Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn

Thứ ba, 27/08/2024 19:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

 “Về cơ bản, dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8”, đây là nhận định của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 6, ngày 27/8.

Đa số ý kiến ĐBQH đánh giá cao kết quả tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung

Qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị và 9 năm thi hành Luật Xây dựng đã cho thấy nhiều thành tựu, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống. Tuy nhiên, sau thời gian dài thực hiện, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ hạn chế, bất cập, cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Theo Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì soạn thảo, dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đề xuất kế thừa và hoàn thiện các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và quy định về quy hoạch xây dựng (gồm quy hoạch nông thôn, khu chức năng) tại Chương II Luật Xây dựng vào trong 01 Luật. Tên gọi của dự án Luật là Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (hay Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, sau đây gọi là Luật QHĐT&NT).

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo dự thảo Luật với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều. Dự án Luật QHĐT&NT được xây dựng trên cơ sở quan điểm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; Nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập; Bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm, kiểm soát, giám sát việc thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật.

Những điểm mới của dự thảo Luật

Đề cập những điểm mới cơ bản dự thảo Luật đề xuất, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Dự thảo luật quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch (Điều 5 dự thảo Luật); Tách bạch và làm rõ mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch.

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Dự thảo Luật cũng bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với các đô thị trực thuộc tỉnh và quy định quy hoạch không gian ngầm được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước;

Đồng thời bổ sung, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện, yêu cầu đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch; Bổ sung quy định rõ hơn về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch, đảm bảo nguồn lực thực hiện quy hoạch; Bổ sung quy định làm rõ điều kiện năng lực và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Dự thảo Luật đồng thời bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và quy định trách nhiệm của Chính phủ theo hướng xác định rõ việc đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đối với hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; Bổ sung các quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

Việc xây dựng luật QHĐT&NT nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời giải quyết các hạn chế bất cập trong thực tiễn. (Ảnh: T/L)

Dự thảo Luật cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra

Việc xây dựng Luật QHĐT&NT nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời giải quyết các hạn chế bất cập trong thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo Luật QHĐT&NT sau khi được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 vừa qua vẫn còn có một số vấn đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6 diễn ra tại Tòa nhà Quốc hội sáng 27/8, đa số ý kiến ĐBQH bày tỏ đánh giá cao kết quả tiếp thu, giải trình của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Nhiều ý kiến nhất trí với các nội dung lớn của dự án Luật như quy định về quản lý không gian ngầm, việc bổ sung thêm một số quy định liên quan đến nội dung còn chồng lấn, giao thoa giữa quy hoạch. Các đại biểu cũng cho rằng, về cơ bản dự thảo Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.

Một trong những nội dung của dự thảo Luật QHĐT&NT nhận được nhiều ý kiến góp ý của ĐBQH chuyên trách là sự chồng chéo giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Giữa các quy hoạch hệ thống này với các quy hoạch thuộc hệ thống khác như quy hoạch đất đai, quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành nông nghiệp, năng lượng...

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị xem xét thiết kế riêng một Điều quy định yêu cầu về văn hóa, xã hội trong Luật QHĐT&NT; đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho địa phương; phân định phạm vi quy hoạch chung huyện, phạm vi quy hoạch chung xã; cung cấp thông tin quy hoạch…

Các đại biểu cũng đề nghị quy hoạch đô thị phải đảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hòa giữa các khu vực trong đô thị đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà ở, công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thương mại, công viên, cây xanh và công trình hạ tầng xã hội khác...

Sau khi giải trình một số nội dung của các ĐBQH góp ý liên quan đến dự thảo Luật QHĐT&NT, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ cùng với cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật QHĐT&NT.

Trong quá trình đó, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan thẩm tra tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý của các ĐBQH để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, không trùng lặp, chồng chéo cũng như đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 7 đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra.

Các đại biểu nhất trí với nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, đồng thời đóng góp thêm nhiều ý kiến về các nội dung còn băn khoăn, có tính chất chuyên ngành sâu và cần được tiếp thu, chỉnh lý như: Giải thích từ ngữ, phạm vi đối tượng hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch chung xã, quy hoạch không gian ngầm, xử lý các trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn…

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, của các đoàn ĐBQH, các cơ quan, tổ chức hữu quan, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật cùng hồ sơ tài liệu theo đúng quy định để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Nguồn: Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)