Xây dựng thành phố thông minh, bền vững trên nền tảng công nghệ 4.0

Thứ sáu, 25/01/2019 14:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hình thành một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh, hướng tới xây dựng TP. Hà Nội thông minh bền vững trên nền tảng công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Ảnh minh họa

Năm 2018, Hà Nội tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, tạo chuyển biến căn bản về xây dựng chính quyền điện tử và hướng tới xây dựng thành phố thông minh. Ðồng thời, phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông theo xu hướng công nghệ mới, hiện đại, góp phần phát triển kinh tế và phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành triển khai diện rộng hệ thống một cửa điện tử dùng chung ba cấp của Thành phố, tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đến 22 sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, 584 xã, phường, thị trấn. Ðồng thời, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ. Thành phố đã có 1.055 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, chiếm 55% tổng số các dịch vụ công đang triển khai, trong đó có 916 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đây chính là bước đi căn bản của TP. Hà Nội trong tiến trình hình thành chính quyền điện tử và xây dựng thành phố thông minh.

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong 3 thành phố của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn tham gia mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN. Do đó, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế như ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn công nghệ DELL của Mỹ; tham gia dự án các thành phố thế giới (World Cities) của Liên hiệp châu Âu... về xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh cho Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đánh giá, Hà Nội xứng đáng là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước của ngành thông tin và truyền thông. Năm 2019, Bộ sẽ công bố khung tham chiếu công nghệ thông tin và truyền thông, Hà Nội có thể căn cứ vào khung tham chiếu này để xây dựng thành phố thông minh. Trong đó, tập trung phát triển mạng viễn thông thế hệ mới mạng 4G và thử nghiệm mạng 5G gắn với việc xây dựng hạ tầng của kinh tế số, xã hội số và ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thời gian tới, để tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cần tiếp tục triển khai quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh triển khai Chương trình số 06 của Thành ủy về phát triển hạ tầng và quản lý trật tự đô thị; kế hoạch triển khai cụ thể các nhiệm vụ, trong đó, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, rà soát quy chế, quy trình làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cùng với việc tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo xu hướng công nghệ mới, hiện đại, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử, hình thành một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh, hướng tới xây dựng TP. Hà Nội thông minh bền vững trên nền tảng công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0.

Ðồng thời, đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, kịp thời bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông để tiếp tục tham mưu cho TP. Hà Nội triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin theo hướng tập trung, thống nhất trên một hệ thống với quy mô toàn Thành phố...


Theo Chinhphu.vn 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)