Bộ Xây dựng kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội

Thứ hai, 20/08/2018 16:19
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 251/BDN do Ban Dân nguyện -UBTVQH chuyển tiếp kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nộithuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dưngh với nội dung kiến nghị: “Đề nghị có tầm nhìn dài hạn trong công tác quy hoạch; có chế tài rõ ràng đối với các quy hoạch sai phạm. Nên rà soát, tổng kết các quy hoạch tại các ngành để thấy rõ hiệu quả quy hoạch và sai phạm trong quy hoạch. Không nên để cấp quận, huyện lập quy hoạch; xử lý các quy hoạch kéo dài, quy hoạch treo”. 

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 2042/BXD-QHKT xin trả lời như sau:

1. Về đề nghị có tầm nhìn dài hạn trong công tác quy hoạch và rà soát đánh giá quy hoạch: Theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng được quy định tại Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, tầm nhìn và thời hạn quy hoạch được xác định đối với từng loại hình quy hoạch. Cụ thể như sau:

- Đối với quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, thời hạn quy hoạch được xác định từ 20 năm đến 25 năm, tầm nhìn đến 50 năm.

- Đối với quy hoạch chung đô thị thuộc tỉnh, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng đặc thù, thời hạn quy hoạch được xác định từ 20 năm đến 25 năm.

- Đối với quy hoạch xây dựng nông thôn, thời hạn quy hoạch được xác định từ 10 năm đến 20 năm.

Mặc dù tầm nhìn trong công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được quy định rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, công tác quy hoạch xây dựng khi triển khai thực hiện trong thực tiễn còn có nhiều tồn tại, bất cập.

Qua công tác rà soát các quy hoạch xây dựng được duyệt và theo dõi tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị tại các địa phương; đồng thời thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 05/12/2016 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị tại một số thành phố lớn (đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 91/BC-BXD ngày 20/11/2017). Qua rà soát và kiểm tra, Bộ Xây dựng nhận thấy một số tồn tại hạn chế, cụ thể như sau:

- Chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tế quản lý và phát triển; một số đồ án quy hoạch còn thiếu tính khoa học và chưa khả thi dẫn tới tình trạng “quy hoạch treo” hoặc chưa giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong công tác quản lý, phát triển đô thị.

- Công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng (theo các cấp độ và theo loại hình) tại hầu hết các địa phương được thực hiện chưa đồng bộ; kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm chưa gắn kết với quy hoạch, dẫn tới việc đầu tư dàn trải, không đảm bảo đầu tư đồng bộ giữa nhà ở, khu đô thị, trụ sở… với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dẫn tới đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí, ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị và chất lượng sống của người dân.
- Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện và quản lý theo quy hoạch được duyệt còn thiếu đồng bộ, chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định.

Nhận thức được những bất cập, tồn tại trên, Bộ Xây dựng đã dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:

- Xây dựng Đề án “Đổi mới công tác lý luận, phương pháp luận về phát triển đô thị, quy hoạch đô thị” nhằm nghiên cứu, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, đảm bảo tính khoa học, hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các Luật, Nghị định liên quan về xây dựng, quy hoạch đô thị phù hợp với Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

- Rà soát, Sửa đổi, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới phát triển đô thị, nhà ở bảo đảm yêu cầu sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển, hoàn thành trước năm 2020

- Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là công tác cấp phép xây dựng.

2. Về trách nhiệm lập quy hoạch: Luật Xây dựng năm 2014, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan các cấp địa phương trong tổ chức lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Theo đó, để đảm bảo tính thống nhất giữa các cấp độ quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết), Luật đã quy định trước khi UBND cấp huyện phê duyệt quy hoạch phải có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý quy hoạch đô thị cấp tỉnh (khoản 3,4 Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị). Việc phân cấp trong công tác lập quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương; nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt.

3. Về giải pháp xử lý các quy hoạch kéo dài, quy hoạch treo:

a) Thực trạng “quy hoạch treo” tại các đô thị: “Quy hoạch treo” hay “dự án treo” được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch. Tại thời điểm hiện nay, cơ quan chức năng chưa có số liệu thống kê đầy đủ về “quy hoạch treo”, trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, đây là hiện tượng khá phổ biến ở một số địa phương, “quy hoạch treo” không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi hợp pháp, cuộc sống người dân như đại biểu đã nêu mà còn làm giảm hiệu quả, chất lượng phát triển đô thị, lãng phí tài nguyên và gây bức xúc trong xã hội.

b) Nguyên nhân chính: Khi lập quy hoạch còn chưa tổng hợp đầy đủ và xử lý tốt các thông tin hiện trạng và thông tin dự báo về tình hình kinh tế - xã hội và các yếu tố đầu vào khác dẫn tới mục tiêu, tầm nhìn, một số vấn đề chiến lược trong quy hoạch chưa chính xác.

Quy hoạch thiếu tính khả thi do chưa hoặc không xác định các yếu tố, điều kiện thực hiện, nhất là về nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (đường giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, công viên, trường học …) và đền bù giải phóng mặt bằng.

Việc tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch sau khi công bố chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định. Một số nhà đầu tư do không quan tâm hoặc không đủ năng lực tài chính nên mới chỉ chú ý đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, thương mại, dịch vụ mà chưa tập trung xây dựng các công trình hạ tầng trong khu vực dự án và công trình hạ tầng kết nối dự án với các khu vực lân cận.

Một số địa phương còn chủ quan, nóng vội trong việc mở rộng đất phát triển đô thị nhưng chưa tính toán chính xác các yếu tố, nguồn lực phát triển nên không thực hiện được các chỉ tiêu quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định, nhất là đối với các công trình hạ tầng.

Còn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành hệ thống hạ tầng đô thị.

c) Giải pháp

(1) Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung:

Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng: sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, đặc biệt đối với các quy định về lập, thẩm định quy hoạch xây dựng; về sự tham gia của cộng đồng dân cư, nhà đầu tư trong quá trình lấy ý kiến đồ án quy hoạch; thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, về năng lực quản lý và nhân sự. Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan tư vấn đối với chất lượng quy hoạch.

Tiếp tục hoàn thành và trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị.

Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư (BT, PPP...) cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông đô thị.

(2) Chính quyền các địa phương cần:

Rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi.

Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị.

Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị.

Cụ thể hóa các quy định các văn bản pháp luật phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương trong việc tham gia của cộng đồng dân cư; việc giám sát của người dân và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương; phố biến và tuyên truyền sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch.

Kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2042/BXD-QHKT. 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)