- 1999.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Việt Nam đối với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng thì kịch bản phát thải thấp nhất (B1) có rất ít khả năng trở thành hiện thực trong thế kỷ XXI. Đồng thời các nhà khoa học cũng có thể hy vọng rằng những kịch bản phát thải cao sẽ rất ít khả năng xảy ra. Vì thế, kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với Việt Nam được khuyến nghị sử dụng trong thời điểm hiện nay là kịch bản ứng với mức phát thải trung bình.

Điều này cũng có nghĩa là trong tương lai, cụ thể là vào năm 2050 mực nước biển sẽ dâng thêm 30cm so với thời điểm hiện tại. Đây là vấn đề cần quan tâm trong việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt các tòa nhà làm việc và nhà ở, nhất là những vùng thấp trũng có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn bởi lũ lụt và nước biển dâng.

Hiện trạng nghiên cứu về nhà nổi trong và ngoài nước

Nhà là nơi để ở và sinh sống lâu dài, nên ngoài việc nghiên cứu các giải pháp bền chắc an toàn chống lũ, bão…còn chú ý tới các giá trị thẩm mỹ, phù hợp với văn hóa, lối sống và kiến trúc địa phương, cũng như đảm bảo sự tiện nghi và đầy đủ các chức năng cần thiết cho lối sống một gia đình cơ bản gồm: ông bà, hai vợ chồng và 2 con. Trên cơ sở cần có các nghiên cứu giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế trong xây dựng nhà ở của người dân, phù hợp với xu thế phát triển nhà ở trong giai đoạn từ 10 đến 20 năm tới.

Sau đây là một số mô hình nhà ở điển hình có khả năng thích ứng với nước biển dâng và bão đã và đang triển khai trên thế giới và ở Việt Nam.

- Mô hình nhà sàn

+ Có kết cấu nhà tương đối vững chắc và tiết kiệm chi phí xây dựng hơn so với nhà có nền móng đặt.

+ Hạn chế được nước lụt kéo theo các chất bẩn có trong có lụt vào nhà.

+ Có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và chống chịu được bão cấp 10- 11.

Tuy nhiên, mô hình này lại không được người dân ở vùng đồng bằng ưu chuộng vì còn một vài bất tiện trong khi sử dụng.

Mô hình nhà nổi kiểu Hà Lan

+ Thân nhà được xây bằng bê tông cốt thép rỗng, các hệ thống trụ thép chống đỡ cho ngôi nhà.

+ Hai cực neo ở phía trước và phía sau của tòa nhà, nhằm neo nhà vào một vị trí cố định khi nó nổi lên do nước dâng.

+ Mô hình nhà này có thể nổi lên theo mặt nước đến 5,5m. Do đó, có khả năng thích ứng với nước biển dâng tốt, cho phép các hộ gia đình sớm trở lại với cuộc sống thường nhật sau khi ứng chịu hậu qủa của lũ lụt.

+ Khả năng chống bão thấp vì không có giằng chống bão.

+ Khó phò hợp với điều kiện Việt Nam.

Mô hình nhà nổi của nhóm kiến trúc sư UCLA

Nhóm kiến trúc sư UCLA đề xuất ý tưởng sau khi chứng kiến những thiệt hại do bão Katrrina gây ra cho New rleans (Bradford McKee, 2009).

- Mô hình này thích ứng ứng tốt với nước biển dâng, bão và đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường.

- Nhà có thể nổi lên trên mặt nước 3,7m như một chiếc bè khi nước dâng lên.

- Nhà có mái quang điện, hấp thụ năng lượng mặt trời (có khả năng dự phòng năng lượng hoạt động cho ngôi nhà trong vòng 3 ngày); bên trong khung nhà là hệ thống các đường ống nước, các thiết bị điện và cơ khí, các thùng chứa nước mưa và các bộ pin được sạc bằng năng lượng mặt trời.

- Có khả năng chống bão lớn.

- Chi phí xây dựng rất lớn 15.000 USD.

- Khó phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Nhà văn hóa cộng đồng của dự án DW (Tổ chức DW, 2009)

Mô hình này đạt giải nhất trong cuộc thi “Mẫu nhà an toàn” do DW phát động.

Khả năng chống bão và thích ứng với lũ lụt tốt do có giằng chống bão và có tầng gác lửng tránh lũ lụt (xây trên nền cao 80cm so với mặt đường). Nhà vừa thích hợp với sở thích của người dân vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì thế, có khả năng nhân rộng ở các vùng co nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão lũ, nước biển dâng và bão.

Mô hình nhà bê tông nhẹ

Kiểu nhà sinh thái nổi trên mặt nước này rất dễ di chuyển bằng đường bộ và đường sông vì được thiết kế theo những chiếc module có cấu trúc di động linh hoạt, tiện lợi. Việc thay đổi kích thước các phòng, vách đều được thực hiện chỉ bằng vài bước rất đơn giản mà không cần tới sự có mặt của các chuyên gia.

Mái nhà được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời với mục đích tạo ra nhiệt và điện để cung cấp cho ngôi nhà, dự án có sử dụng hệ thống đèn tiết kiệm: LED và bóng sợi qaung học. Ngôi nhà còn có kết cấu khung thép định vị trên hệ thống móng nổi, các phần khác được sử dụng cấu kiện đúc sẵn, do vậy hạn chế được chất thải trong quá trình xây dựng. Các vật liệu được sử dụng xây dựng ngôi nhà là không độc hại, có nguồn gốc địa phương.

Nhà nổi trên mặt nước Light home được xây dựng trên hệ thsoong module nổi, nhà nổi bê tông Light home là giải pháp hữu ích trong việc khai thác hoạt động sinh hoạt của con người trên ao, hồ, sông, biển. Thiết kế tùy biến theo nhu cầu thực tế của người sử dụng, nhà nổi bê tông Light home đáp ứng tốt các yêu cầu về độ bền, tính thẩm mỹ cũng như tính kinh tế.

Mô hình nhà nổi phù hợp các vùng miền của Việt Nam

Chúng ta cần phải có các mô hình nhà nổi chống lũ cho các vùng miền khác nhau do đặc điểm tập quán, văn hóa và điều kiện tự nhiên. Dựa trên các yếu tố này tác giả đề xuất các mô hình cho các vùng và tập trung lựa chọn phân tích một phương án tối ưu nhất.

Phương án 1: Nhà nổi di động.

Trong mô hình này, có thể xây dựng các căn hộ riêng hoặc thành các cụm nhà nổi di động. Do mùa lũ có thể kéo dài một vài tháng tại một số địa phương thì mô hình này có thể sử dụng đẻ tăng tính liên kết giữa các hộ gia đình. Phần không gian chung có thể sử dụng thành các kho chứa lương thực, giống, nước sạch…

+ Ưu điểm:

- Giúp người dân sống qua mùa lũ và dễ dàng phục hồi sau lũ.

- Mang tính cộng đồng xã hội, nhất là tại các địa phương có mùa lũ kéo dài.

- Làm giảm lượng lớn chi phí cứu hộ hàng năm.

+ Nhược điểm:

- Cần có khu vực để xây mới.

- Xây mới hoàn toàn làm tăng chi phí xây dựng.

Phương án 2: Nhà nổi bán di động.

Trong mô hình này, tác giả đề xuất mô hình nhà nổi cho khu vực có mùa lũ ngắn. Khác với các vùng khác, do thời gian lũ lên nhanh, sức tàn phá mạnh hơn so với lũ theo mùa cho nên chúng ta có thể sử dụng mô hình bán di động. Có thể sử dụng mô hình nhà như nhà nổi một phần, có thể nổi ½ hoặc chỉ nổi phần trên khi lũ về. Trong mô hình này, nhà có thể nổi cố định tại một ví trí nhờ các cột leo hay có thể di động đến các vị trí thuận tiện cho sinh hoạt của người dân. Với mô hình nhà loại này chúng ta có thể tiết kiệm được chi phí do có thể tận dụng được nhà cũ, chỉ cần bổ sung thêm phần nổi di động.

+ Ưu điểm:

- Phù hợp cho khu vực có mùa mưa lũ ngắn.

- Dễ dàng trong việc cứu hộ.

- Tận dụng nhà có sữa, dễ dàng phục hồi một phần tài sản sau lũ.

+ Nhược điểm.

- Không gian sống bị hạn chế.

- Không đảm bảo tính cộng đồng.

- Một số tài sản vẫn bị ảnh hưởng do ngập nước.

Phương án 3: Nhà cố định

+ Ưu điểm:

- Không gây thiệt hại về người.

- Dễ dàng cho việc cứu hộ.

- Tận dụng nhà có sẵn.

+ Nhược điểm:

- Gây thiệt hại về tài sản do một phần vẫn bị ngập trong nước.

- Khó phục hồi sau mùa mưa lũ.

- Chi phí xây dựng cao.

Trong các phương án trên, lựa chọn phương án tốt nhất và phân tích cụ thể cả về khía cạnh tài chính đó là phương án nhà nổi di động. Trong phương án này, có thể sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, luồng, thùng phi cũng như các vật liệu mới những giá thành hợp lý để xây dựng.

Trong phương án này, các thùng phi không chỉ có chức năng giúp nhà nổi trên mặt nước mà chúng còn được sử dụng để chứa nước sạch sử dụng trong khi có lũ, cũng như có thể sử dụng để làm chỗ chứa chất thải sinh hoạt của con người. Phương án này đảm bảo được khía cạnh vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…một trong các yếu tố quan trọng nhất với người dân khi sống chung vơi lũ. Sau khi kết thúc đợt lũ, nước đã rút đi thì có thể tiến hành xử lý các chất thải trong quá trình sinh hoạt, cụ thể như sau:

- Nước thải trong thùng phi (màu đen) được lấy ra ngoài và có thể sử dụng làm phân bón nếu đã đủ thời gian phân hủy hoặc được đưa vào bể phốt để xử lý tiếp theo.

- Chất thải rắn được phân loại: chất thải hữu cơ, chất thải rắn. Chất thải hữu cơ được trữ cùng với nước thải sinh hoạt. Chất thải rắn được trữ trong các túi dễ phân hủy hay lưới đựng rác sau khi nước rút sẽ phân loại để xử lý tái chế hay chôn lấp.

Ước tính chi phí xây dựng căn hộ cho một hộ gia đình, với các thông số cụ thể như sau:

- Diện tích sử dụng 40m2.

- Số tầng: 2 tầng.

- Thời hạn xây dựng: 2 tháng.

- Kinh phí xây dựng: 19.232.000 VNĐ.

Một số ưu điểm của phương án lựa chọn:

- Đơn giản, giá thành xây dựng thấp.

- Tận dụng vật liệu sắn có.

- Đảm bảo khả năng chống lũ.

- Đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường.

- Có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời cung cấp cho chiếu sáng, nấu ăn và các hoạt động khác.

Kết luận

Qua đánh giá có thể thấy một số điểm mới trong mô hình lựa chọn như sau: Với lượng nước sạch tích trong các thùng phi đã đảm bảo nhu cầu sống của hộ dân trong khoảng 3 tháng. Mô hình sử dụng chủ yếu những vật liệu tái chế được, thân thiện với môi trường. Những vật liệu này đều có giá thành thấp nhưng vẫn đảm bảo được về mặt kết cấu ngôi nhà cũng như khả năng sử dụng. Khả năng thân thiện môi trường cao, ít thải chất thải ra môi trường mà vẫn đảm bảo cuộc sống cho người dân mà vẫn giữ vững nét văn hóa cộng đồng riêng của người Việt Nam.

Nghiên cứu này đã đưa ra được một số mô hình nhà thích ứng với biến đổi khí hậu cho một số vùng miền tùy theo điều kiện kinh tế, nhằm đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường cho người dân trước, trong và sau lũ. Có thể triển khai thí điểm tại một số địa phương để rút kinh nghiệm áp dụng cho các đối tượng phù hợp.


Nguồn: Tạp chí Xây dựng & Đô thị, số 36/2014

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)