Là một huyện thuần nông, nằm xa trung tâm, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, nên việc huy động nguồn lực kinh tế xây xây dựng nông thôn mới của huyện Mỹ Đức còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến nay huyện mới chỉ có 16/21 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 5 xã còn lại đang được huyện tập trung tháo gỡ khó khăn để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường của huyện Mỹ Đức đã thay da đổi thịt. Ảnh: Thu An
Ông Trương Anh Tuấn, Phó trưởng phòng kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết: Huyện Mỹ Đức xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ then chốt trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian qua. Đến nay, toàn huyện đã có 16/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đều đạt và cơ bản đạt từ 14 đến 16/19 thiêu chí nông thôn mới. 5 xã còn lại của huyện chưa hoàn thành nông thôn mới, gồm xã: Bột Xuyên, Lê Thanh, An Tiến, Đồng Tâm và An Phú.
Thời gian qua, 5 xã gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí trường học do cơ sở vật chất trường lớp xuống cấp chậm được cải tạo, xây mới vì chưa bố trí được nguồn vốn. Bên cạnh đó, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm cũng vậy, do ý thức người dân chăn thả, nuôi gia súc, gia cầm đều mang tính tự phát ở tại khu dân cư. Nhiều tuyến đường giao thông bị xuống cấp hoặc đang được thi công làm ô nhiễm môi trường; cả 5 địa phương này hiện cũng chưa có trung tâm văn hoá xã…
"Để đánh giá thực tế những khó khăn, chúng tôi đã khảo sát tại xã Bột Xuyên. Qua đó cho thấy, hiện nay địa phương đang gấp rút hoàn thành việc cải tạo trường THCS và trường Tiểu học; trường Mầm non đang chờ vốn đầu tư xây dựng. Mặc dù tại đây đã quy hoạch vị trí xây nhà văn hoá trung tâm nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa thể xây dựng. Tương tự như xã Lê Thanh cũng vậy, vì chưa xây dựng được trung tâm văn hóa xã và hàng loạt hộ dân có thói quen chăn nuôi gia súc, gia cầm ở gần nhà. Một số tuyến đường giao thông đang thi công bị chậm tiến độ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân. Đồng thời, tại đây còn có trường THCS và trường Tiểu học B đang cải tạo, sửa chữa nên chưa đủ điều kiện công nhận trường chuẩn quốc gia. Tại xã Lê Thanh còn có trường Mầm non B đang bị xuống cấp chưa được xây mới. Đây là một trong những lý do khiến UBND huyện Mỹ Đức và 5 xã đang phải cố gắng hoàn thành các tiêu chí còn lại"- ông Tuấn cho biết thêm.
Tuy nhiên, nhờ xây dựng nông thôn mới nên đời sống của nông dân huyện Mỹ Đức ngày một nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,17%; thu nhập bình quân/đầu người đạt 49,2 triệu đồng/người/năm; giá trị thu nhập bình quân đạt 160 triệu đồng/ha/năm; huyện có 1 bệnh viên đa khoa, 1 trung tâm y tế; 21/21 xã có trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia, các trạm y tế đều có bác sĩ và nhiều phòng khám tư nhân tại các xã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương.
Hệ thống cơ sở hạ tầng thường xuyên được quan tâm đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế.
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều khẳng định: Xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài, có nhiều khó khăn, phức tạp và đòi hỏi cần có một nguồn lực vật chất lớn, phải được thực hiện trên cơ sở kế thừa và phát triển, có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của các xã và đặc điểm cụ thể của từng thôn, xóm, cụm dân cư. Chính vì vậy cần có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hiện huyện Mỹ Đức đã và đang tập trung tháo gỡ những khó khăn, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kểu mẫu. Tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…Phấn đấu đến năm 2022, huyện Mỹ Đức được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với đó là phát triển kinh tế nông thôn, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, các ngành nghề nông thôn; tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành của Thành phố hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập 2 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, để nâng cao đời sống người dân, huyện sẽ tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn để tạo việc làm, giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp để tăng thu nhập của người dân địa phương, tiếp tục thực hiện Chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.