Bàn về ranh giới giữa đô thị và nông thôn

Thứ hai, 19/01/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ sau khi đất nước giành được độc lập, trong suốt chặng đường dài phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như của công tác quy hoạch nói riêng, khẩu hiệu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xoá bỏ ranh giới giữa đô thị và nông thôn luôn được đề cao. Song song với xây dựng và phát triển các đô thị, nhà nước cũng đặc biệt quan tâm đến khu vực nông thôn rộng lớn với dân số chiếm hơn 80% dân số Việt Nam.

Những nỗ lực để lấp đầy khoảng cách, xoá bỏ ranh giới giữa đô thị với nông thôn bằng công nghiệp hoá, hiện đại hoá từ đó đến nay đã góp phần thay đổi một cách đáng kể các làng xóm nông thôn Việt Nam. Đó là áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nâng cao năng suất lao động, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, làm cho bộ mặt làng xã khang trang, nâng cao mức sống của người nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó cũng còn có những nguy cơ và thách thức khác mà một trong số đó là khả năng mất đi những đặc trưng không gian của cả nông thôn lẫn thành thị.

Nhìn lại lịch sử phát triển, ngay từ buổi đầu mới hình thành, đô thị đã có ranh giới để phân biệt với vùng nông thôn rộng lớn xung quanh. Hình ảnh đặc trưng nhất của ranh giới đô thị đấy là bức tường thành xây dựng từ thời kỳ phong kiến. Thời kỳ này, đô thị là trung tâm đầu não của mỗi vùng lãnh thổ, nơi đặt bộ máy hành chính, quân sự của chính quyền với những thiết chế nghiêm ngặt, vì vậy cần phải có “ tường cao hào sâu” xung quanh, vừa mang chức năng phòng vệ vừa là yếu tố định hình không gian. Muốn vào đô thị phải qua các cổng thành, đây vừa là cửa ngõ vừa là nơi kiểm soát hàng ngày luồng người và luồng hàng vào ra. Dần dần cổng thành, tường thành đã định hình trong tâm thức của mỗi con người như là ranh giới không gian đô thị mặc dù ở các thời kỳ phát triển sau, với diện tích liên tục mở rộng, các đô thị đã không còn giữ được kiểu cấu trúc kiểu này. Nông thôn cũng có những ranh giới riêng để nhận biết, đó là lũ tre làng xung quanh các làng xóm miền Bắc, những kênh rạch tự nhiên hay các rặng dừa quanh các xóm ấp miền Nam.

Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, các đô thị nhanh chống phát triển vượt ra khỏi bức tường ranh giới cũ thời kỳ phong kiến trước đó. Với sự bùng nổ của phương tiện giao thông cơ giới, quy mô đô thị ngày càng lớn, cấu trúc đô thị càng trở nên phức tạp hơn. Cuộc cách mạng của công nghệ thông tin và xu hướng phát triển kinh tế toàn cầu hoá lại một lần nữa thúc đẩy sự lan rộng của các đô thị, nhất là các thành phố lớn. Cùng với đô thị, khu vực nông thôn cũng không ngừng phát triển và hoàn thiện. Nếu như trước đây đô thị được phân biệt với nông thôn bởi hình thái mặt bằng thường có dạng hình học, bởi mật độ xây dựng cao, khối lượng xây dựng lớn, bởi lối sống công nghiệp, khoa học khẩn trương; bởi không khí mua bán sầm uất và tấp nập.... thì ngày nay những biểu hiện đó không còn là của riêng thành phố.

Các đô thị từ chỗ có ranh giới rõ ràng, có cấu trúc vững chắc, có hình thái mạch lạc dễ nhận biết, chuyển thành không có ranh giới, cấu trúc động, mở, chồng chéo, đan xen giữa các chức năng, khó nhận biết hình thái. Ranh giới hành chính trên bản đồ thì có và luôn được mở rộng để phù hợp với các giai đoạn điều chỉnh quy hoạch, nhưng ranh giới cụ thể của không gian đô thị, ranh giới để con người có thể cảm nhận và phân biệt được giữa đô thị và nông thôn thì nhiều nơi không còn nữa. Đặc biệt ở Việt Nam, nơi nông thôn luôn níu kéo và có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như không gian đô thị.

Việc xoá bỏ khoảng cách giữa đô thị – nông thôn dẫn đến việc dần dần mất đi những đặc trưng không gian của cả hai loại hình định cư, các đô thị phải đối mặt với khả năng đánh mất tính thành thị còn làng xóm cũng không còn tính nông thôn của mình. Hiện tượng “nhập nhèm” này đã được các nhà nghiên cứu đô thị trên thế giới phê phán và gọi bằng những cái tên khác nhau. Lewis Mumford gọi là “phi thành phố” (anti-city); Keneth Jacskson gọi là “thành phố không trung tâm” (centerless city); Melvin Weber gọi là “không đô thị” (non-place urban reaml). Hoặc là “thành phố kết dính” (collage city) – theo Rowe và Koetter; “siêu ngoại ô” (megaburb), (technoburb) – theo Fishman; “ngoại ô thời kỳ kỹ thuật số” (cyburbia) theo Sorkin và Dewey; hoặc “cựu đô thị” (exopolis) theo Soja... Đầu thế kỷ XXI các nhà khoa học ở châu Âu và Bắc Mỹ đã bắt tay vào xem xét việc tái tạo lại ranh giới vật thể của không gian đô thị. Theo nghiên cứu của dự án “Thiết kế lại đô thị không có ranh giới” (Redesigning the Edgeless City) của Hiệp hội Quy hoạch vùng (Trường đại học Chính sách đất đai mang tên Lincon của Mỹ) năm 2003, cần khoanh định khu trung tâm đô thị và khu vực ngoại ô, xác định các chức năng và có thiết kế hợp lý cho khu ngoại ô, liên kết các không gian mở tạo thành vành đai xanh cho đô thị. Đây là giải pháp trước thực tiễn các đô thị có xu hướng liên kết phát triển hoặc mở rộng thành đô thị cực lớn, siêu đô thị, dải đô thị, hoặc vùng đô thị, ôm các khu vực nông thôn vào trong vùng ảnh hưởng của mình, không phân biệt được đâu là nông thôn đâu là đô thị.

Qua kinh nghiệm phát triển của một số thành phố, vành đai xanh ban đầu có chức năng hạn chế sự phát triển quá mức cũng như cải tạo vi khí hậu đô thị, dần dần nó còn phát huy tác dụng đặc biệt như một ranh giới phân biệt giữa bên ngoài và bên trong không gian đô thị. Ngoài vành đai xanh, nhiều chính quyền đô thị còn rất chú ý đến việc gây ấn tượng về ranh giới không gian đô thị cho du khách khi đến trên những hành lang giao thông chính: tạo hình ảnh đô thị tương phản đột xuất với không gian xung quanh, đặt những cổng chào ở các cửa ngõ vào thành phố, thiết kế đường viền thành phố, hình ảnh thành phố có bản sắc, dẫn dắt tầm nhìn từ xa đến gần. Tạo cho mỗi đô thị có hình ảnh đặc trưng riêng nhận dạng được, cảm nhận được ngay từ cửa ngõ và khắc sâu trong tâm thức khiến du khách sau này không thể quên, không thể nhầm lẫn với một địa danh khác - đó chính là sự thành công của các nhà thiết kế đô thị để tái tạo lại ranh giới đô thị.

Thời gian qua một số thành phố lớn của Việt Nam (đặc biệt là Hà Nội) đã có những nghiên cứu thiết kế cửa ô thành phố, đây là những tín hiệu tốt trong giới chuyên môn cho thấy xuất hiện ý tưởng về định hình không gian đô thị. Tuy nhiên nếu chỉ đặt một vài cửa ô được thiết kế công phu thì cũng chỉ có tác dụng để đánh dấu ranh giới hành chính của đô thị mà thôi. Điều cần và quan trọng hơn cả là phải xem xét vấn đề tạo lập ranh giới và bản sắc thành thị cho đô thị một cách khoa học và hệ thống. Trên thế giới vấn đề này gần đây đã được nghiên cứu và có nhiều bài học kinh nghiệm để tham khảo.

Tạo lập sự khác biệt về không gian giữa đô thị và nông thôn là cần thiết để làm nên sự đa dạng cho các loại hình quần cư. Tuy vậy, tái tạo ranh giới đô thị không phải là dựng lại bức tường bao ngăn đô thị với nông thôn xung quanh. Cũng không phải phân chia tách bạch, rạch ròi giữa đô thị này với đô thị kia thành những không gian khép kín, tự cung tự cấp như đô thị thời kỳ phong kiến. Trong xu thế phát triển của thời đại toàn cầu hoá, các đô thị cần phải liên kết để cùng phát triển kinh tế, để tận dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, để khai thác và bảo vệ môi trường thiên nhiên.... Tuy nhiên những liên kết đó không được phép làm “tan chảy” những không gian đã định hình và có bản sắc riêng của mỗi đô thị. Đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác thiết kế đô thị hiện nay – tạo nên được một ranh giới vô hình hoặc hữu hình khẳng định không gian đô thị.


Nguồn: Tham luận của TS.KTS. Lương Tú Quyên - Khoa QHXD Đô thị - Nông thôn, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tại Hội thảo KH "Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam -Cơ hội & Thách thức", tháng 11-2008  

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)