Xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị ở nước ta - Thực trạng và giải pháp

Thứ tư, 21/01/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hơn 20 năm đổi mới (từ 1986 đến nay), đất nước ta đã có nhiều đổi thay, đang bước vào thời kỳ CNH – HĐH và hội nhập với những thành tựu đáng kể về mọi mặt, nhất là phát triển kinh tế – văn hoá - xã hội và phát triển đô thị. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Diện mạo các đô thị thay đổi nhanh chóng bởi sự xuất hiện của nhiều khu đô thị mới với những toà nhà cao tầng hiện đại và một số công trình HTKTĐT mới được xây dựng, nâng cấp (các tuyến phố, các nút giao thông khác mức...). Chưa bao giờ tốc độ đô thị hoá tăng nhanh như 1 – 2 thập niên gần đây. Nếu như thời kỳ từ sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975) đến năm 1986, tỷ lệ đô thị hoá tăng 7% (trong đó thời kỳ đầu từ 1986 – 1985 chỉ tăng 1% nhưng thời kỳ sau từ 1996 – 2007 tăng 6%). Số lượng các đô thị cũng tăng nhanh: Năm 1985 cả nước chưa đến 500 đô thị, đã tăng lên 546 đô thị (năm 1995) và 679 đô thị (năm 2004). Tính đến nay (tháng 9/2008) cả nước có 743 đô thị, trong đó có 99 đô thị từ loại 4 trở lên. Tuy nhiên, chất lượng đô thị hoá chưa cao: tại hầu hết các đô thị, cơ sở hạ tầng đô thị (hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật), đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật đô thị còn thiếu, yếu và chậm phát triển, có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân và chất lượng môi trường đô thị. Điều đó cũng có nghĩa là hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp cho nhu cầu và cho mục tiêu phát triển đô thị bền vững.

1. Vai trò và đặc tính của hạ tầng kỹ thuật đô thị

1.1. Vai trò của hệ thống HTKTĐT

Hệ thống HTKTĐT là một hệ thống kỹ thuật đô thị đồng bộ, (bao gồm giao thông, cấp nước, thoát nước, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, xử lý chất thải và các công trình khác) liên quan chặt chẽ với nhau, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của đô thị.

Hệ thống HTKTĐT là nền tảng, là yếu tố quan trọng bảo đảm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống con người và việc thực hiện các mục tiêu phát triển toàn diện và dài lâu của đô thị, cũng như đảm nhận chức năng thu gom vận chuyển và xử lý chất thải để BVMTĐT. Thực tế cho thấy rằng nơi nào HTKTĐT yếu kém hoặc thiếu thì nơi đó môi trường bị ô nhiễm và xuống cấp, HTKTĐT không chỉ phản ánh mức độ tiện nghi; hiện đại và văn minh của mỗi đô thị, mà còn góp phần quyết định bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị.

1.2. Đặc tính của HTKTĐT

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy HTKTĐT có những đặc tính cơ bản là: tính đồng bộ và tổng hợp (1), tính xã hội (2), tính kinh tế (3), tính phức tạp (4), tính không gian và đi trước thời gian (5), tính an ninh quốc phòng (6).

Tính đồng bộ và tổng hợp: HTKTĐT bao gồm nhiều chuyên ngành kỹ thuật đô thị khác nhau nhưng cùng một mục đích là đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống phát triển sản xuất. Giữa chúng có quan hệ rất mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau và có những yêu cầu với nhau trong các mối quan hệ đó.

Mỗi chuyên ngành HTKT đáp ứng những nhu cầu riêng của đô thị và tạo đà cho nhau phát triển. Trong một đô thị không thể thiếu một trong những thành phần của HTKTĐT vì thiếu nó sẽ rất khó khăn cho đời sống người dân và sự phát triển đô thị. Ngay bản thân từng chuyên ngành HTKTĐT cũng đòi hỏi tính đồng bộ cao từ tổng thể đến chi tiết, từ công trình đầu mối đến các tuyến, từ các tuyến chính đến các tuyến nhánh, từ tuyến nhánh đến hộ tiêu dùng. Công tác quản lý HTKTĐT cũng đóng vai trò quan trọng như quy hoạch, xây dựng hệ thống HTKTĐT. Khi toàn bộ hệ thống HTKTĐT đã được đầu tư xây dựng, nếu tổ chức quản lý kém thì cũng không phát huy được hiệu quả của chúng.

Tính xã hội: Hệ thống HTKTĐT hầu hết là các công trình phục vụ cộng đồng nên nó mang tính xã hội cao trong mọi khu vực của đô thị.

Tính phức tạp: Hệ thống HTKTĐT rất phức tạp trong chủng loại, trong kỹ thuật (thiết kế, thi công xây dựng) và quản lý và nó tập hợp nhiều chuyên ngành kỹ thuật đô thị, mỗi chuyên ngành đều có những yêu cầu riêng về kỹ thuật, công nghệ và quản lý. Hệ thống HTKTĐT lại phân bố hầu hết khắp toàn bộ bề mặt đô thị (nơi có nhu cầu); đối tượng phục vụ lại đa dạng nên hệ thống HTKTĐT lại càng thể hiện rõ tính phức tạp của nó.

Tính kinh tế: Đầu tư xây dựng hệ thống HTKTĐT là đầu tư cho phát triển và đòi hỏi phải đi trước một bước. Vốn đầu tư xây dựng hệ thống HTKTĐT đòi hỏi rất cao, thường chiếm từ 25 – 40% tổng ngân sách. Hiệu quả đầu tư không thu hồi vốn ngay được mà đòi hỏi phải có thời gian tương đối dài (khoảng 5 – 20 năm trở lên tuỳ loại và cấp hạng công trình). Trong đầu tư hệ thống HTKTĐT còn đòi hỏi đầu tư đúng yêu cầu (về thời điểm, về vị trí, về kỹ thuật – công nghệ...) mới tiết kiệm được tiền của do ít phải đầu tư cải tạo, sửa chữa sau này. Khi hệ thống HTKTĐT được đầu tư tốt sẽ làm tăng giá trị đất đai, tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn – thu hút các nhà đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người lao động thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và phát triển đô thị.

Tính không gian và đi trước thời gian: Toàn bộ hệ thống HTKTĐT được phân bố theo không gian phát triển của đô thị và của vùng, hệ thống HTKTĐT có đặc điểm đa dạng: có quy mô lớn, có thời gian thi công kéo dài do đó đòi hỏi phải có dự báo, tính toán trước nhu cầu cho từng giai đoạn và toàn bộ quá trình phát triển của đô thị để có thể đáp ứng theo phân đợt xây dựng cho toàn đô thị (hoặc từng khu vực đô thị). Vì vậy, phải có tầm nhìn chiến lược, phải có quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, trên cơ sở đó, lập kế hoạch đầu tư; ở bất kỳ khu vực nào trong đô thị cũng phải thực hiện “dưới - HTKTĐT xây dựng trước, trên – thượng tầng kiến trúc xây dựng sau”. Có như vậy mới tránh được những thiệt hại sau này, tránh “đào lên bới xuống” vừa tốn kém, vừa ảnh hưởng đến các hoạt động cũng như mỹ quan của đô thị.

Tính an ninh quốc phòng: Hệ thống HTKTĐT gắn bó mật thiết giữa phát triển và bảo vệ thành quả phát triển. Do vậy, trong xây dựng và phát triển hệ thống HTKTĐT phải chú ý đến an ninh quốc phòng, cần có các giải pháp trong thiết kế quy hoạch và thi công xây dựng thích hợp để đáp ứng yêu cầu đó.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã thành công trong xây dựng và phát triển đô thị cho thấy: Ngay sau khi quy hoạch xây dựng đô thị được thông qua, thì trước hết phải ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống HTKTĐT. Nó là “nền tảng”, là “bệ phóng” của đô thị nên phải được xây dựng trước một bước, đầy đủ, đồng bộ, hướng tới hiện đại và luôn phải đáp ứng không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai. Nhiều nhà chiến lược đã cho rằng “đầu tư cho hệ thống HTKT là đầu tư cho phát triển và cho mai sau, nhưng nếu đầu tư kém hiệu quả thì sẽ là gánh nặng cho tương lai”. Vì vậy, đầu tư phát triển hệ thống HTKTĐT là đầu tư vì chất lượng cuộc sống con người và cho sự phát triển vền vững, trường tồn của đô thị.

2. Thực trạng hệ thống HTKTĐT ở nước ta và những thách thức

2.1. Thực trạng

Mặc dù hệ thống HTKTĐT không ngừng được đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển, nhất là trong thời kỳ 20 năm đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều bất cập (thiếu, yếu, lạc hậu và phát triển chậm) nên chưa đáp ứng kịp với quy mô phát triển không gian kiến trúc và sự gia tăng dân số đô thị trong điều kiện đô thị hoá nhanh. Thực trạng hệ thống HTKTĐT ở nước ta thể hiện:

a. Giao thông đô thị: Mạng lưới đường giao thông trong và ngoài đô thị tuy luôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng với quy mô đô thị và nhu cầu đi lại ngày càng tăng trong mỗi đô thị và giữa các đô thị với nhau, cũng như giữa đô thị và vùng phụ cận.

* Tỷ lệ đất giành cho giao thông đô thị < 10% đất đô thị. Tại các đô thị lớn như Hà Nội chỉ đạt khoảng 7,5%, TP Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 6,5%, trong khi đó NĐ 72/2001 về phân cấp đô thị quy định đối với các đô thị đặc biệt là 24 – 26% so với đất xây dựng đô thị, theo mục tiêu giao thông đô thị đến năm 2010 đối với các đô thị lớn đất giành cho giao thông từ 12 – 15%, đến năm 2020 là 20 – 30% đất đô thị.

* Hiện tượng ách tắc giao thông trong giờ cao điểm còn tồn tại phổ biến ở nhiều đô thị lớn (nhất là Hà Nội, TP HCM) và có xu hướng ngày càng tăng.

* Giao thông công cộng chậm phát triển, phương tiện còn đơn điệu và chưa có khả năng chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hành khách, hiện chiếm tỷ lệ rất thấp ( < 5% nhu cầu vận chuyển hành khách), trong đó TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm 3% nhu cầu, Hà Nội là thành phố có vận tải hành khách công cộng phát triển nhất cả nước, chủ yếu chỉ là xe buýt và cũng chỉ chiếm 10% (với 63 tuyến, gần 1000 xe buýt hoạt động). Tuy vậy mật độ mạng lưới giao thông xe buýt mới đạt 0,66 km/km2 trong khi quy chuẩn XDVN quy định tối thiểu giao thông công cộng phải đạt 2 km/km2 đất xây dựng đô thị.

* Tỷ lệ đất giành cho giao thông tĩnh còn quá thấp (< 1% diện tích đất XD đô thị) trong khi yêu cầu phải đạt tối thiểu 3 – 3,5% diện tích đất XD đô thị. Vì vậy các bến bãi, trạm đỗ xe rất thiếu, dẫn đến tình trạng đỗ xe trên nhiều tuyến phố, chiếm dụng lòng đường vốn đã chật hẹp, cản trở giao thông. Thời gian gần đây tình hình đã được cải thiện hơn, đã đầu tư xây dựng một số ngả giao nhau khác mức, đường chui vượt qua đường cho khách bộ hành, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

b. Cấp nước đô thị: Đã có 61/64 tỉnh/thành phố có dự án cải tạo nâng cấp (hoặc xây dựng mới) hệ thống đường ống cấp nước và các nhà máy nước nên tình hình cấp nước được cải thiện: năm 2000 bình quân chỉ có 53% dân số được cấp nước, năm 2005 có 65%, năm 2007 đạt 70% dân số đô thị được cấp nước, trong đó các đô thị lớn đạt 75 – 80%; khối lượng khai thác nước mới đạt 85% công suất. Trong khi đó tỷ lệ thất thoát và thất thu nước trung bình tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn còn cao (35,6% năm 2004, 32% năm 2007), gấp gần 2 lần so với các nước trong khu vực.

* Mức sử dụng nước sạch bình quân 80 – 100 lít/người.ngày đêm, các đô thị lớn đạt 100 – 120 lít/người/ngày đêm (trong khi yêu cầu đạt 100 – 150 lít/người/ngày đêm). Đặc biệt, còn một số đô thị có tỷ lệ hộ dùng nước máy thấp như Thủ Dầu Một (49,5%), Vị Thanh (34,1%), Đồng Hới (54%).

c. Thoát nước đô thị: Tỷ lệ bao phủ dịch vụ thoát nước đô thị mới đạt 40 – 50% so với nhu cầu nên tình trạng úng ngập vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều đô thị khi mưa to, triều cường; diện ngập tương đối rộng, thời gian ngập tương đối lâu, có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất và sức khoẻ cộng đồng (nhất là các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Huế, Việt Trì và một số đô thị đồng bằng như Thái Bình, Phủ Lý, Ninh Bình, Vị Thanh, Trà Vinh...).

* Hầu hết các đô thị đều sử dụng hệ thống thoát nước chung (cả nước mưa, nước thải sinh hoạt và sản xuất), chưa qua xử lý mà xả thẳng ra nguồn tiếp nhận. Ngoại trừ một số ít đô thị (điển hình như Buôn Ma Thuột) và một số bệnh viện và khu công nghiệp (như nhà máy bia Huda Huế, khu công nghiệp Bình dương, khu công nghiệp Nomura, khu công nghiệp Bắc Thăng Long...) đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải, hầu hết đều không xử lý mà xả thẳng ra sông ngòi, ao hồ. Do vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường nước (hồ, sông, mương...) vẫn kéo dài và ở mức độ cao, có xu hương gia tăng, thậm chí có nơi đã đến mức báo động (sông Thị Vải - Đông Nai, sông Cầu – Thái Nguyên, sông Thao – Việt Trì, sông Nhuệ – Hà Nội – Hà Tây,...).

d. Chất thải rắn: Tỷ lệ thu gom CTR trung bình đạt 70 – 75% tại các khu đô thị lớn và khoảng 40 – 50% tại các đô thị vừa và nhỏ, trong khi yêu cầu đối với đô thị đặc biệt 100%, loại I, II, III là 90%, IV là 80%, V là 65%.

* Công nghệ xử lý CTR chủ yếu là chôn lấp nhưng chỉ có 15/64 tỉnh, thành phố có bãi chôn lấp được thiết kế, xây dựng hợp vệ sinh nhưng chưa đồng bộ, vận hành không đúng quy định nên thực tế chỉ có 16/98 bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Trong 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải tập trung xử lý triệt để theo QĐ 64/2003/QĐ - TTg ngày 22/4/2003 của Chính phủ có 52 bãi rác. Tính đến nay cả nước có khoảng 10 nhà máy chế biến rác thải hữu cơ thành phân bón, có 61 lò đốt CTR y tế hoạt động.

* Tỷ lệ thu hồi các chất thải có khả năng tái chế và tái sử dụng đạt 20% (năm 2001), tăng lên 25% (năm 2004).

* Gần đây, một số công ty tư nhân đã đầu tư nghiên cứu công nghệ xử lý CTR sinh hoạt thành các sản phẩm, hạn chế chôn lấp như công nghệ Seraphin (Công ty Môi trường Xanh), công nghệ An Sinh (Công ty Tâm sinh Nghĩa); công nghệ chế biến nhiên liệu đốt MBT – CD – 08 dân dụng và công nghiệp (Công ty TNHH Thuỷ lực máy...) bước đầu đã thử nghiệm có kết quả, để được Hội đồng Khoa học công nghệ Bộ Xây dựng thẩm định và đề nghị cấp chứng nhận cho phép triển khai xây dựng ở các đô thị nước ta.

e. Cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng và thông tin liên lạc

* Tỷ lệ chiếu sáng các đường chính đô thị trung bình đạt 60 – 80%, các đô thị lớn đạt 95%.

* Các hình thức chiếu sáng công cộng được cải tiến ở nhiều đô thị, đã góp phần thay đổi bộ mặt đô thị.

* Tuy nhiên mạng lưới cấp điện, thông tin liên lạc, chiếu sáng chưa phủ đều khắp mọi nơi có nhu cầu, chưa ổn định, chất lượng thẩm mỹ chưa cao và chưa an toàn, nhất là hệ thống điện lưới phục vụ như cột điện, cáp điện, cáp thông tin liên lạc còn lộn xộn, mất mỹ quan và không an toàn.

* Hệ thống cung cấp nhiên liệu đun nấu (nhất là gas) chưa được quan tâm, chưa có quy hoạch và quản lý đường ống dẫn, trạm điều chế, sang chiết gas..., chủ yếu do tư nhân kinh doanh phục vụ (tự sang chiết, tự vận chuyển, tự quản lý bình gas từ nơi tiếp nhận đến nơi tiêu thụ rất không an toàn).

2.2. Những thách thức

Từ những số liệu trên có thể thấy rằng trong những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị nước ta đã tăng nhanh nhưng vẫn còn nhiều bất cập giữa quy mô, số lượng các đô thị, dân số đô thị, điều kiện kinh tế xã hội và hạ tầng kỹ thuật, thể hiện:

Dáng vóc đô thị thì lớn nhanh (quy mô không gian của đô thị tăng, số lượng đô thị nhiều) nhưng hạ tầng kỹ thuật thì yếu kém, phát triển chậm và thiếu đồng bộ.

Một số đô thị do tách tỉnh hoặc do nhu cầu chuẩn bị để nâng cấp (loại) đô thị nên mở rộng quy mô một cách quá mức dẫn đến diện tích ngoại thị ≥ 2 – 8 diện tích nội thị, đặc biệt một số thị xã (như Móng Cái,Cam Ranh, Vị Thanh) có diện tích ngoại thị > 11 – 17 lần diện tích nội thị.... Ngược lại, dân số ngoại thị ≤ 1/2 dân số nội thị. Điều nầy rất bất lợi cho đầu tư hệ thống HTĐT (hạ tầng XH và HTKT). Ở những đô thị này, các chỉ số về hệ thống HTKT thường thấp, đời sống người dân đô thị thiếu nhiều dịch vụ hạ tầng.

Đáng chú ý là hệ thống HTKT yếu kém, môi trường đô thị ô nhiễm và xuống cấp trong điều kiện tốc độ đô thị hoá những năm qua chưa cao. Trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, các hoạt động kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hoá sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu hệ thống HTKTĐT tiếp tục phát triển chậm và xuống cấp sẽ dẫn đến sự quá tải nặng nề, sẽ là những trở lực lớn, khó đảm bảo các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và BVMT. Như vậy sẽ tăng nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, đồng thời sẽ gây khó khăn cho quản lý đô thị, quản lý môi trường và đe doạ sự phát triển bền vững của các đô thị. Đó là những thách thức lớn cần được nhìn nhận và phải vượt qua.

3. Những giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống HTKTĐT.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của hệ thống HTKTĐT đối với sự phát triển toàn diện, lâu dài của đô thị và cả nước, thời gian qua Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều chiến lược phát triển HTKTĐT quan trọng đến năm 2020 (như Chiến lược cấp nước đô thị, Chiến lược thoát nước đô thị, Chiến lược giao thông vận tải, Chiến lược quản lý CTR, Chiến lược cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn...). Để thực hiện có kết quả các định hướng chiến lược đó, cần có sự chỉ đạo thống nhất, kiểm tra chặt chẽ và phải có kế hoạch (kể cả kế hoạch tài chính) triển khai thực hiện một cách kiên quyết, rõ ràng, đồng bộ; phải gắn chặt giữa phát triển kinh tế – xã hội, không gian kiến trúc – HTKT và yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng giai đoạn, cũng như trong suốt quá trình phát triển đô thị, đồng thời phải thể hiện trong QH tổng thể. Chính vì vậy, tất cả các đô thị nhất thiết phải hoàn thành QH tổng thể phát triển đô thị, QH chung XD đô thị (cả không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị) và phải được duyệt để làm căn cứ lập các quy hoạch chi tiết, các kế hoạch và các dự án khả thi phát triển HTKT. Trên cơ sở đó xác định đúng địa chỉ và mức độ đầu tư theo thứ tự ưu tiên, tránh đầu tư tràn lan, vun vặt, không hiệu quả. Trong thực tế, do nguồn kinh phí rất hạn hẹp nên thường phải đầu tư nhỏ giọt, thậm chí còn mang tính bình quân, dàn trải dẫn đến tình trạng xây dựng hệ thống HTKTĐT manh mún, chắp vá, gây khó khăn cho việc phát triển sau này. Theo chúng tôi:

Để đảm bảo cho sự cân bằng sinh thái đô thị – nền tảng của sự phát triển đô thị bền vững thì nhất thiết phải tính toán bảo đảm khả năng dung nạp của đô thị một cách toàn diện, nghĩa là bảo đảm cân bằng giữa cung và cầu, giữa phát triển đất đai và tăng dân số đô thị; giữa phát triển không gian kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật đô thị trong hiện tại, cũng như trong tương lai để mọi người dân đô thị đều được hưởng đầy đủ và ngày càng cao các dịch vụ HTKTĐT, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ MTĐT.

Trong QHXD và phát triển đô thị luôn phải bảo đảm phát triển HTKTĐT tương xứng với phát triển không gian kiến trúc. Do vậy QH phát triển không gian đô thị tới đâu, phải đầu tư HTKTĐT tới đó và phải chú ý đầu tư HTKTĐT trước một bước theo nguyên tắc “dưới trước, trên sau” (dưới là HTKTĐT, trên là thượng tầng kiến trúc). Đối với các khu vực sẽ phát triển cần kiên quyết thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống HTKTĐT, rồi mới xây dựng các công trình kiến trúc.

Cần mạnh dạn đầu tư hệ thống HTKTĐT đồng bộ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm theo hướng bền vững (hiện đại, kinh tế trong xây dựng; thuận lợi, văn minh trong sử dụng; khoa học trong quản lý; hoà hợp với môi trường cảnh quan của đô thị Việt Nam). Đảm bảo đầu tư cái gì chắc cái đó, chỗ nào được đầu tư HTKTĐT thì chỗ đó cuộc sống đô thị được thay đổi, từng bước giảm dần khoảng cách tụt hậu để hội nhập với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Ưu tiên đầu tư vào một số hệ thống HTKTĐT còn yếu kém nhất mà nó có ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển kinh tế xã hội, đến chất lượng cuộc sống và chất lượng môi trường đô thị (như giao thông đô thị, cấp thoát nước đô thị, cấp điện, VSMT đô thị).

Cần phải nhanh chóng đổi mới quản lý hệ thống HTKTĐT, nghĩa là phải lập lại kỷ cương, trật tự, quản lý thống nhất toàn bộ hệ thống HTKTĐT (giao thông, năng lượng, thông tin liên lạc, đường ống kỹ thuật ngầm cần giao cho một cơ quan đầu mối để có chế độ thống nhất trong quản lý, duy tu sửa chữa và phát triển đồng bộ theo kế hoạch. Chỉ như vậy mới tránh tình trạng thi nhau đào bới mặt đường một cách tuỳ tiện (nay đào – mai lấp; ngành này đào – ngành kia lấp...) đường phố vốn đã cũ kỹ, chật hẹp lại càng ngổn ngang mất vệ sinh, mất mỹ quan; giảm độ bền – sự ổn định của mặt đường, cản trở giao thông và gây lãng phí.

Các đô thị cần triển khai ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập, lưu trữ, cập nhật để quản lý toàn bộ hệ thống HTKTĐT.

Thực hiện quy hoạch toàn bộ không gian đô thị (trên không, trên mặt đất và dưới mặt đất) một cách hợp lý, hài hoà, không chỉ cho việc bố trí kiến trúc theo chức năng, mà còn phải dành đất thích hợp để quy hoạch bố trí hệ thống HTKTĐT trong hiện tại và trong tương lai. (Đặc biệt là cố gắng tận dụng một cách hợp lý, tối đa không gian ngầm cho hệ thống HTKTĐT).

Tiến hành rà soát để chỉnh sửa, bổ sung hoặc xây dựng mới, nhằm thống nhất và đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về các lĩnh vực HTKTĐT, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác QH, thiết kế thi công xây dựng và quản lý HTKTĐT.

Để đáp ứng cho sự nghiệp xây dựng – phát triển hệ thống HTKTĐT với tốc độ cao và hiện đại trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, cần áp dụng những thành tựu tiến bộ của khoa học công nghệ, đồng thời cần tập trung để chuẩn bị khẩn trương và toàn diện mọi nguồn lực (tài chính, vật lực và lực lượng con người tài trí), trong đó việc đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và công nhân lành nghề có năng lực chuyên môn cao về HTKTĐT, luôn năng động, sáng tạo và nhiệt tình đem hết sức mình cống hiến cho đất nước là rất quan trọng, đồng thời có những chính sách thích hợp để phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm và mọi tiềm năng của cộng đồng trong việc tham gia đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống HTKTĐT.

4. Kết luận

Xây dựng và phát triển hệ thống HTKTĐT đồng bộ, hiện đại là mục tiêu của QHXD và phát triển đô thị bền vững của nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Hy vọng rằng trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của đất nước và các đô thị có sự đóng góp xứng đáng của HTKTĐT.

 

Tham luận của PGS.TS. Trần Thị Hường  Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tại Hội thảo khoa học "Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - Cơ hội và thách thức", tháng 11/2008

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)