An Giang: Ứng dụng thành công lò nung gạch đốt trấu liên tục

Thứ ba, 03/02/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL (trong đó có tỉnh An Giang) là vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất của cả nước, vì thế lượng trấu sau khi chế biến gạo thải ra rất lớn, thường phải đốt bỏ hoặc đổ ra kênh rạch, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, tại vùng này, việc sản xuất gạch, ngói chủ yếu vẫn sử dụng các lò thủ công, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm do hai tác nhân trên gây ra, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Sở KH&CN An Giang đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ và cải tiến, ứng dụng thành công lò nung gạch đốt trấu liên tục kiểu mới của Thái Lan, đem lại hiệu quả thiết thực.

Từ thực trạng ô nhiễm do các cơ sở sản xuất gạch, ngói và phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn...

 An Giang, nghề sản xuất gạch, ngói đã có từ lâu, tạo ra nguồn sản phẩm cung cấp cho xây dựng, đồng thời giải quyết việc làm ổn định cho trên 8.000 lao động/năm (vào thời vụ chính, lực lượng lao động có thể lên đến 14.000 người). Theo số liệu thống kê cho thấy, An Giang có hơn 490 cơ sở sản xuất gạch ngói, với trên 1.200 lò nung thủ công, sản lượng đạt trên 400 triệu viên gạch, ngói các loại/năm - chiếm gần 50% tổng sản lượng gạch, ngói của toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, xã hội mà nghề này mang lại, ô nhiễm môi trường do các lò gạch, ngói thủ công gây ra đang là vấn đề bức xúc. Hiện tại, với hơn 1.200 lò nung đang hoạt động, khói bụi phun ra từ các cơ sở này đã và đang gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe cộng đồng ở nhiều khu dân cư xung quanh. Chưa kể, lao động trong các lò gạch thủ công phải làm việc trong môi trường không an toàn, đã có không ít tai nạn do máy ép gạch, ép đất gây ra; người lao động làm việc trong điều kiện nóng bức, khói bụi...

Với sự ưu đãi đặt biệt của thiên nhiên, tại An Giang cũng như các tỉnh/thành phố khác thuộc vùng ĐBSCL, sản xuất nông nghiệp (nhất là cây lúa) rất phát triển, và đi cùng với đó là sự phát triển của nhiều cơ sở chế biến lúa gạo. Từ các cơ sở này, một lượng rất lớn phế thải (trấu) thải ra mà cho tới nay vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả (thường thải ra kênh rạch hoặc đem đốt, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường).

... Đến ứng dụng lò nung gạch đốt trấu liên tục

Nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn trấu phế thải rất dồi dào, đồng thời góp phần khắc phục ô nhiễm do các lò nung gạch, ngói thủ công gây ra, đầu năm 2007, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN An Giang) đã phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng (Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện Dự án: “Nghiên cứu cải tiến lò nung gạch đốt trấu ở ĐBSCL”. Dự án do Bộ KH&CN và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ, với tổng kinh phí khoảng 200 triệu đồng. Thực hiện Dự án, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN đã nhận chuyển giao công nghệ lò nung gạch đốt trấu liên tục kiểu mới của Trường Đại học Songkla (Thái Lan). Lò vận hành theo nguyên lý ứng dụng công nghệ lò Hoffman (công nghệ lò nằm, có ống khói cao, lọc khói qua nước và sử dụng nhiều loại nguyên liệu). Lò được xây theo dạng hình vuông, có bốn buồng đốt, mỗi buồng đốt chứa 2.300-2.500 viên gạch, thời gian nung cho mỗi buồng từ 10 đến 12 giờ tùy theo loại đất.

Loại lò này có nguyên lý hoạt động như sau: Khi vận hành buồng nung (ví dụ buồng 1), chế độ cháy trong buồng nung được điều chỉnh dần dần (nạp nhiên liệu và điều chỉnh gió) cho đến khi gạch trong buồng nung đạt độ chín (công nhân có thể theo dõi nhiệt bằng cách nhìn qua lỗ quan sát lửa hoặc bằng đồng hồ đo nhiệt). Trong khi tiến hành nung gạch ở buồng 1 thì buồng 2 (kế cận) tiến hành nung sơ bộ (sử dụng nhiệt thải ra từ buồng 1), không khí nóng sau khi qua buồng nung sơ bộ sẽ đi vào buồng 3 (buồng sấy). Như vậy, khí thải ra từ buồng nung sẽ đi qua buồng nung sơ bộ và buồng sấy trước khi ra bên ngoài, nên có nhiệt độ thấp (chỉ trong khoảng 100-1200C); do đó, khả năng tận dụng nhiên liệu rất cao. Bên cạnh đó, do khí thải đi qua hai khối gạch của hai buồng kế cận nên sẽ có hiện tượng lọc sơ bộ, vì thế khí thải khi ra ngoài môi trường sẽ giảm ô nhiễm.

Ưu điểm của lò: Do đặc thù của lò được vận hành liên tục (đốt từng buồng) nên tận dụng được nhiệt ở đầu ra để sấy gạch mộc ở buồng kế cận và có thể lấy nhiệt ở buồng làm nguội để sấy nóng không khí trước khi đi vào buồng nung. Do đó, lò đạt hiệu suất nhiệt khá cao và tiết kiệm nhiên liệu. Mỗi lò đơn cần có diện tích tối thiểu là 100 m2; công suất lò nung là 4.000 - 5.000 viên/ngày đêm, tỷ lệ gạch sau khi nung đạt loại I > 95%, tỷ lệ rạn (vỡ) < 0,5%; định mức tiêu hao nhiên liệu < 0,25 kg trấu/kg gạch sau nung; chất lượng khí thải đạt tiêu chuẩn TCVN 5939:2005 (có hệ thống xử lý).

Chất lượng gạch nung (được quy ước là loại I): Gạch rỗng có hệ số độ rỗng từ 38 đến 50% đạt cường độ chịu nén và uốn của mác gạch M35; gạch rỗng có hệ số độ rỗng < 38% đạt cường độ chịu nén và uốn của mác gạch M50; gạch đặc (gạch đinh) đạt cường độ chịu nén và uốn của mác gạch M50 hoặc hơn.

Qua hai năm thực hiện Dự án, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN An Giang) và Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng (Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ, cải tiến thành công và đưa vào sử dụng 1 lò nung gạch đốt trấu liên tục kiểu mới tại huyện Châu Phú (An Giang), bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Từ kết quả đạt được, hiện nay, chúng tôi đang triển khai ứng dụng mô hình này tại các tỉnh Tây Ninh, Sóc Trăng, Đồng Tháp...

Mô hình cần được nhân rộng

Lò nung gạch đốt trấu liên tục kiểu mới có thể khắc phục các nhược điểm của lò thủ công hiện đang được sử dụng phổ biến tại An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung như: Hiệu suất sử dụng năng lượng cao (tiết kiệm 30% nhiên liệu so với lò thủ công); tỷ lệ sản phẩm đạt loại I cao; giảm phát thải ô nhiễm; chi phí xây dựng thấp (mỗi lò chỉ khoảng 150.000.000 đồng, kể cả hệ thống xử lý khí thải) và có thể nung được nhiều chủng loại sản phẩm khác như gạch tàu, ngói, gốm... Mặt khác, loại lò này còn sử dụng nhiên liệu là nguồn phế thải của ngành chế biến lúa gạo (trấu) có khối lượng rất lớn và cũng là một tác nhân gây ô nhiếm môi trường trong vùng hiện nay. Với hiệu quả kép như vậy, mô hình này rất có ý nghĩa, cần được quan tâm nhân rộng trong toàn vùng.

 

Theo Tạp chí HĐKH tháng 1-2009

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)