Phấn đấu xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 (Nguồn ảnh: KL)
Nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới
Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên.
Tính đến nay, Hà Tĩnh đã có 171/182 xã (tỷ lệ 94%) đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 747 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 7.244 vườn mẫu đạt chuẩn; 8/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, hạ tầng khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, xây dựng, nâng cấp. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có bước phát triển; giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực; các tiến bộ khoa học - công nghệ được áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Với những kết quả đạt được đến nay, Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Phấn đấu xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương. Chính vì vậy, Hà Tĩnh sẽ gắn kết chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa nhiệm vụ xây dựng tỉnh nông thôn mới với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo định hướng các nhiệm vụ trọng tâm, chương trình trọng điểm, các đột phá chiến lược đã được đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Trong đó, việc tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân được xem là nội dung cốt lõi, trọng tâm của mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo đó, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, 13/13 đơn vị cấp huyện của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Hà Tĩnh đặt mục tiêu, đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông, lâm, thủy sản đạt 3%/năm; có ít nhất trên 200 sản phẩm, dịch vụ đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, trên 5% số sản phẩm đạt 5 sao.
Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân mỗi năm trên 1,5%. Tối thiểu 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định; trên 80% số hộ gia đình có nước thải sinh hoạt được xử lý bằng các biện pháp phù hợp,…
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, địa phương sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng; phát triển kinh tế nông thôn bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các ngành nghề có lợi thế. Đi liền với đó, phát triển các sản phẩm chủ lực có tiềm năng của tỉnh theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm hạt nhân phát triển; ưu tiên thúc đẩy chế biến sâu, bảo quản, kết nối với chuỗi cung ứng, hình thành nhóm sản phẩm chủ lực theo 3 cấp độ: quốc gia, cấp tỉnh và đặc thù vùng, miền; phấn đấu có một số sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện để xuất khẩu.
Đáng chú ý, Hà Tĩnh sẽ chú trọng hoàn thiện các tiêu chí cấp tỉnh, trong đó quan tâm ưu tiên phát triển các hạ tầng trọng yếu, đảm bảo kết nối đồng bộ, hài hòa giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng khó khăn với vùng động lực phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, viễn thông. Xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và khẩn trương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt có công nghệ hiện đại và xử lý nước thải sinh hoạt theo quy mô phù hợp. Đẩy mạnh xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển nông thôn thành các vùng quê “trù phú, hòa thuận, văn minh, an toàn”.
Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số, nghiên cứu xây dựng mô hình xã nông thôn mới sinh thái, thông minh, khu dân cư sinh thái, thông minh. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh.
Nhằm thực hiện mục tiêu, Hà Tĩnh sẽ tập trung ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp theo hướng tạo động lực, ưu tiên cho các địa phương chưa đạt chuẩn; tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; kiện toàn hệ thống ban chỉ đạo, tổ công tác các cấp, các sở, ngành đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở.
Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở. Đổi mới, tạo bước đột phá về công tác cán bộ, nhất là việc điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ có năng lực, tâm huyết, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò chủ thể trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới.../.