Diện mạo nông thôn huyện miền núi Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: bacgiang.gov.vn
Sơn Động được xem là "vùng trũng" của tỉnh Bắc Giang, với 21 xã, địa hình chủ yếu là đồi núi, huyện cũng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai (lũ lụt, sạt lở đất…); bên cạnh đó có 14 dân tộc chung sống, cùng với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém… Trước khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện có tới 14/17 xã, thị trấn được xem là đặc biệt khó khăn và 108/124 thôn đặc biệt khó khăn của xã vùng II.
Vì vậy, ngay từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Sơn Động luôn xác định xây dựng nông thôn mới đối với các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vì từ chương trình sẽ loại bỏ dần những tập quán làm ăn lạc hậu, xóa đói giảm nghèo. Để thực hiện mục tiêu này, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với phương châm: Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống của người dân.
Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sơn Động đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Năm 2011, khi mới bắt tay vào thực hiện, tổng cộng số tiêu chí hoàn thành của các xã mới đạt 76 tiêu chí, bình quân 3,61 tiêu chí/xã thì đến năm 2020, số tiêu chí hoàn thành của các xã tăng lên 193 tiêu chí, bình quân đạt 12,87 tiêu chí/xã.
Bên cạnh đó, có nhiều tiêu chí đạt chất lượng như: Quy hoạch, điện, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, quốc phòng-an ninh, hệ thống chính trị, lao động có việc làm, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, thời gian qua, mỗi năm, huyện có hơn 1.000 hộ thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 5-6%/năm.
Theo ông Hoàng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, đến hết năm 2022, huyện phấn đấu mỗi xã hoàn thành thêm 1-2 tiêu chí nông thôn mới, nâng số tiêu chí lên 13-13,8 tiêu chí/xã. Giai đoạn 2021- 2025, toàn huyện phấn đấu xây dựng 6 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và được công nhận chuẩn nông thôn mới bao gồn các xã: Long Sơn, Tuấn Đạo, Vĩnh An, Yên Định, Dương Hưu và Đại Sơn. Đồng thời phấn đấu tỉ lệ đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỉ lệ đường thôn và đường liên thôn được cứng hóa đạt 80%.
Để đạt được mục tiêu này, huyện đã bố trí hơn 46,8 tỷ đồng từ các nguồn cho xây dựng nông thôn mới. Số tiền này được UBND huyện Sơn Động tập trung ưu tiên đầu tư cho 14 công trình chuyển tiếp từ năm 2021 và 15 công trình ưu tiên xây mới thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, nhà văn hóa, công trình nhà vệ sinh công cộng, nước sạch…
Ngoài ra, huyện cũng tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung trong xây dựng nông thôn mới cấp xã đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và của Huyện ủy.
Bên cạnh đó, huyện yêu cầu các xã tiếp tục tập trung triển khai kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng nông mới giai đoạn 2021- 2025; lồng ghép, ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển trong huyện.
Phát triển mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới tán rừng để phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh của huyện Sơn Động. Ảnh: bacgiang.gov.vn
Có thể thấy, đến nay diện mạo nông thôn miền núi trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, kinh tế-xã hội ở nông thôn cũng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được tăng cường và bảo đảm.
Để đạt được những kết quả này, theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Động Hoàng Văn Trọng, người dân trên địa bàn huyện đã được tiếp cận nhiều với các nguồn thông tin, về chính sách của Nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Từ đó tích cực tham gia, ủng hộ việc triển khai thực hiện các chính sách. Ở cấp xã, người dân đều được tham gia ý kiến về nhu cầu đầu tư, hỗ trợ, việc tổ chức thực hiện được công khai, minh bạch, có sự tham gia của cộng đồng, nhất là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng lợi trực tiếp.
Tuy nhiên, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn đến nay chưa được phân bổ hết nguồn vốn năm 2022 để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, đây cũng là năm đầu tiên thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 nên toàn bộ chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia đều mới, nguồn vốn phân bổ nhiều hơn so với giai đoạn trước, các văn bản hướng dẫn thực hiện của cấp Trung ương, của bộ rất nhiều, tuy nhiên cấp cơ sở lại chưa được tập huấn nghiệp vụ thực hiện.
Theo đó, để khắc phục khó khăn và tiếp tục xây dựng chương trình nông thôn mới hiệu quả, theo ông Hoàng Văn Trọng, trong thời gian tới, huyện Sơn Động sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn văn bản về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức giúp việc trong lĩnh vực quản lý triển khai thực hiện, nhất là cấp xã; đẩy mạnh triển khai các hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh Bắc Giang với các chủ đầu tư để triển khai thực hiện một cách đồng bộ.
Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thực hiện thanh, quyết toán các chương trình, dự án năm 2022, đảm bảo từ nay đến cuối năm hoàn thành 100% kế hoạch thực hiện nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022.
Huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các chủ dự án tập trung tiến hành triển khai dự án ngay khi đã có quyết định phân bổ chi tiết nguồn vốn cho từng dự án. Tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. Tiến hành ra soát các danh mục dự án đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025.
Huyện Sơn Động đặt mục tiêu tới năm 2025, toàn huyện có ít nhất mỗi năm một xã hoàn thành tất cả tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (xã Long Sơn vào năm 2022, xã Yên Định năm 2023 và xã Vĩnh An năm 2024).