Người dân xã Phú Nghiêm, dọn dẹp vệ sinh đường làng góp phần xây dựng nông thôn mới tại vùng cao. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất,” phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thu hút toàn dân tham gia hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp cả nước.
Từ phong trào, nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã tạo thành luồng gió đổi mới tích cực, toàn diện cho sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Diện mạo các vùng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; qua đó, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Từ những phong trào điển hình
Trên cơ sở kết quả của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2015, phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 tiếp tục trở thành một trong những phong trào có hiệu quả thiết thực, để lại dấu ấn, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo của nông thôn Việt Nam trong suốt thời gian qua. Nhiều mô hình mới, sáng tạo, linh hoạt được thực hiện hiệu quả từ một đến một vài địa phương đã lan tỏa sức mạnh phong trào đến cả nước.
Bước vào xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh khó khăn, tỉnh Quảng Ninh xuất phát ban đầu có đến 52 xã khó khăn, 22 xã đặc biệt khó khăn. Nhiều xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc cao, người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại; phong tục tập quán lạc hậu... Xác định đây là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống, “phải làm từ dưới lên,” tỉnh Quảng Ninh huy động sức mạnh của người dân vào cuộc cùng hệ thống chính trị, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.
Sau khi học tập phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản, Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Chương trình OCOP ra đời với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở địa bàn xã, phường, thị trấn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thông qua phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn, góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Sau 7 năm triển khai, chương trình OCOP thành lập được hệ thống tổ chức ở cấp tỉnh và 13/13 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, toàn tỉnh có 29 trung tâm, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và được xúc tiến thương mại trên một số thị trường trọng điểm (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, đồng bằng sông Hồng, khu vực Tây Bắc) và tại thị trường Trung Quốc... Chương trình OCOP không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tăng doanh thu, lợi nhuận, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng.
Từ hiệu quả mô hình, chương trình OCOP của Quảng Ninh đã được Trung ương chỉ đạo làm điểm và nhân rộng ra toàn quốc thành chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở để Trung ương đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn… Chương trình đã góp phần tạo sức bật mạnh mẽ cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung.
Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tích khả quan, tổng kết chương trình năm 2019 đã về đích trước một năm so với kế hoạch. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 91/122 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và phấn đấu hoàn thành 100 xã về đích vào năm 2022.
Bên cạnh chương trình OCOP, nhiều mô hình, phong trào như mô hình “Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu,” “Vườn mẫu” tại tỉnh Hà Tĩnh; phong trào “Sáng, xanh, sạch đẹp” của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng; phong trào “Cánh đồng mẫu lớn có sự liên kết 4 nhà” của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ; “Điểm sáng biên giới,” “Tổ tự quản về an ninh trật tự ở khu vực biên giới” của các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; “Làng quê không rác thải,” “Đường hoa thay cỏ dại” ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên... huy động sức mạnh của nhân dân trong triển khai phong trào thi đua, góp phần thay đổi diện mạo các làng quê trên khắp cả nước. Nhiều nơi trở thành miền quê đáng sống với cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, hiện đại.
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước và toàn xã hội, người dân đã thực sự trở thành chủ thể của phong trào thi đua với những việc làm thiết thực, hiệu quả. Trong 10 năm, đã có hàng vạn hộ gia đình tự nguyện hiến gần 45 triệu m2 đất, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng và gần 60 triệu ngày công lao động để xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi ở địa phương, góp phần về đích sớm gần 2 năm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. Theo đó, 61% xã, 26% đơn vị cấp huyện và 12 tỉnh, thành phố có 100% xã về đích nông thôn mới. Một số nơi đã xây dựng được mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đang nhân rộng để phấn đấu đến 2025 đạt 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu như dự thảo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước
Hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai sâu rộng, nội dung phong phú và hình thức đa dạng, trở thành phong trào quần chúng rộng khắp, góp phần mang lại nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng nông thôn mới. Các tỉnh, thành phố phát động phong trào thi đua với nhiều cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn, bám sát nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức dồn điền, đổi thửa, phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nông thôn, đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Các bộ, ban, ngành Trung ương tích cực triển khai thực hiện phong trào thông qua việc tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: Tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ đến với nông dân; thúc đẩy hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; triển khai các chương trình liên kết; đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Đường làng, ngõ xóm tại xã Ninh Sơn được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Tiêu biểu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động phong trào “Toàn ngành chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới;” Bộ Giao thông vận tải với phong trào chung tay xây dựng cầu treo dân sinh, đường giao thông nông thôn; Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” gắn với xây dựng nông thôn mới; Tập đoàn Điện lực Việt Nam góp phần quan trọng vào việc đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho sản xuất, sinh hoạt và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn; Tổng công ty công nghiệp Ximăng Việt Nam có cơ chế chính sách đặc biệt ủng hộ huyện nghèo, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;” Hội Cựu chiến binh Việt Nam có phong trào “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng nông thôn mới;” Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch;” Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”...
Kết quả của phong trào thi đua đã tác động tích cực, góp phần về đích sớm các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020. Đến tháng 6/2020, cả nước đã có 5.177 xã (chiếm tỷ lệ 58,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 371 xã so với cuối năm 2019. Có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đặc biệt, 127/664 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 4 huyện: Hải Hậu (Nam Định), Nam Đàn (Nghệ An), Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai) được lựa chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Nam Định, Đồng Nai được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Từ thực tiễn tổ chức và kết quả đạt được, phong trào thi đua đã có sức lan tỏa rộng khắp trên tất cả các vùng, miền, lĩnh vực, động viên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh. Hiện nay, phong trào đang tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 40% số xã nông thôn mới nâng cao, 10% số xã nông thôn mới kiểu mẫu; đến năm 2025, không còn xã nào đạt dưới 15 tiêu chí. Đối với cấp tỉnh, phấn đấu có ít nhất 15 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.