Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và HealthBridge, ngày 29/5/2023, tại cơ quan Bộ Xây dựng, Cục Hạ tầng kỹ thuật tổ chức lễ công bố Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị. Tham dự buổi lễ có ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; đại diện các địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh chủ trì buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh cho biết, hiện nay, việc phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường, cùng với xu thế sử dụng phương tiện xe đạp một cách linh hoạt, kết hợp với các loại hình phương tiện giao thông công cộng của các đô thị lớn đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở cả cấp trung ương và địa phương. Để thúc đẩy người dân đô thị sử dụng xe đạp, loại hình phương tiện này cần được quan tâm tạo điều kiện từ công tác quy hoạch đô thị, thiết kế đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, tới giai đoạn khai thác sử dụng, nhằm tạo sự thuận tiện, an toàn cho người sử dụng. Vì vậy, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cần phải có các quy định đối với kết cấu hạ tầng cho phương tiện xe đạp.
Trong bối cảnh đó, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế nghiên cứu biên soạn và hoàn chỉnh Hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế đường dành cho xe đạp, nhằm cung cấp các cơ sở khoa học để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kết cấu hạ tầng cho phương tiện xe đạp trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hiện nay. Trong quá trình biên soạn, kết quả của nghiên cứu cũng đã được nhóm biên soạn Quy chuẩn Hạ tầng kỹ thuật, phần 07-4 Hạ tầng cho giao thông đô thị xem xét và đưa một số nội dung vào dự thảo sửa đổi quy chuẩn. Theo Cục trưởng Tạ Quang Vinh, Cục Hạ tầng kỹ thuật đánh giá cao kết quả nghiên cứu và nội dung của Hướng dẫn đối với công tác quy hoạch, thiết kế và phát triển đường cho xe đạp tại các đô thị ở Việt Nam. Hướng dẫn cung cấp các giải pháp về mặt lý thuyết và kỹ thuật cho các vấn đề hạ tầng xe đạp, phù hợp với tiêu chuẩn 13592:2022 Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế tại Việt Nam mới được ban hành.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại buổi lễ
Tham dự buổi lễ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, hiện nay đã có đủ căn cứ khoa học để đô thị của các quốc gia tiên tiến trên thế giới chuyển dần sang giao thông xanh, trong đó chú trọng phát triển đi xe đạp. Còn tại Việt Nam, nhận thức về giá trị của xe đạp cũng đã khác trước. Nếu trước đây, xe đạp được xem như phương tiện giao thông chủ yếu dành cho người nghèo, thì nay xe đạp không đơn thuần là phương tiện giao thông mà còn là một giải pháp để giải quyết các vấn đề trong đô thị, giúp giảm thiểu ách tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường, góp phần để Việt Nam đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, đi xe đạp không chỉ tốt cho sức khỏe con người mà còn góp phần giảm ô nhiễm không khí trong đô thị, do đó cần được đưa vào quy hoạch dài hạn của các thành phố và kết hợp hài hòa với các loại hình phương tiện giao thông đô thị khác.
Ông Daniel Herrmann - Cố vấn trưởng Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris, Giai đoạn II” (GIZ) phát biểu tại buổi lễ
Cùng quan điểm này, ông Daniel Herrmann - Cố vấn trưởng Dự án “Hỗ trợ Việt Nam Thực hiện Thỏa thuận Paris, Giai đoạn II” (GIZ) cho biết, 20% lượng phát thải toàn cầu thuộc về ngành giao thông vận tải, trong đó giao thông đường bộ chiếm hơn 70% tổng lượng phát thải của ngành. Xe đạp luôn là phương tiện giao thông dễ tiếp cận, an toàn, tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Ưu tiên sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông hàng ngày là một chiến lược hiệu quả với chi phí thấp, giúp các thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị An - Giám đốc Quốc gia của HealthBridge Việt Nam nhận định, phát triển cơ sở hạ tầng xe đạp nên được coi là yếu tố cơ bản trong việc làm cho thành phố trở nên đáng sống, an toàn và bền vững hơn. Xây dựng và triển khai cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp phối hợp với các dự án giao thông công cộng khác sẽ nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông và tối đa hóa lợi ích từ các khoản đầu tư.
Kết thúc buổi lễ, Cục trưởng Tạ Quang Vinh cảm ơn các tổ chức trong nước và quốc tế đã hỗ trợ Cục Hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện Hướng dẫn thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị, đồng thời bày tỏ mong muốn Hướng dẫn sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị để xây dựng và triển khai các dự án liên quan.